Trước đó, một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư (chỉ được bồi dưỡng trong thời gian) ngắn xuống dạy bậc học mầm non. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chấm dứt việc này.
Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do tuyển dụng chưa hợp lý.
Việc tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non cho các địa phương có nhiều giải pháp, trong đó có thể đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Dừng chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Bộ GD&ĐT giao cho Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non, báo cáo bộ trước khi triển khai.
Bộ này cũng nhấn mạnh chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định giáo dục. Mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.
Do vậy, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những người không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non.
Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra.
Chuyển đổi giáo viên, không ép buộc và đừng "vơ bèo vạt tép"(GDVN) - Năm 2017, một trong những vấn đề mà ngành giáo dục ưu tiên giải quyết là xử lý số lượng lớn các giáo viên bị dôi dư, tình trạng thừa – thiếu ở các bậc học. |
Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non để đảm bảo người học sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục trẻ mầm non.
Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non là chuyện "bất đắc dĩ".
Do vậy, chúng ta cần phải tính toán cẩn thận, có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để chỉ điều chuyển một số giáo viên có khả năng và nguyện vọng ở các cấp học trên xuống dạy mầm non.
Bởi giáo viên mầm non có những đặc điểm khác so với giáo viên cấp 1 và cấp 2. Cụ thể là tính chất đồng nhất ở học sinh cấp1, cấp 2 nhiều hơn trong khi tính đồng nhất ở trẻ mầm non không như nhau, mỗi đứa trẻ là một tính cách.
Do đó, yêu cầu đối với giáo viên mầm non là phải hiểu biết thật sâu sắc đối với tâm lí của trẻ.
“Việc điều chuyển toàn bộ số lượng giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập trong thực tế vì “không hề đơn giản"", PGS.Trần Xuân Nhĩ lưu ý.
Trước đó, trả lời VTV, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thông tin, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện.
Ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, đảm bảo điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể đảm bảo chuẩn đầu ra cho giáo viên mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo.
"Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng hai cho giáo viên cùng công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non", Thứ trưởng Nghĩa nói.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nói về công tác đào tạo giáo viên phổ thông được điều chuyển xuống dạy mầm non. |
Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 ngày 14/1, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên trên toàn quốc đang có sự thiếu hợp lý, thể hiện ở tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" ở tất cả cấp học. Tổng số giáo viên công lập cả nước dôi dư là 26.750, trong đó có 3.190 giáo viên tiểu học, 21.000 giáo viên trung học cơ sở, 2.550 giáo viên trung học phổ thông. Trong khi đó, tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.050, gồm 32.640 giáo viên mầm non, 7.820 giáo viên tiểu học... Để giải quyết, một số địa phương chuyển giáo viên phổ thông sang dạy mầm non. |