Hôm qua, ngày 23/5 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) - đã cho biết một số thông tin liên quan đến các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, bác bỏ các lập luận sai trái phía Trung Quốc đưa ra liên quan tới các hoạt động thăm dò và khai thác khí của tập đoàn.
Ông Hậu khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam giao quản lý và triển khai và hợp tác triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí (thăm dò kỹ thuật DK) trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam từ trước năm 1975. Ngay từ năm 1969-1970, Chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa Miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai – Thổ Chu và Tư Chính – Vũng Mây) (Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).
Trong hai năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; Dự án WA74-PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Khánh.Các dự án khảo sát địa chấn này khẳng định Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa, thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ lâu.
Kể từ sau khi thành lập Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay) năm 1975, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính – Vũng Mây.
Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vào năm 1996, theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã điều chỉnh phạm vi hoạt động dầu khí và chỉ tiến hành các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò kỹ thuật dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tập đoàn đã ký 99 hợp đồng thăm dò kỹ thuật dầu khí, trong đó 60 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan. Tất cả các hoạt động dầu khí đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
1. Khu vực Hoàng Sa và Phú Khánh
Ở khu vực Hoàng Sa, Phú Khánh hoạt động thăm dò dầu khí (khảo sát địa chấn, từ, trọng lực) đã được tiến hành từ trước năm 1975 do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện. Mạng lưới khảo sát địa chấn khu vực phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa được khảo sát vào năm 1973, khu vực Phú Khánh năm 1974; Năm 1985, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện đề án khảo sát địa chấn khu vực Miền Trung sử dụng tàu Malugin (Liên Xô cũ).
Ông Hậu công bố các bản đồ về hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam tại buổi họp báo ngày 23/5. |
Năm 1993, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng Công ty NOPEC thu nổ 3.317 km tuyến địa chấn từ vĩ tuyến 100 đến 150, kèm theo một số tài liệu từ và trọng lực thành tàu ở khu vực Nam Hoàng Sa và Phú Khánh. Cũng trong năm 1993, đề án hợp tác giữa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris VI tàu Atalante (Pháp) đã thực hiện chương trình khảo sát “Ponaga” đo trọng lực, từ và thu nổ địa chấn nông kết hợp lấy mẫu tầng mặt ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.
Trong các năm 2008-2009, Tập đoàn dầu khí thực hiện khảo sát địa chấn 2D toàn Thềm lục địa Việt Nam, trong đó có một số tuyến ở khu vực Miền Trung (phối hợp cùng Công ty TGS-Nopec) và khảo sát địa chấn 2D Đông Phú Khánh (phối hợp cùng Công ty PGS).
Trong các năm 2007-2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện các dự án thu nổ địa chấn 2D PV-08, PK-10, PVN12 ở khu vực Phú Khánh.
Tại khu vực Hoàng Sa và Phú Khánh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng thăm dò kỹ thuật dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài và thực hiện công tác khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường ở khu vực này.
2. Khu vực Tư Chính – Vũng Mây
Việt Nam đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính – Vũng Mây ngay từ những năm 1970 bằng việc thực hiện khảo sát địa chấn khu vực thềm lục địa Nam Việt Nam (Công ty Mandrel thu nổ). Từ năm 1983 - 1985, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cùng Liên Đoàn Địa Vật lý Thái Bình Dương Nga (DMNG) thực hiện 02 đợt khảo sát địa chấn khu vực Tây Nam Biển Đông trong đó bao gồm cả khu vực bãi Tư Chính.
Trong các năm 1993-1995, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện Đề án Khảo sát Địa chấn tại khu vực bãi Tư Chínhvà khảo sát địa chấn đan dày ở khu vực bãi Tư Chính và Vũng Mây.
Năm 1994, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành khoan giếng khoan thăm dò PV-94-2X ở khu vực Tư Chính. Năm 1995 tàu khảo sát “Zephyr-1” của DMNG (Nga) đã tiến hành thu nổ địa chấn chi tiết khu vực Tư Chính – Vũng Mây.
Kể từ năm 1996 đến nay, Petrovietnam đã ký nhiều hợp đồng thăm dò kỹ thuật dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài ở khu vực Tư Chính – Vũng Mây. Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí đã thực hiện hàng loạt các khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí ở khu vực này.
Nhìn chung, hoạt động thăm dò kỹ thuật dầu khí của Việt Nam diễn ra bình thường mặc dầu hoạt động này đã một số lần bị Trung Quốc cản trở phi pháp. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường ở các khu vực này cũng như ở các khu vực khác trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
3. Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 không có triển vọng dầu khí
Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài tại buổi họp báo về dự đoán của Việt Nam đối với trữ lượng dầu khí tại vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, trong bối cảnh phía Trung Quốc và Hoa Kỳ đưa ra các số liệu ước tính rất khác nhau và thậm chí chênh tới gấp 10 lần nhau, ông Đỗ Văn Hậu cho biết:
Dự tính trữ lượng dầu khí trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là khỏang 4-6 tỷ tấn. Tuy nhiên, ông không tin những con số người Mỹ và Trung Quốc đánh giá.
Toàn bộ khu vực phía của Việt Nam có nguồn dầu khí rất lớn nhưng thực tế PetroVietnam không lạc quan như vậy. Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đang đặt hạ, PetroVietnam đã có những khảo sát trước đây và đánh giá triển vọng có dầu khí ở đây là không lớn.
Phó Đại sứ Australia tham dự buổi họp báo đã đặt ra câu hỏi rằng đến nay giàn khoan Hải Dương - 981 đã hoạt động ở khu vực này được 3 tuần. Việt Nam có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã hoặc đang chuẩn bị có hoạt động khoan thăm dò hay không.
Về câu hỏi này, ông Hậu cho là khó trả lời. Theo ông, về quy trình, với thời gian 3 tuần thì đã đủ để có thể khoan. Nhưng vì phía Việt Nam chưa thể tiếp cận với giàn khoan này nên chưa xác định được thực tế giàn đã tiến hành hoạt động khoan thăm dò chưa.