Nhà trường lách luật bằng mọi cách, Thông tư 55 đã bị vô hiệu hóa

30/09/2015 07:33
Đỗ Quyên
(GDVN) - Mặc dù Thông tư 55 đã nêu rõ nhưng vào đầu năm học, ở cuộc họp phụ huynh lớp, phụ huynh toàn trường, các trường học đã lờ đi quy định trong Thông tư 55.

LTS: Thông tư 55 đã đưa vào quy định nhưng vào đầu năm học, ở các cuộc họp phụ huynh các trường đã lờ đi những điều khoản trong đó. 

Nhìn nhận điều này, cô giáo Đỗ Quyên mạnh dạn chỉ ra những điều mà Thông tư 55 đang bị vô hiệu hóa. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Để hạn chế tình trạng các trường học bắt phụ huynh đóng góp tiền hội phí một cách “vô tội vạ”, ngày 22/11/2011 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55 trong đó quy định rõ một số Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Đáng chú ý nhất là Điều 10 trong Thông tư quy định rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. 

Nhà trường lách luật bằng mọi cách, Thông tư 55 đã bị vô hiệu hóa ảnh 1

Đồng tiền - đồng bạc làm xấu ngành giáo dục vì những việc không nên

(GDVN) - Công văn cấm đầu này, họ tìm cách lách đầu kia vì thế việc lạm thu vẫn không có hồi kết.

Tuyệt đối Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện...

Đọc Thông tư 55 nhiều giáo viên mừng thầm: “Thế là khỏi phải ra sức vận động phụ huynh đóng tiền hội phí.

Ai cho, ai ủng hộ bao nhiêu cũng được”. Nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như thế bởi các trường lại tìm cách “lách luật”.

Tự nguyện nhưng theo mức sàn đưa ra, nhiều thì được chứ ít tuyệt đối không.
Mặc dù Thông tư 55 đã nêu rõ như thế nhưng vào đầu năm học, ở cuộc họp phụ huynh lớp, phụ huynh toàn trường, các trường học đã lờ đi quy định trong Thông tư 55. 

Theo chỉ đạo của một số trường, nếu công khai Thông tư 55 rộng rãi cho phụ huynh biết thì số tiền ủng hộ hội phí cho nhà trường sẽ không được là bao bởi phụ huynh mà đóng góp theo tinh thần tự nguyện có khi chỉ vài ba chục ngàn một người...

Để thu được tiền hội phí cao nhưng vẫn không vi phạm Thông tư, những thầy cô giáo làm chủ nhiệm lớp phải họp trước với vị phụ huynh đại diện trong lớp của mình để họ đưa ra mức sàn và công bố trước cuộc họp. 

Thế là có rất nhiều mức sàn được đưa ra tùy vào ngôi trường của mình nằm ở khu dân cư nào. Chẳng hạn trường điểm, trường tốp trên mức sàn cũng sẽ khác có thể thấp nhất từ 200 – 300 nghìn đồng. Nếu trường nhỏ, nằm ở khu dân cư nghèo mức sàn đưa ra cũng phải 100 -150 nghìn đồng/ học sinh. 

Mức sàn đưa ra nhiều phụ huynh không đồng ý bởi có gia đình kinh tế quá nghèo nhưng vẫn phải đóng các khoản tiền “trời ơi đất hỡi” nhưng lại không dám phản ứng thế nào. 

Trong lớp cũng có một vài phụ huynh hiểu về Thông tư 55 và nêu thắc mắc: “Ủng hộ tự nguyện mà đưa mức sàn là không đúng với tinh thần của Thông tư, phụ huynh muốn đóng góp bao nhiêu thì tùy lòng hảo tâm. Nếu quy định như thế hóa ra vẫn là bắt buộc”. 

Nhà trường lách luật bằng mọi cách, Thông tư 55 đã bị vô hiệu hóa ảnh 2

Tiền trường và Hội đại diện cha mẹ học sinh

(GDVN) - Chuyện lạm thu ở các trường học đã được báo chí nói nhiều, nói mãi và sẽ còn nói nữa khi các trường vẫn lợi dụng xã hội hóa giáo dục để thu thêm nhiều khoản.

Lập tức sẽ được vị hội trưởng hội phụ huynh lớp nói: “Mức sàn đưa ra đã được Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường đồng ý”.

Bất kì thắc mắc gì từ phía phụ huynh cũng được nghe câu: Đây là ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.

Về lý thuyết thì Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đại diện cho tiếng nói của đại đa số phụ huynh nhưng thực tế họ là những “cánh tay nối dài” của Hiệu trưởng. 

Để giảm bớt tình trạng lạm thu tiền quỹ hội, giảm bớt việc núp bóng “tự nguyện” để bắt phụ huynh phải móc hầu bao thì bất kì Thông tư, Nghị định nào ban hành cũng phải thật chặt chẽ không để cho nhiều người có cơ hội lách luật. 

Đỗ Quyên