LTS: Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc quản lý đất đai, Đại tá Nguyễn Huy Viện chỉ ra những hệ lụy bất cập liên quan đến Luật Đất đai.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2014), đã giải quyết được một số hạn chế, vướng mắc trong quản lý đất đai, giải phóng sức sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện cho thấy, Luật này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí nguồn tài sản khổng lồ của Quốc gia.
Trong khi Bộ Tài chính tìm cách tăng thuế, mở thêm các dòng thuế mới để bù đắp thâm hụt ngân sách, thì hàng năm có nhiều tỷ đồng tiền đất hoặc rơi vào túi cá nhân hoặc đang bị lãng phí.
Việc sửa Luật Đất đai là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Nhật Nam/ Báo Hà Nội Mới |
1. Lợi dụng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng, đổi đất lấy công trình để tham nhũng
Trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội hiện nay, nhà nước không thể có đủ nguồn lực đầu tư vì thế hình thức BT là một chủ trương đúng.
Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì có không ít nơi doanh nghiệp trở thành bình phong cho nhóm lợi ích thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất công, thực hiện các dự án… để tham ô, làm thất thoát một khối lượng tài sản vô cùng lớn của Nhà nước.
Nhiều vụ mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất quá bất thường làm xôn xao dư luận và báo giới tốn rất nhiều giấy mực.
Đó là hàng loạt vụ bán đất công ở Đà Nẵng, người mua chủ yếu là Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), và người ký quyết định bán là các ông Trần Văn Minh; Văn Hữu Chiến (là các cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng các nhiệm kỳ từ 2006 - 2014).
Hai vị này đã bị khởi tố bị can về tội vi phạm pháp luật trong bán đất công.
Hay như vụ chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 30 ha đất công (thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) tháng 6/2017, của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) quản lý cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 8 lần.
Liên quan đến vụ mua bán đất bất thường này, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ Văn phòng Thành ủy bị kỷ luật hoặc bị đề nghị thi hành kỷ luật…
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố gần đây, có đến hơn 90% dự án BT đều chọn nhà đầu tư bằng chỉ định thầu, dù đã có quy định hình thức đấu thầu công khai. [1]
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc định giá tất cả phần giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đổi chác hiện hoàn toàn mù mờ, chưa hề có quy định của pháp luật nào bảo đảm tính mạch lạc, nhất quán trong thực thi. [2]
Bên cạnh đó công tác quản lý của cơ quan Nhà nước cũng chưa thật rõ ràng khi mà Luật Quản lý tài sản công đã có hiệu lực hơn 8 tháng nay nhưng vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành. Nguyên nhân của sự chậm trễ này đã được chỉ ra rằng có trách nhiệm lớn của Bộ Tài chính.
Bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cho biết: “Tình trạng luật chờ Nghị định, Thông tư đã diễn ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới xảy ra.
Cụ thể hơn trong trường hợp này Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực 8 tháng mà chưa ra nổi Nghị định là quá chậm, thế có khác nào vô hiệu luật mà Quốc hội đã phải mất rất nhiều thời gian thảo luận mới thông qua được.
Thứ hai là do chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật nên kéo theo rất nhiều thứ bị đình trệ theo, làm ảnh hưởng tới quá trình xây dựng hạ tầng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của các địa phương. Hạ tầng chậm phát triển thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất”.
2. Biến đất công thành của doanh nghiệp sau cổ phần hoá
Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu quốc hội nêu ra khi mà tham nhũng trong mua bán, chuyển nhượng, cho mượn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất nghiêm trọng như đã nêu trên.
Tại phiên thảo luận chiều 25/5/2018 tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đã dành phần lớn bài phát biểu của mình đề cập sâu vấn đề mà ông cho là “đang rất nóng và luôn nóng” đó là vấn đề đất đai.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ: "Nóng bởi đa số những khiếu kiện thời gian qua liên quan đến đất đai, thất thoát lớn nhất tài sản quốc gia cũng liên quan đến đất đai.
Cũng vì vấn đề đất đai quá nóng, ngay trước khi kỳ họp Quốc hội lần này, không quản cuối tuần, Thủ tướng đã triệu tập và chủ trì họp với các địa phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp, chỉ ra thực trạng là trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng.
Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng tình trạng khiếu kiện không những không giảm mà còn gia tăng".
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, với chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10%-20% giá thị trường.
Chính quyền đứng ra thu đất của người dân giao cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp làm hạ tầng, thậm chí có nơi, doanh nghiệp chẳng làm gì đã lập bản đồ bán đất nền bán giá gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến cho người dân vô cùng uất ức và đi khiếu kiện khắp nơi.
Nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cũng cần nghĩ đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức sẽ khó phát triển bền vững. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.
Ông Cương nêu: "Ai cũng biết đất đai là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, vậy mà nhiều năm qua đất công, nhà đất công sản luôn là vấn đề vô cùng nhức nhối.
Nhiều vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ xảy ra tại nhiều địa phương gần đây gây bức xúc dư luận.
Các chuyên gia cho rằng đây là tệ nạn. Dẫn chứng là thực tế có doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, nhưng nhờ có cơ chế, nhờ có mỗi quan hệ thân hữu với chính quyền, thân với người có chức có quyền đã được được cấp đất mà không qua đấu giá hay không theo đúng quy trình, quy định nhờ đó mà phất lên. Hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn".
Để giải quyết được thực trạng hiện nay cần xem lại một số nội dung còn tồn tại trong Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.
Hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn hình thức thuê đất để không phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp.
Vì khi cổ phần hoá không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, làm cho giá trị tài sản của doanh nghiệp được xác định thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.
Đây chính là lỗ hổng để nhóm lợi ích biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân.
Hàng chục triệu mét vuông đất do các doanh nghiệp nhà nước quản lý không được đưa vào định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoặc được định giá với mức rẻ như cho.
3. Cho mượn, cho thuê không đúng pháp luật
Một tình trạng lãng phí khác đó là hàng chục triệu m2 đất trong phạm vi cả nước, chủ yếu là ở các đô thị bị đem cho thuê, cho mượn với giá rẻ như bèo hoặc bị chiếm dụng trái phép, bỏ hoang.
Nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán giá rẻ gây bức xúc dư luận |
Người viết bài xin dẫn chứng hai ví dụ trong muôn vàn trường hợp cho thuê, cho mượn đất làm thất thoát nguồn tài sản vô cùng lớn của Quốc gia trong phạm vi cả nước.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), đang quản lý hơn 62 triệu m2 đất, trong đó đất văn phòng chỉ hơn 3 triệu m2, còn lại do các công ty con quản lý.
Tuy nhiên, đất sản xuất rất ít và mang lại hiệu quả kinh tế không đáng kể.
Còn lại, đa phần đất được giao khoán, cho thuê, trong đó một diện tích đất rất lớn cho người dân thuê đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, không đúng hợp đồng hoặc bị lấn chiếm, xây dựng trái phép. [3]
Hoặc như năm 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có văn bản cho ông Nguyễn Hữu Phải “mượn” hơn 17.000 m2 đất thuộc quy hoạch của công viên Hoàng Hoa Thám tại trung tâm thành phố Bắc Giang để xây dựng dự án sân tập golf Bắc Giang, với thời gian hoạt động của dự án là 48 năm. [4]
4. Kìm hãm phát triển của doanh nghiệp
Với quy định của Luật Đất đai, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc-ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc-ta đối với xã phường, thị trấn ở trung du, miền núi đã cản trở chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa...
Vì vậy, những ràng buộc của Luật Đất đai làm cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch và không thích ứng được quy luật cung cầu của kinh tế thị trường.
5. Ảnh hưởng tới chính trị, xã hội
Từ bốn hệ luỵ trên đây, dẫn đến hệ luỵ thứ 5 đó là trong hàng chục năm qua, đất đai là lĩnh vực bị khiếu kiện nhiều nhất ảnh hưởng nhiều tới an ninh, an toàn xã hội; rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố hình sự.
Kiên quyết xử lý trường hợp được giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng |
Ảnh hưởng lớn niềm tin của nhân dân đối cán bộ, đảng viên; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, lĩnh vực đất đai, nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ khiếu kiện.
Cụ thể năm 2011: 82%; năm 2012: 89%; năm 2013: 60,9%, năm 2016: 70% [5].
Còn theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, với tỷ lệ 95,26% [6].
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất cập của Luật Đất đai là do nước ta xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường từ mấy chục năm nay. Luật Đất đai tuy đã có những thay đổi quan trọng nhưng nhiều nội dung của luật vẫn mang nặng quan điểm của mô hình kinh tế kế hoạch tập trung và đây chính là lỗ hổng cho các nhóm lợi ích lợi dụng thâu tóm một khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước.
Nếu những bất cập của Luật Đất đất đai không được khắc phục thì những hệ luỵ trên đây sẽ tiếp tục phát tác hậu quả nặng nề.
“Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước…” [7] vẫn tiếp tục bị thất thoát, lãng phí thì tất yếu sẽ kìm hãm sự phát triển của quốc gia, không những vậy còn là nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1],[2].http://enternews.vn/nhuc-nhoi-du-an-bt-ky-ii-nhung-lo-dat-gia-re-khong-tuong-tai-ha-noi-131537.html
[3].https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hang-loat-nha-dat-cong-tai-tp-hcm-bi-lang-phi-3741347.html
[4].http://dantri.com.vn/ban-doc/bac-giang-xe-ca-dat-cong-vien-cho-lanh-dao-doanh-nghiep-muon-lam-san-tap-golf-2018062308092389.htm
[5].http://phapluatxahoi.vn/phan-lon-khieu-nai-to-cao-lien-quan-den-quan-ly-dat-dai-106862.html
[6].https://tuoitre.vn/khieu-nai-trong-linh-vuc-dat-dai-chiem-hon-95-1361299.htm
[7]. Điều 53 Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.