Hiệu trưởng gợi ý nộp tiền 6 triệu đồng/người để "chống trượt"
Nhiều giáo viên Mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hải An, thành phố Hải Phòng phản ánh về việc họ bị gợi ý nộp số tiền 6 triệu đồng/người để được tuyển đặc cách vào viên chức dưới dạng sát hạch tay nghề. Sự việc trên được cho là xảy ra vào tháng 3/2016.
Các tài liệu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, những phản ánh nêu trên là có dấu hiệu có căn cứ.
Cụ thể, vào cuối tháng 3/2016, ngay sau khi có thông báo về việc xét tuyển viên chức, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục như trường Mầm non trên địa bàn quận Hải An đã tổ chức họp, phổ biến về nội dung xét tuyển viên chức, trong đó có việc gợi ý nộp tiền "chống trượt" sát hạch.
“Trước thời điểm xét tuyển 3 tháng, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức họp và gợi ý mỗi giáo viên nộp 6 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh lãnh đạo các cấp.
Thực tế, đây là hình thức “bôi trơn” để chống trượt trước khi xét tuyển.
Các cuộc họp liên quan tới chuyện tiền nong đều gặp phải sự phản ứng của giáo viên. Đây là hình thức gợi ý nộp tiền có tính chất miễn cưỡng”, một giáo viên Mầm non (đề nghị không nêu tên) trên địa bàn quận Hải An (Hải Phòng) tiết lộ.
Tuy nhiên, với tâm lý e ngại, sợ trượt, nhiều giáo viên đã ngậm ngùi trích tiền lương hằng tháng kiếm được để nộp vào "quỹ", để đi cảm ơn cấp trên, sau khi nghe phổ biến của lãnh đạo các trường Mầm non.
Trường Mầm non Đằng Hải, quận Hải An (ảnh: http://haian.edu.vn). |
Trong những tư liệu mà phóng viên thu thập được, đáng lưu ý có đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa bà Nguyễn Hòa, Hiệu trưởng trường Mầm non Đằng Hải và tập thể giáo viên nhà trường vào cuối tháng 3/2016, với nội dung phổ biến việc nộp tiền “chống trượt” trong đợt xét tuyển viên chức giáo viên mầm non vừa qua.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích lược nội dung ghi âm cuộc trao đổi nói trên.
Hiệu trưởng Nguyễn Hòa: Đây là vấn đề hết sức tế nhị mà các đồng chí phải thống nhất, sau đó các đồng chí tự đi làm.
Tôi chỉ là người định hướng cho các đồng chí và các đồng chỉ cử ra một người, cùng với các trường khác đi cảm ơn.
Bây giờ muốn vào công chức nhà nước thì phải thi, cả lý thuyết và thực hành. Đây là điều hết sức khó khăn, nhưng nếu bị loại ra thì thiệt.
Bây giờ đóng kinh phí là 6 triệu/một người để các đồng chí ở quận lo cho các đồng chí vượt qua thi lý thuyết, thực hành. Có thể vẫn phải thi, nhưng bằng cách nào đó bài vở (cho) các đồng chí chẳng hạn.
Các đồng chí cử ra một người đem tiền đến đóng, không phải qua Hiệu trưởng, Hiệu phó gì hết.
Vấn đề này cũng nhẹ nhàng thôi không được ai bung bét (để lộ) ra chuyện này, chuyện kia. Các đồng chí cứ thử hỏi nhỏ ở các trường khác cùng như diện các đồng chí xem nó như thế nào? Hay trường nào nhiều, trường nào ít?
Trên thông tin, chỉ đạo là như vậy. Chúng tôi chỉ có việc thông báo tới các đồng chí như thế, để (giúp) cho các đồng chí qua được cái này (kỳ xét tuyển này).
Còn việc xét đặc cách, có thể các đồng chí không mất tiền mà vẫn vào được (viên chức), nhưng có những đồng chí có khi lại không vào được cũng chỉ vì cái này, cái kia. Nhưng khi người ta nhận (tiền) thì các sếp phải có trách nhiệm lo cho các đồng chí.
Tóm lại là, tự các đồng chí cử ra 1 người mà các đồng chí thấy tin tưởng để đi với các trường khác ở quận. Đồng chí Lại, Hiệu trưởng trường Mầm non Đông Hải là người chịu trách nhiệm cùng với các đồng chí đi lên quận, thành phố.
Tôi chắc chắn rằng, kinh phí 6 triệu là lớn, nhưng để đi từ quận lên thành phố thì…
Giáo viên: Chị ơi lần này quận có ra chỉ tiêu là loại bao nhiêu người không? Tôi thấy quận Kiến An cũng thi và loại nhiều người lắm!
Hiệu trưởng Nguyễn Hòa: Các nơi họ loại nhiều lắm! Nếu loại thì làm sao phải mất tiền?
Giáo viên: Tôi có hỏi một vài nơi, họ bảo chúng tôi không cần thi mà chuyển qua xét duyệt đặc cách.
Hình thức thi chỉ áp dụng với những người chưa vào hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Còn không biết quận mình như thế nào? Nếu thi phải thi chung toàn thành phố chứ không phải một mình quận mình đặt ra được.
Hiệu trưởng Nguyễn Hòa: Mình phải theo quận mình chứ!
Tôi chỉ có trách nhiệm thông báo với các đồng chí thế thôi. Tôi không liên quan tới kinh phí và không liên quan tới việc các đồng chí đi đâu hết...
Chỉ biết các trường trong toàn quận người ta làm như thế!
Tốt nhất các đồng chí đừng để xảy ra vấn đề gì đó thiệt thòi (cho mình). Lúc đó mang tiếng lãnh đạo trường đi họp về mà chẳng thấy nói gì.
Làm thế nào thì làm để cho hợp lý với các đồng chí và đem lại kết quả...
Tóm lại đó là tiền "chống trượt"...
Có một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là sau khi nhận thông báo xét tuyển viên chức, một số trường Mầm non trên địa bàn quận Hải An đều phổ biến tới giáo viên về khoản tiền "cảm ơn lãnh đạo".
Liệu đây có phải là chủ trương của lãnh đạo quận Hải An trong quá trình xét tuyển viên chức?
Không nộp 6 triệu thì đóng 2 triệu đi... cảm ơn
Việc lãnh đạo nhiều trường Mầm non trên địa bàn quận Hải An gợi ý nộp tiền "chống trượt" khiến nhiều giáo viên hết sức bức xúc.
“Chúng tôi là giáo viên Mầm non, đời sống còn khó khăn thì lấy đâu ra tiền để đóng, đi cảm ơn lãnh đạo?.
Đây là vấn đề tiêu cực trong giáo dục chứ còn gì nữa.
Tôi nhất quyết không làm việc vi phạm đạo đức này”, một giáo viên cho biết.
Sau khi chủ trương trên vấp phải sự phản ứng của một số trường, nhiều cơ sở giáo dục đã hoàn trả số tiền 6 triệu đồng cho các giáo viên vào thời điểm trước khi xét tuyển đặc cách.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc việc xét tuyển đặc cách viên chức (tháng 8/2016), một số lãnh đạo trường Mầm non tiếp tục gợi ý giáo viên chuyện tiền nong và đưa ra mức giá 2 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo.
Số tiền giáo viên góp lại được giao nộp tại trường Mầm non Đông Hải 2.
Theo như nội dung ghi âm, bà Bùi Thị Lại - Hiệu trưởng trường Mầm non Đông Hải 2 (bà Lại hiện đã nghỉ hưu) được cho là người đứng ra chủ trì việc quan hệ về mặt tiền nong giữa giáo viên với cấp trên.
Một số giáo viên cho biết vì sợ cấp trên gây khó khăn trong công việc, họ đành chấp nhận nộp 2 triệu đồng để đi cảm ơn lãnh đạo.
Được biết, toàn bộ mức kinh phí do 26 giáo viên trường Mầm non Đằng Hải đóng góp để đi cảm ơn lãnh đạo sau khi đợt xét tuyển kết thúc là 50 triệu đồng.
Tương tự, tại trường Mầm non Nam Hải, lãnh đạo trường này cũng phổ biến, quán triệt tới nhiều giáo viên đóng góp kinh phí để đi "cảm ơn" lãnh đạo quận sau khi việc xét tuyển viên chức kết thúc.
104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp ngay trước thềm năm học mới |
Mức đóng góp mỗi giáo viên là 2 triệu/người. Việc tổ chức thực hiện được quan triệt dưới hai hình theo hình thức “đi theo toàn quận”, hoặc “tự giáo viên đi cảm ơn”.
Theo phản ánh, toàn quận Hải An có 156 giáo viên được tham gia vào đợt xét tuyển đặc cách viên chức vừa qua. Ngoài các cơ sở giáo dục nói trên, sự việc còn xảy ra tại nhiều cơ sở giáo dục Mầm non khác trên địa bàn quận Hải An.
Hiệu trưởng thừa nhận có chuyện gợi ý tiền nong khi xét tuyển viên chức
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 19/7, bà Nguyễn Hòa, Hiệu trưởng trường Mầm non Đằng Hải (Hải An, Hải Phòng) thừa nhận có việc phổ biến chuyện tiền nong đối với giáo viên trong trường với mục đích cảm ơn lãnh đạo trong kỳ xét tuyển viên chức vừa qua.
“Tôi chỉ phổ biến rằng, đó là chuyện nên làm, chứ tôi không thu tiền của giáo viên.
Tôi nghĩ 30 năm về trước Mầm non chưa có biên chế, bây giờ có cơ hội được biên chế thì phấn khởi quá! Do đó, tôi mới nói mỗi người đóng mấy triệu để đi cảm ơn các sếp”.
Hiệu trưởng trường Mầm non Đằng Hải cho biết thêm, việc bà hướng dẫn giáo viên đi cảm ơn lãnh đạo không có sự gợi ý, chỉ đạo từ cấp trên.
“Không có ai chỉ đạo tôi chuyện này cả. Tôi chỉ nghĩ, khi được hưởng chế độ nhà nước thì nên đi cảm ơn người ta. Nó (tiền) cũng chỉ có một tí thôi mà”, bà Hòa khẳng định lại.
Trong khi đó, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các trường Mầm non Nam Hải, Đông Hải 2... đều phủ nhận thông tin gợi ý nộp 6 triệu đồng/người tiền chống trượt trước kỳ thi xét tuyển đặc cách viên chức và 2 triệu đồng đi cảm ơn lãnh đạo sau khi hoàn thành việc xét tuyển.
Việc phủ nhận phản ánh tiêu cực trong xét tuyển đặc cách viên chức của lãnh đạo các đơn vị nói trên được cho là hoàn toàn trái ngược với những tư liệu mà phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo quận Hải An (Hải Phòng) để làm rõ những thông tin phản ánh nói trên từ 3 tuần trước.
Tuy nhiên, đến hôm qua, 31/7 mới có được một lịch hẹn vào...cuối tuần này với lãnh đạo quận.