Cần được giải quyết một cách căn cơ
Tình trạng ùn ứ kéo dài tại các trạm thu phí giao thông BOT vì tài xế phản đối giá vé cao, vị trí đặt trạm không phù hợp đã và đang diễn ra ở nhiều trạm BOT.
Khi các vụ việc dùng tiền lẻ ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vừa mới lắng xuống thì mới đây nhiều tài xế tiếp tục phản ứng tại trạm thu phí T2 (BOT Cần Thơ - An Giang); trạm BOT Sóc Trăng... và nếu không sớm có phương án giải quyết mang tính tổng thể thì rất có thể những phản ứng như vậy còn xảy ra ở những trạm BOT khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội), cho rằng: “BOT giao thông giờ trở thành một vấn đề của xã hội chứ không còn là vấn đề kinh tế đơn thuần nữa”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "BOT trở thành một vấn đề xã hội cần được giải quyết một cách căn cơ". ảnh: Trinh Phúc. |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Qua theo dõi, tôi thấy rằng đã xuất hiện sự phản ứng quyết liệt của một số cá tại nhiều trạm BOT. Tình trạng này đã gây ra ách tắc giao thông, gây bức xúc trong cộng đồng.
Do đó, đây không còn là vấn đề kinh tế thông thường, coi như là vé đi qua trạm mệnh giá bao nhiêu, đầu tư đúng hay không đúng mà đã trở thành một vấn đề xã hội phải được giải quyết rất căn cơ”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: "Phải làm rõ có nhóm lợi ích ở các dự án BOT không?" |
Đánh giá về công tác xử lý “khủng hoảng” tại các trạm BOT thời gian qua, ông Nhưỡng cho rằng: “Tình trạng lộn xộn tại các trạm BOT thời gian qua là hậu quả của việc thực hiện thiếu ngay ngắn của một chủ trương đúng.
Trước nay, mọi người bàn nhiều về các giải pháp BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sâu sát vấn đề này, đã yêu cầu các cơ quan chức năng (trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp căn cơ.
Tuy nhiên đến thời điểm này, tôi cho rằng cách làm, cách giải quyết mới chỉ mang tính tình thế, cứ trạm này tạm yên lặng thì lại phát sinh ở trạm khác”.
Phân tích sâu hơn vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Chúng ta đang thiếu các giải pháp tổng thể, tức là cần giải pháp tổng thể mang tính nhà nước chứ không phải chỉ giải pháp của một ngành.
Đầu tư BOT là một chủ trương đúng, nhưng khi triển khai thực tế thì phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội và bộ máy của cơ quan nhà nước, đó là vấn đề thứ nhất.
Thứ 2, phải làm rõ các lợi ích của nhà nước, của chủ đầu tư, của người dân (chú ý đến lợi ích của người dân xung quanh khu vực đặt trạm).
Đương nhiên lợi ích chủ đầu tư trong giai đoạn đầu sẽ được ưu tiên nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của nhà nước và của người dân, đặc biệt ưu tiên người dân chịu tác động trực tiếp”.
Cũng theo vị đại biểu này, bài toán xử lý vấn đề trách nhiệm hiện cần thiết phải được làm rõ: Trách nhiệm của nhà nước của bộ ngành, của cơ quan, tổ chức, chính quyền đến đâu? Trách nhiệm của nhà đầu tư, của người dân đến đâu? Tất cả phải được làm rất rõ.
Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông |
“Trách nhiệm đối với lĩnh vực đầu tư nó khác với trách nhiệm của việc cản trở, phá hoại, hành hung...
Cùng với việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong đầu tư thì cơ quan chức năng cũng phải giải quyết được tình trạng dùng tiền lẻ, cho xe nằm ì ở trạm, bóp còi inh ỏi... gây ảnh hưởng tới những người khác tham gia giao thông", ông Nhưỡng nói.
Vị đại biểu này còn nhấn mạnh: “Việc đấu tranh phải theo đúng các quy định của pháp luật. Chúng ta đang để những hành vi sai trái, tình trạng bạo lực xảy ra ở một số trạm thu phí BOT giao thông.
Nhà nước phải có biện pháp ngay lập tức, mạnh mẽ hơn chứ không để tình trạng này tái diễn”.
Xử lý từng vụ việc đơn lẻ để yên lòng dân là không ổn
Cũng liên quan đến thực trạng này, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng: “Tất cả các dự án BOT hiện nay nếu không xử lý tốt sẽ rất phức tạp. Tôi cho rằng, kiểu xử lý từng vụ việc đơn lẻ để yên lòng dân là không ổn.
Cứ suốt ngày đi xử lý đơn lẻ như vậy thành thực trạng xấu sẽ để lại dấu ấn không tốt cho người dân và nhà đầu tư”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: "Kiểu xử lý từng vụ việc đơn lẻ ra để yên lòng dân là không ổn": ảnh Ngọc Quang. |
Ông Bảo lo lắng: “Bây giờ để tình trạng BOT kéo dài như thế này thì rất khó kêu gọi được doanh nghiệp nào tham gia đầu tư BOT nữa.
Xử lý tình trạng bất ổn ở các trạm BOT cần thiết phải xử lý tận gốc vấn đề. Có nghĩa, từ điểm đặt, giá trị thầu … cho đến quyền lợi của các bên và nhiều vấn đề khác nữa.
Tôi cho rằng, cái vướng nhất của BOT hiện nay là ngân hàng. Tại vì tất cả các dự án BOT vay tiền từ ngân hàng.
Nếu giảm giá, chuyển địa điểm thu phí thì ảnh hưởng đến nguồn tiền thu vào. Cái lỗi nhất của BOT là toàn vay tiến ngân hàng làm, gần 99% vay tiền ngân hàng để làm nên giờ cũng khó giải quyết”.
Nhận xét về cách xử lý tình trạng phản đối của người dân và tài xế ở các dự án BOT hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói: “Hiện đang xử lý từng trạm BOT một, cảm giác cách xử lý kiểu này không phải tận gốc vấn đề.
Chính phủ phải có phương án xử lý đồng bộ để yên lòng dân, để các nhà đầu tư tin tưởng về phương án đầu tư BOT”.
Phân tích sâu thêm về những hạn chế khi triển khai dự án BOT (cũng là nguyên nhân dẫn tới sự phản ứng ở nhiều trạm thu phí), ông Bảo nhấn mạnh: “Vì thiếu tính công khai minh bạch trong cách làm BOT nên dẫn đến sự phản ứng của tài xế, của người dân như hiện nay.
Tôi đã nói nhiều rồi, BOT là một trong những hình thức đầu tư mà nhà nước và nhân dân cùng làm. Giao thông tốt thì sẽ tạo sự thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng.
Dù chủ trương thì rất đúng, nhưng các đơn vị triển khai thực hiện quản lý lỏng lẻo suốt một thời gian dài theo kiểu cha chung không ai khóc.
Một trong những cái không đúng là chỉ định thầu trong chọn lựa nhà đầu tư ở các dự án BOT. Chỉ định thầu thì dễ có tiêu cực, có khi nhà đầu tư không đủ năng lực cũng được nhận dự án.
Muốn tiếp tục phát triển BOT giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cần đưa ra phương án xử lý đồng bộ, công khai minh bạch cho người dân yên tâm thì họ không phản ứng tiêu cực nữa và nhà đầu tư cũng yên tâm để bỏ vốn vào những dự án khác.
Cần thái độ nghiêm túc trong vấn đề xử lý BOT, đừng xử lý theo từng vụ việc sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, xin nhớ rằng phải thật sự công khai, minh bạch”.