LTS: Để con cái phát triển toàn diện, người làm bố mẹ cần có những lưu ý nhất định. Trong đó, việc vợ chồng xung đột trước mặt con cái là điều nên tránh. Bởi nhìn thấy bố mẹ cãi nhau nhiều sẽ hình thành nên một tâm lý không tốt cho con trẻ.
Đó là một thông điệp mà Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung hiện là giám đốc một tổ chức giáo dục muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh.
Hôm nay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bài viết mang thông điệp này của Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung.
Có lần, sau một hội thảo dành cho các phụ huynh, một bà mẹ gặp riêng tôi, rơm rớm nước mắt chia sẻ câu chuyện riêng của chị rằng, chồng chị đã bước vào độ tuổi U50 nhưng mọi chuyện cứ hơi tí là về mách mẹ.
Hơn nữa, bố mẹ chồng can thiệp rất sâu vào việc dạy dỗ con cái của vợ chồng chị khiến chị không biết làm thế nào để giáo dục con mình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung thì người lớn tranh cãi nhau trước mặt con là một điều cấm kị. (Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung cung cấp) |
Kỳ thực, hoàn cảnh như người phụ nữ này không hiếm thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhất là trong các gia đình nhiều thế hệ sống chung với nhau một nhà, nơi ông bà, con cái, cháu chắt sống chung với nhau.
Dẫu biết rằng, ông bà chăm lo cho con cháu là điều rất tốt thế nhưng các vai trò cần được phân định rõ giữa người lớn với nhau để tạo ra những căn cứ rõ ràng với con trẻ.
Nếu giữa cha và mẹ, hay cha mẹ và ông bà thường xuyên xung đột nhau trước mặt con, người lớn không nhìn về một hướng, không nhất trí với nhau trong cách thức và đường hướng giáo dục con cái, thì nạn nhân chính là những đứa trẻ.
Con sẽ không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là người mà trẻ phải tin tưởng đi theo, rồi sẽ lo âu, mất hướng, khủng hoảng và dễ rơi vào những cạm bẫy đang chờ chực, nhất là ở tuổi vị thành niên.
Mặt khác, trẻ cũng sẽ rất biết lợi dụng sự "vô tổ chức" này của người lớn để thực hiện ý đồ của bản thân mà điều này không phải lúc nào cũng tốt cho sự phát triển của con.
Cùng là vấn đề này nhưng qua quá trình tìm hiểu và phỏng vấn những người Pháp thì lại cho tôi một câu trả lời hoàn toàn khác.
Trước tiên, người Pháp họ xác định rõ việc nuôi dạy con cái là trách nhiện và quyền của cha mẹ (cả về xã hội và luật pháp), các ông bà nội ngoại chỉ tham gia vào việc dạy cháu khi cha mẹ chúng nhờ tức là khi không có cha mẹ ở đó.
Một bà mẹ người Pháp đã chia sẻ với tôi rằng:
"Khi có mặt vợ chồng chúng tôi, thì chúng tôi là người giáo dục các cháu, khi chúng tôi gửi các con cho ông bà, thì ông bà sẽ là những người điều hành trong ngoặc kép.
Chẳng hạn nếu chúng tôi (vợ chồng anh chị và ông bà - PV) cùng có mặt trong các bữa ăn gặp gỡ đại gia đình, nơi mọi người cùng hiện diện thì chính chúng tôi là người dạy dỗ các cháu.
Nếu có chuyện gì không đồng ý với nhau (giữa ông bà và anh chị trong các tình huống xảy ra tại thời điểm đó liên quan đến các cháu) thì sẽ nói chuyện sau, không được tranh luận trước mặt các cháu. Đó là quyền giáo dục của cha mẹ, mọi người đều hiểu rất rõ về điều này."
Những gì người mẹ này chia sẻ cũng là nguyên tắc chung của phần đa các gia đình Pháp mà chúng tôi quan sát được.
Từ những điều này, tôi cho rằng, trong việc giáo dục con, người lớn luôn phải nhìn về một hướng.
Những bất đồng xảy ra là điều bình thường, thế nhưng chúng phải được tranh luận, dàn xếp phìa sau lưng con.
Người lớn tranh cãi nhau trước mặt con là một điều cấm kị.
Làm như vậy sẽ giúp đứa trẻ có được những điểm tựa chắc chắn để vững bước vào đời, cũng như tạo sự thuận lợi hơn cho cha mẹ trong cách thực hành giáo dục con hằng ngày.