Nhiều học sinh bỏ học lấy chồng vì...cái chân gà

20/04/2011 14:40
Nếu thầy bói xem chân gà thấy năm nào hợp tuổi bảo phải lấy chồng là bắt buộc phải tuân theo nếu không sẽ bị “ế”.

Theo phong tục của người Dao thì con gái từ 15 đến 17 tuổi có khả năng sinh con là có thể lấy chồng bất cứ lúc nào. Đặc biệt, nếu thầy bói xem chân gà thấy năm nào hợp tuổi bảo phải lấy chồng là bắt buộc phải tuân theo nếu không sẽ bị “ế”. Vì vậy, nhiều phụ huynh không ngần ngại buộc con mình bỏ học lấy chồng.

Năm 2002, từ khi cô Đoàn Thị Tuyết Nhung lên công tác tại Trường THPT Hồng Quang (xã Động Quan, huyện Lục Yên) đến nay, năm học nào cô cũng được phong chức “bà ngoại, bà nội” của nhiều học sinh tuổi 15 -17 do cô chủ nhiệm.
 
Đây có thể là câu chuyện lạ đối với học sinh miền xuôi, còn ở ngôi trường này thì việc học sinh bỏ học để về lấy chồng đã trở thành chuyện quá bình thường với thầy cô giáo và học sinh. Đây là ngôi trường có số lượng học sinh bỏ khá nhiều: năm học 2009-2010 có 68 học sinh và năm học 2010-2011 có 14 em. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Bỏ học vì …  “xem chân gà”
 
Cũng như nhiều học sinh khác, em Nông Thị Lạnh, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Hồng Quang luôn chăm chỉ học tập và được nhiều giáo viên nhận xét là học khá của trường. Thế nhưng, đùng một cái, gia đình bắt nghỉ học để lấy chồng mà không cần biết con gái mình có phản ứng gì hay không. Nguyên do chỉ vì bố mẹ nhờ “thầy mo, thầy bói” ở làng xem chân gà và phán: “Tuổi nó năm nay phải lấy chồng”.

Hay trường hợp của em Trương Thị Nhu, lớp 10A3 buộc phải nghỉ học để lấy chồng ở tuổi 16 mà em không hề mong muốn.
 
Rồi đến trường hợp của các em như: Triệu Thị Cói lớp 12A3, Lê Thị Nguyệt 12A4, Nguyễn Thị Điệp 12A3…đang cái tuổi ăn, tuổi học, tuổi mộng mơ thi đỗ vào đại học, cao đẳng để mai sau cống hiến cho xã hội cho gia đình nhưng bởi hủ tục còn lạc hậu và trình độ hạn chế nên nhiều bậc phụ huynh đã vô tình đẩy con em mình vào chỗ thất học.
 
Lấy chồng… vẫn đi học
 
Trở lại câu chuyện của em Nông Thị Lạnh, sau khi nghỉ học, Ban giám hiệu Trường THPT Hồng Quang cũng như cô giáo chủ nhiệm cùng Đoàn thanh niên, Công đoàn nhà trường đã nhiều lần đến vận động gia đình cho Lạnh tiếp tục học nhưng bố mẹ Lạnh vẫn nhất quyết không nghe.
 
Thầy Trần Quang Thủy, Hiệu trưởng nhà trường kể lại: “Tới nhà vận động nhiều lần thì bố em Lạnh nể quá nói rằng: “Nếu Lạnh muốn đi học lại thì phải lấy chồng đã”.
 
Nhờ Lạnh học khá, ngoan ngoãn và thực hiện đúng như lời bố mẹ nên sau khi lấy chồng (chồng ở rể tại gia đình Lạnh) em lại tiếp tục đến trường và hiện đang học lớp 11A6.
 

 

Không riêng gì Lạnh, hiện tại Trường THPT Hồng Quang còn có 4 học sinh đã lập gia đình, có con mà vẫn theo học như: Trần Văn Ẹo, học sinh lớp 12A3 (đã có một con), Dương Văn Lớp, Vi Thị Thuận cùng là học sinh lớp 12A3, Vi Thị Quý học sinh lớp 10A3.
 
Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Đoàn Thị Tuyết Nhung, chủ nhiệm lớp 12A3 nói: “Việc các em học sinh lấy vợ, lấy chồng mà đang theo học tại trường và lớp cô trực tiếp chủ nhiệm là điều quá bình thường, không có gì xa lạ.
 
Đôi khi các em đến học, tôi phải động viên, ưu tiên hơn so với những em khác. Vì vậy, từ năm 2002 đến nay tôi thường xuyên được các thầy cô trong nhà trường phong chức “bà ngoại, bà nội” của những cô, cậu học trò chưa đủ tuổi kết hôn”.
 
Được biết, ngoài số bỏ học để lấy chồng, số còn lại là do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể chu cấp cho con em mình tiếp tục học.
 
Nguyên nhân và giải pháp
 
Trường THPT Hồng Quang hiện có 714 học sinh với 18 lớp ở 3 khối, trong đó số học sinh người dân tộc Dao chiếm hơn 56%. Từ đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, nhà trường có 14 học sinh nghỉ học vì lý do lấy vợ, lấy chồng và các nguyên nhân khác (khối lớp 10 là 7 em, lớp 11 là 3 em và khối 12 là 4 em).
 
Theo thầy giáo Trần Quang Thủy, Hiệu trưởng nhà trường thì nguyên nhân cơ bản nhất là do phong tục, tập quán còn lạc hậu của người dân.
 
Theo phong tục của đồng bào Dao thì con gái từ 15 đến 17 tuổi có khả năng sinh con là có thể lấy chồng bất cứ lúc nào. Đặc biệt, nếu các cụ già hay thầy bói xem chân gà thấy năm nào hợp tuổi bảo phải lấy chồng là bắt buộc phải tuân theo nếu không sẽ bị “ế”.
 

 

Mặt khác, đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, đường sá đi lại vất vả, nhiều em phải đi 12km đường rừng mới tới trường (trời nắng còn đi được, trời mưa không thể đi được).
 
Một nguyên nhân nữa là các bậc cha mẹ chưa coi trọng việc học của con. Nhiều phụ huynh cho rằng con em họ sau khi tốt nghiệp lớp 12 thì tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp rất thấp, hơn nữa tốt nghiệp lớp 12, sau 7 đến 10 năm đi học lên nữa thì về kinh tế đội ngũ này không thể bằng bà con ở nhà.
 
Có thể thấy rằng, việc nhiều học sinh ở Trường THPT Hồng Quang bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lấy chồng theo sự sắp đặt của các bậc phụ huynh vì phong tục, tập quán của bà con người Dao nơi đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học cũng như tâm lý của các em.
 
Mặt khác, hầu hết các em kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật nhưng vẫn được tổ chức đám cưới linh đình thì rõ rằng chính quyền địa phương nơi đây còn bất lực và chưa có biện pháp gì để giải bài toán về nạn tảo hôn.
 
Giải pháp trước mắt để giảm thiểu số học sinh bỏ học là nhà trường cần miễn giảm học phí cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; theo dõi sát sao sĩ số học sinh nhằm phát hiện những học sinh có tư tưởng bỏ học để vận động, thuyết phục cũng như việc định hướng về tư tưởng cho học sinh cũng như gia đình các em.
 
Đối với những học sinh đã bỏ học, nhà trường cần phối hợp với chính quyền để vận động phụ huynh cho con em tiếp tục ra lớp. Bên cạnh đó, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ như: văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, cắm trại để tạo sức thu hút với học sinh. Có như vậy mới mong giảm bớt tình trạng bỏ học như hiện nay của các em học sinh dân tộc ít người Trường THPT Hồng Quang.

(Theo Yên Bái Online)