Ngày 30/9, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam xác nhận, đã giải quyết cho bác sĩ Phan Xuân Kh. (sinh năm 1991), một “nhân tài” theo diện thu hút của Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam được nghỉ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Chấp nhận bồi thường để nghỉ việc
Theo tìm hiểu, năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về chính sách thu hút “nhân tài” về làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn với nhiều chế độ đãi ngộ.
Quảng Nam đưa ra nhiều chính sách để thu hút "nhân tài" ngành y về địa phương công tác nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận bồi thường để nghỉ việc. Ảnh: bvdkquangnam.vn |
Năm 2016, bác sĩ Kh. về “đầu quân” cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút và làm việc tại khoa Gây mê phẫu thuật.
Bác sĩ Kh. đã ký hợp đồng với sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cam kết làm việc tại Bệnh viện trong thời gian 12 năm và được nhận tổng số tiền 350 triệu đồng.
Trong đó, 250 triệu đồng là tiền ưu đãi tốt nghiệp đại học loại giỏi và 100 triệu đồng tiền hỗ trợ mua đất làm nhà ở.
Bỏ tiền tỷ đi du học, về nước làm "lương ba cọc ba đồng" |
Hợp đồng này cũng nêu rõ, nếu anh Kh. đơn phương chấm dứt hợp đồng và chưa công tác đủ thời gian 12 năm sẽ phải đền bù gấp đôi số tiền đã nhận.
Sau một thời gian công tác, bác sĩ Kh. được Ban giám đốc Bệnh viện cử đi học chuyên khoa định hướng về gây mê phẫu thuật tại Bệnh viên Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh).
Vừa trở về công tác được một thời gian ngắn thì anh Kh. có đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình.
Chiếu theo hợp đồng ký trước đó, do bác sĩ Kh. tự ý phá vỡ cam kết nên phải bồi thường cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam 58 triệu đồng và bồi thường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam 597 triệu đồng.
Hiện bác sĩ Kh. đã chấp nhận phương án đền bù và đã chuyển tiền bồi thường cho ngân sách tỉnh để được nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Hai, giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2014, địa phương này đã thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế về công tác.
Đối với bác sĩ tốt nghiệp đại học chính quy tại các trường đại học Y – Dược hàng đầu gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế sẽ được tiếp nhận ngay và hưởng các chính sách ưu đãi kèm theo.
Theo đó, bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi sẽ nhận được 250 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá nhận được 230 triệu đồng, tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá nhận được 200 triệu đồng.
Thạc sỹ và bác sĩ chuyên khoa 1 được nhận 300 triệu đồng, bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa 2 nhận 350 triệu đồng và tiến sĩ là 500 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi người còn được nhận 100 triệu đồng tiền hỗ trợ mua đất để làm nhà ở.
Sau khi có chính sách này, nhiều bác sĩ giỏi sau khi ra trường đã “đầu quân” về tỉnh nhà làm việc. Tuy nhiên, qua một thời gian thì những bác sĩ này lần lượt rời đi.
Phần nhiều trong đó chuyển ra làm việc tại các bệnh viện tư nhân với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn.
Bác sĩ chuyển từ bệnh viên công sang tư
Cũng chung tình trạng như Quảng Nam, tại Đà Nẵng cũng xảy ra hiện tượng bác sĩ ở các bệnh viện công ồ ạt xin nghỉ việc để chuyển sang các phòng khám, bệnh viện tư nhân.
Đà Nẵng cho phép “chuyển nhượng nhân tài" từ khu vực công sang tư |
Ngoài nguyên nhân về lương bổng, chế độ đãi ngộ thì cơ chế làm việc, trang thiết bị kỹ thuật của các bệnh viện tư được đánh giá tốt hơn. Bác sĩ có cơ hội được tiếp cận nhiều cơ hội để nâng cao tay nghề, thay đổi môi trường.
Trước đó, tại kỳ hợp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX (ngày 7/7), bà Ngô Thị Kim Yến – giám đốc sở Y tế Đà Nẵng cũng đã lên tiếng về thực trạng này.
Trong số 48 cán bộ, y tế đang công tác tại các bệnh viện công xin nghỉ việc thì có đến 23 người là bác sĩ. Phần lớn các bác sĩ này chuyển đến làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn.
Bà Yến cho rằng, về mặt quản lý thì cán bộ, công chức ngành y tế có quyền chuyển đổi công việc, không thể ngăn cấm.
“Nhưng các trường hợp xin nghỉ việc ồ ạt khiến chúng tôi rất đau lòng. Đây cũng là một mặt trái của phát triển y tế tư nhân”, bà Yến nói.
Cũng tại phiên họp hội đồng này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, các bệnh viện tư nên tự tìm kiếm các bác sĩ giỏi trên cả nước đầu quân về chứ không phải đến các bệnh viện công ở Đà Nẵng trả lương cao rồi “hút” người về.
Và để giữ chân “nhân tài” theo ông Thơ thì phải có cơ chế hỗ trợ, giúp các bệnh viện giữ đội ngũ y bác sĩ giỏi.
Liên quan đến chính sách đào tạo "nhân tài", thành phố Đà Nẵng cũng đã khởi kiện nhiều trường hợp học viên (chủ yếu theo đề án 922) được cử đi học bằng nguồn ngân sách nhưng tự phá vỡ cam kết.
Nhiều học viên và gia đình đã phải bồi hoàn số tiền hàng tỷ đồng.