Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

28/08/2016 07:08
GS.Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà nhưng cần xác định cái gì nên làm trước, cái gì nên thực hiện sau vì “dục tốc bất đạt”.

LTS: Được sự tín nhiệm của nhân dân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã "cầm cương" ngành giáo dục với nhiều điểm “nóng” từng ngày, từng giờ được gần 5 tháng.

Chia sẻ với Bộ trưởng, cũng đồng thời có một số góp ý, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có bức thư nói lên nhiều vấn đề của ngành.

Được sự đồng ý của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tòa soạn trân trọng đăng nguyên văn bức thư này.

Kính mời quý độc giả cùng theo dõi. 

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Kính thưa Bộ trưởng!

Với tư cách là một nhà giáo đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục trong 60 năm, tôi biết cũng như mọi người, Bộ trưởng đang rất băn khoăn trong việc nên chấn chỉnh cách nào tốt nhất, khả thi nhất, để có thể đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Tôi xin kính gửi đến Bộ trưởng một số kiến nghị tâm huyết sau đây:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 1

GS. Nguyễn Lân Dũng góp ý thẳng thắn cho đổi mới giáo dục Việt Nam (Bài 1)

1- Sự nghiệp đổi mới giáo dục là một công việc khó khăn và lâu dài, không thể tiến hành ngay một lúc mọi chuyện vì như người xưa đã nói “giục tốc bất đạt”.

Chính vì vậy ta cần lựa chọn cái gì cần phải làm ngay, cái gì lần lượt làm trong các năm sau.

2- Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà, bởi vì chúng ta có một đội ngũ đông đảo các giáo viên hầu hết đều yêu nghề, mến trẻ mặc dù với đồng lương còn quá hạn chế.

Chúng ta có một thế hệ trẻ thông minh, hiếu học, có số năm học và số tuổi học đường giống như hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển;

Hàng chục triệu phụ huynh hết sức quan tâm đến việc nuôi dạy con cái, hy vọng con cái trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi, tương lai phục vụ hiệu quả cho đất nước.

Thời đại ngày nay là thời đại tin học phát triển với khả năng có thể thay đổi một cách thần kỳ những đổi mới trong giáo dục.

GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: giaoduc.net.vn).
GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: giaoduc.net.vn).

3- Việc gì cần làm đầu tiên?

Theo tôi đó là sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới giáo dục.

Trước hết là sự tham gia thiết thực của đội ngũ các nhà khoa học thuộc Liên hợp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (với các Hội chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Âm nhạc, Mỹ thuật…) và hàng triệu giáo viên dày dặn kinh nghiệm.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì?

Việc biên soạn chương trình, dự kiến phân ban cần lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ này dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ.

Đầu tiên cần xác định cơ cấu năm học, nhất là việc phân ban.

Cần nhớ rằng kiến thức cơ bản được học dưới mái trường phổ thông là hành trang quý giá trong một cuộc đời mỗi người, là cơ sở để có thể học thêm suốt đời.

Tôi nghĩ chỉ nên phân ban ở hai năm cuối bậc giáo dục phổ thông và phân ban sâu như một số nước để thực hiện thành công với 4 phân ban: Toán - Lý, Hóa - Sinh, Xã hội – Nhân văn, Quản trị - Kinh doanh.

Mỗi phân ban chỉ học có 4 môn nên đủ sức học rất sâu và chuẩn bị cho việc chọn ngành nghề để học tiếp lên Cao đẳng, Đại học hay các trường nghề.

4- Bộ xác định phương hướng của Chương trình và giao cho các Hội khoa học chuyên ngành tập trung các chuyên gia giỏi nhất, các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm nhất tham gia soạn thảo.

Một Hội đồng giáo dục Nhà nước đủ uy tín xem xét, thông qua và sau đó công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cả nước.

5- Việc biên soạn sách giáo khoa là quyền của mỗi tác giả hay các nhóm tác giả. Chỉ có 2 tiêu chuẩn duy nhất là: Không sai chương trình chuẩn và có chất lượng cao.

Không nên đề ra tiêu chuẩn về người viết sách giáo khoa, chất lượng các sách giáo khoa sẽ được thẩm định qua một Hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín và sau đó được thị trường tự sàng lọc.

6- Đổi mới mang tính cách mạng kỳ thi Quốc gia cuối cấp trung học phổ thông. Chỉ có một kỳ thi duy nhất làm cơ sở cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển Đại học.

Giữ vững nguyên tắc“Học gì thi nấy” chứ không phải “Thi gì học nấy” như hiện nay (hệ quả xấu về chuyện học lệch, phân biệt hai loại giáo viên là quá rõ).

Có thể lựa chọn ba phương án:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 4

Triết lý giáo dục - Việt Nam đã có chân lý này hay chưa?

+ Thi 5 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (trừ Toán) và Khoa học xã hội (trừ Văn); thi trong 2 ngày.

+ Thi 3 môn: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (có cả Toán) và Khoa học xã hội (có Văn); thi trong 1 ngày.

+ Thi chung với ngân hàng đề thi gồm kiến thức tất cả các môn học với sự hỗ trợ của kỹ thuật tin học; thi trong 1 buổi.

Phương án thứ ba là hay nhất và rất khả thi – Ngân hàng đề thi do các Hội khoa học chuyên ngành đề xuất và có một Hội đồng khảo thí quốc gia lựa chọn.

Trong khi chưa có đủ máy tính để thực hiện như Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, thì chỉ cần có 1 máy tính cho mỗi trường kèm theo máy in đề thi cho các thí sinh.

Hai thí sinh ngồi gần nhau có đề khác nhau cho nên có thể đảm bảo một cách dễ dàng việc loại trừ gian lận thi cử.

Học sinh có quyền ghi bao nhiêu nguyện vọng tùy thích (!).

Máy tính sẽ lựa chọn (như ở nước ngoài) dễ dàng căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau (điểm số từng môn liên quan đến ngành nghề, nguyện vọng của thí sinh, hoàn cảnh địa lý, vùng miền…).

Các Tổng Công ty Tin học lớn sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ thực hiện công việc tưởng là rất khó khăn này.

Việc thi cử tiến hành ngay tại từng điểm thi ở địa phương và do các Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách.

Các trường Cao đẳng, Đại học có thể cử giảng viên tham gia các Hội đồng thi để thêm tin tưởng vào tính nghiêm túc của kỳ thi.

Kết quả trúng tuyển sẽ dễ dàng và nhanh chóng có được (số thí sinh dự thi và số tuyển sinh của tất cả các trường thực tế không chênh lệch bao nhiêu).

7- Trong các công việc ưu tiên cần lựa chọn ưu tiên trước hết là việc nâng cao chất lượng bậc giáo dục Mầm non và bậc Cao đẳng, Đại học.

Cần đào tạo ra những cán bộ đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội (không phải chỉ vào biên chế Nhà nước mà phần lớn phục vụ trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội kể cả nông-lâm-ngư nghiệp).

Cũng cần ưu tiên tổ chức lại việc học Ngoại ngữ để sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ít nhất cũng sử dụng được 1 ngoại ngữ (có dự án của bạn trẻ Trần Hùng John đã gửi Bộ trưởng).

Nên mở rộng khoa ngoại ngữ chuyên ngành ở mọi trường Đại học, vì biết ngoại ngữ có thể lập nghiệp thông qua việc tìm ra biết bao các sáng kiến kỹ thuật đã hết thời hạn bảo hộ trên Internet.

Thiếu giáo viên bản ngữ thì có thể thuê, vì sinh viên đóng tiền để được học cơ mà?

Thà dạy ngoại ngữ còn hơn dạy các chuyên ngành mà xã hội chưa có nhu cầu và rất khó tìm việc làm.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 5

Những điểm cần sửa đổi nếu tiếp tục không chấm điểm học sinh tiểu học

8- Cần xem lại những bất cập trong việc thực hiện “Trường học mới” theo kinh nghiệm Colombia, và Thông tư 30… những chuyện đã có quá nhiều ý kiến phản biện bất đồng tình.

Nếu không đúng, cần xóa bỏ ngay những chuyện bất cập và xa thực tế, cần chấm dứt việc lấy số đông học sinh để làm thí nghiệm một chủ trương mới nào đó (!).

Tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ xem xét những kiến nghị trên đây của tôi (và nhiều đồng nghiệp) với thái độ thực sự cầu thị.

Kính chúc Bộ trưởng dồi dào sức khỏe để chỉ đạo thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà!

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2016.

GS.Nguyễn Lân Dũng