LTS: Việc lãnh đạo cố ý gây sức ép khi giáo viên không làm vừa lòng mình đã trở thành một mối lo sợ giữa các đồng nghiệp trong trường học, điều này đã được cô giáo Thuận Phương nêu ra trong bài viết “Những điều cấm kỵ ở nhà trường mà thầy cô muốn yên ổn đều buộc phải thuộc”.
Tiếp tục chia sẻ về những nỗi bức xúc này, cô giáo Phan Tuyết đưa ra nhiều dẫn chứng và cho rằng chất lượng Hiệu trưởng là nhân tố quan trọng dẫn tới tình trạng trên.
Do đó cần tổ chức thi chọn một cách sáng suốt, công khai, minh bạch chức danh Hiệu trưởng để lựa chọn được những người có tài năng, đạo đức lãnh đạo, điều hành nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Bài viết “Những điều cấm kỵ ở nhà trường mà thầy cô muốn yên ổn đều buộc phải thuộc” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc khắp nơi.
Nhiều ý kiến đồng tình khẳng định “Bài viết hoàn toàn đúng, 100% là sự thật” cũng đủ hiểu những điều tác giả nêu lên trong bài báo không chỉ xảy ra đơn lẻ, mang tính cá nhân ở một vài địa phương.
Nó phản ánh một sự thật, những chuyện thế này đã đang và sẽ xảy ra một cách phổ biến trong ngành giáo dục của chúng ta.
Chúng tôi cũng còn có gia đình, còn bao điều phải lo toan trăn trở, đấu tranh mà không có người bảo vệ nhiều khi lại chuốc bi kịch vào người! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn còn không ít những ý kiến bức xúc (chắc chắn những người này không phải trong nghề) như bạn Phan Thân lên tiếng:
“Không dám nói lên sự thật có đồng nghĩa với nói dối? Hiệu trưởng như vậy, giáo viên như vậy, thầy cô như vậy thì dạy học sinh thực hiện lời Bác Hồ dạy "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm…" như thế nào? Hay sẽ đào tạo ra một thế hệ nói dối? Ung nhọt này cần sớm được cắt bỏ”.
Phản ứng của độc giả Phan Thân cũng là điều dễ hiểu, những chất vấn nêu ra cũng rất đúng, các giáo viên không phải không hiểu điều đó, nhưng thưa bạn Phan Thân: “Nếu không biết nói dối, ai sẽ bảo vệ chúng tôi?”
Nếu theo dõi báo chí thường xuyên, mới đây nhất bạn sẽ thấy hình ảnh thầy giáo Trương Ngọc Lợi ở Kiên Giang kêu cứu vì bị trù dập do chống tiêu cực trong nhà trường.
Nhờ được báo chí phản ánh kịp thời, thầy giáo đã lấy được công bằng nhưng quãng đời làm giáo viên sau này của thầy cũng vô cùng chông chênh. Thường thì không có Hiệu trưởng nào muốn trong trường của mình có những người giáo viên thẳng thắn như thế.
Những điều cấm kỵ ở nhà trường mà thầy cô muốn yên ổn đều buộc phải thuộc |
Rồi bằng cách này, cách khác, họ cũng gây áp lực cho chính thầy thất vọng, bất bình, chán nản và sẽ tự nguyện xin chuyển đi…
Và cũng không phải giáo viên bị trù dập nào cũng may mắn như thầy Ngọc Lợi khi được báo chí bảo vệ, vẫn có không ít giáo viên, sau khi dám đấu tranh đã phải ngậm đắng nuốt cay chuốc họa vào thân mình.
Hiệu trưởng bây giờ được trao quyền rất lớn, giáo viên thường nói “quyền sinh sát” trong tay, đã thế, họ làm Hiệu trưởng là mãi mãi sẽ là Hiệu trưởng, khó có cơ hội xuống chức trừ khi sai phạm gì quá đáng.
Cấp trên lại luôn nghe lời cấp trên… khi không vừa lòng ai, giáo viên dù dạy giỏi đến đâu, dù phẩm chất tốt thế nào, cũng nằm trong danh sách thuyên chuyển bí mật do Hiệu trưởng tự đề xuất lên trên.
Thế là, có người đang dạy cách nhà vài ba cây số, bỗng chốc bị đổi đi xa hàng vài chục cây; thời khóa biểu thay vì dạy vài tiết liên tục để về làm việc khác, lại buộc “ngồi chơi xơi nước” vì bị phân lủng lổ theo kiểu dạy tiết 1 nghỉ tiết 2, dạy tiết 3 nghỉ tiết 4 và dạy tiết 5.
Hay bất ngờ bị Ban giám hiệu dự giờ, kiểm tra đột xuất… thanh tra góp ý thì ít mà soi mói, bơi móc thì nhiều.
Trong trường, khi ai đó đã bị Ban giám hiệu chiếu tướng thì cũng dễ bị cô lập ngay với cả đồng nghiệp của mình, bởi nếu tỏ ra thân thiết với “đối thủ”, giáo viên ấy cũng dễ bị liệt vào danh sách “cần đề phòng” của Ban giám hiệu.
Còn nhớ, khi thầy Đỗ Việt Khoa đi họp trễ 5 phút, Hiệu trưởng cho bảo vệ đóng cửa trường, vì không muốn bị tội “Vắng họp vô lý do” thầy Khoa trèo tường vào trường đã bị bảo vệ trực sẵn chụp hình. Có lần, thầy Khoa chia sẻ, giáo viên trong trường dù muốn cũng ít ai dám ngồi nói chuyện với thầy.
Phụ huynh mắc bệnh thỏa hiệp kèm sĩ diện thì lạm thu không bao giờ có hồi kết |
Đành rằng, không dám nói lên sự thật, thỏa hiệp với cái xấu là hèn nhát, đáng chê trách, càng không xứng đáng với vai trò, vị thế của người thầy đang hàng ngày dạy dỗ học sinh biết trung thực, biết lên án cái xấu… nhưng liệu nói ra có được gì khi giáo viên cũng thuộc hạng “thấp cổ bé họng”, hay “chờ được vạ thì má đã sưng”?
Chúng tôi cũng còn có gia đình, còn bao điều phải lo toan trăn trở; đấu tranh mà không có người bảo vệ nhiều khi lại chuốc bi kịch vào người và mang tai họa cho cả gia đình của mình nữa.
Hạn chế tình trạng này, cần phải giảm bớt quyền lực của Hiệu trưởng. Hàng năm, hoặc vài năm, cần tổ chức thi năng lực quản lý, đánh giá phẩm chất của các Hiệu trưởng để cân nhắc việc bổ nhiệm lại.
Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm một cách bí mật như niêm phong ngay thùng phiếu gửi về cấp trên; tránh tình trạng bỏ phiếu công khai như hiện nay, giáo viên ghi lời nhận xét nhiều Hiệu trưởng điều tra chữ viết, phán đoán ai gạch mình để ra tay “triệt hạ”.
Như vậy, sẽ hạn chế mức thấp nhất Ban giám hiệu tự tung tự tác, điều khiển tập thể theo ý mình, trù dập giáo viên dám nói lên sự thật, giáo dục mới mong chuyển mình theo chiều hướng tích cực.