LTS: Chiều 6/9, tại Hà Nội, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam chính thức công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành.
Ngay sau đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội để có phân tích cụ thể về các tiêu chí trong bảng xếp hạng này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Là một lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông có mong muốn việc xếp hạng các trường đại học được thực hiện hay không? Và ông đánh giá như thế nào về nhu cầu xếp hạng các trường đại học?
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức: Mục tiêu của các bảng xếp hạng là cung cấp dịch vụ miễn phí cho cộng đồng về thông tin về chất lượng và sự đối sánh giữa các trường đại học, giúp phụ huynh và thí sinh đưa ra sự lựa chọn trường cho học tập.
Thế nên mới có chuyện các bảng xếp hạng đều công bố kết quả cập nhật vào dịp hè hoặc trước kỳ tuyển sinh...
Tuy nhiên, những năm gần đây, một vài trường đại học của Việt Nam tham gia vào dăm ba bảng xếp hạng quốc tế.
Nhưng quanh đi quẩn lại thì chỉ một vài cái tên được nhắc đến trong bảng xếp hạng đó, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác.
Còn lại, rất nhiều trường đại học chưa được biết đến trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Chính vì vậy việc cần có một bảng xếp hạng Việt Nam là vô cùng cần thiết để các trường đại học ở ta được tham gia vào, danh sách các trường đại học được xếp hạng của ta được dài ra.
So với thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên làm bảng xếp hạng mà nhiều nước cũng đã làm để tạo ra động lực phát triển của quốc gia đó.
Ông đánh giá thế nào về kết quả xếp hạng, tiêu chí xếp hạng và quy trình xếp hạng mà nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam đưa ra?
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức: Dù có mong muốn như thế nào đi chăng nữa thì một bảng xếp hạng cũng không thể thỏa mãn hết tất cả những yêu cầu của tất cả mọi người, mọi nhóm trường đại học.
Vì chắc chắn một điều rằng, bảng xếp hạng chỉ đủ khả năng quan tâm đến một số tiêu chí, hoạt động của các trường đại học, và nhóm có quan điểm riêng trong việc lựa chọn các chỉ số đó.
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tùng/VNU) |
Ví dụ trên thế giới, tiêu chí xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải quan tâm đến nghiên cứu đỉnh cao nên dựa vào các giải Nobel.
Hoặc có bảng xếp hạng như Webometrics chỉ quan tâm đến mức độ số hóa của các tài nguyên nội sinh.
Gần đây, theo xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các tiêu chí về đổi mới sáng tạo được quan tâm hơn.
Do đó, tiêu chí mà chúng ta cần quan tâm không phải là số lượng bao nhiêu bài báo được đăng trên Tạp chí quốc tế nữa mà phải số lượng phát minh, sáng chế...
Nhóm nghiên cứu đang có cách tiếp cận với bảng xếp hạng truyền thống, Nhóm đưa ra 3 nhóm tiêu chí, trong đó đào tạo và nghiên cứu là 2 nhóm tiêu chí cơ bản và phổ biến của thế giới.
Riêng tiêu chí thứ 3 về cơ sở vật chất và quản trị là nhóm tiêu chí mới, có tính tích hợp, sáng tạo để áp dụng cho Việt Nam.
Các tiêu chí đưa ra vừa phản ánh được cả quy mô (số lượng bài báo), chất lượng, tầm ảnh hưởng của công trình (số trích dẫn) và năng suất (số bài báo trung bình cho mỗi giảng viên)…
Tuy nhiên, theo tôi bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam đang có hai hạn chế chủ quan và một bất cập khách quan sau đây:
Hạn chế chủ quan thứ nhất về đào tạo: sản phẩm đầu ra chưa được đánh giá.
Ở các bảng xếp hạng khác người ta thường khảo sát ý kiến về mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng. Một kết quả đánh giá chưa có sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng cũng dễ làm giảm sự tin cậy.
Tại sao Đại học Ngoại thương, Y Hà Nội chỉ được xếp hạng trung bình? |
Hạn chế chủ quan thứ hai về nghiên cứu: bộ tiêu chí của bảng xếp hạng này chưa đạt được sự “thống nhất trong đa dạng”.
Tiêu chí xếp hạng phải thống nhất, nhưng chỉ số, chỉ tiêu phải phù hợp cho các lĩnh vực khoa học, ngành nghề khác nhau.
Năng suất công bố quốc tế của các giảng viên khối khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật yêu cầu phải cao hơn khối khoa học xã hội và nhân văn.
Các bảng xếp hạng của thế giới họ thường không vấp phải bất cập này vì hầu hết các trường đại học trên thế giới là các đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Còn ở Việt Nam ta mô hình đại học như vậy không nhiều, cho nên xếp hạng các trường đại học đơn ngành (lĩnh vực) và nhất là các trường đại học khối khoa học xã hội nhân văn với cùng một trong số sẽ gây nên bất cập.
Ở Đại học Quốc gia Hà Nội chúng tôi đang áp dụng chỉ tiêu công bố cho các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ bằng 25% chỉ tiêu của các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ và y-dược.
Bất cập khách quan cũng xuất hiện do sự không tương thích giữa xu hướng hội nhập.
Muốn đánh giá trường đại học một cách khách quan theo chuẩn mực quốc tế (của nhóm nghiên cứu) với xu hướng muốn đánh giá đại học một cách chủ quan theo cách làm truyền thống, theo sở thích của người học (của một số bình luận viên).
Đây chính là lý do gây tranh cãi tại sao một số trường đại học của Việt Nam có điểm tuyển sinh cao nhưng xếp hạng trong bảng này lại thấp.
Xin nói rõ là điểm tuyển sinh chỉ là thông số để có thể đo “uy tín” của các trường trong cùng lĩnh vực, chứ không thể lấy đó để so sánh với các lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, nhóm cũng nên quan tâm đến một nguyên tắc cơ bản khi xây dựng các bộ tiêu chí và các trọng số phải đảm bảo đầy đủ và cân đối (50:50) giữa nguồn thông tin do các trường đại học cung cấp trực tiếp và thông tin, dữ liệu khách quan do tổ chức xếp hạng theo khảo sát và thu thập (từ các cơ sở dữ liệu quốc tế và ý kiến chuyên gia, nhà tuyển dụng).
Theo ông, việc xếp hạng này sẽ giúp ích như thế nào cho các cơ sở đào tạo đại học, thí sinh và chất lượng đào tạo đại học Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức: Bảng xếp hạng này cần được phát triển thêm, nhưng dù sao nó cũng đã bước đầu cung cấp được một số thông tin và chỉ số có tính chất định lượng, chuẩn hóa và hội nhập như vậy về các trường đại học của Việt Nam.
Nó giúp chúng ta cùng suy nghĩ cả hai chiều: đối sánh, xem xét kết quả hoạt động nội tại của các trường và suy nghĩ để có một bảng xếp hạng phù hợp hơn cho Việt nam.
Do vậy, nỗ lực của nhóm nghiên cứu độc lập này là rất đáng khích lệ.
Vượt lên trên cả thứ bậc, giá trị của kết quả xếp hạng còn chính là ở khả năng hỗ trợ các trường đại học thêm một lăng kính để đối sánh, định vị vị trí của mình so với mục tiêu, sứ mệnh và kế hoạch phát triển.
Đại học Y và Ngoại thương chỉ là trường trung bình trong bảng xếp hạng 49 |
Sở dĩ Đại học Quốc gia Hà Nội có vị trí khá ổn định trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế và trong nước là nhờ việc tiếp cận sớm và đã bình thản đón nhận cả các kết quả xếp hạng khá thấp những năm trước đây.
Theo đó, chúng tôi đã thực hiện quản trị đại học theo quản trị mục tiêu và chỉ số xếp hạng.
Thông qua các chỉ số xếp hạng để điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phát triển.
Vậy theo ông, làm thế nào để việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học diễn ra một cách minh bạch, khách quan và ngăn chặn nạn độc quyền xếp hạng dễ dẫn đến tiêu cực, như "chạy" xếp hạng?
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức: Xếp hạng bao giờ cũng là nhiệm vụ của các tổ chức, nhóm chuyên gia đọc lập. Nhưng trong đó cần phải có nhiều hơn các chuyên gia am hiểu về quản trị đại học và hiểu rõ hoạt động của đại học Việt Nam tham gia vào.
Cần phải xây dựng được bộ tiêu chí rộng hơn, bao quát hơn các hoạt động và đóng góp cho cộng đồng của trường đại học. Đồng thời, cũng nên tránh dần khái niệm xếp hạng vị trí (ranking) vì có thể tạo ra một vài sự cạnh tranh không cần thiết.
Theo đó, tôi cho rằng, xếp thứ hạng các trường theo cách “gắn sao” theo cách mà QS Star cũng là giải pháp tốt. Thay vì xếp hạng vị trí thì hình thức “gắn sao” theo nhóm trường như cách gắn sao trong hệ thống khách sạn.
Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa ra các tiêu chí trường đại học định hướng nghiên cứu để đánh giá và định vị cho các đơn vị đào tạo và nghiên cứu của mình. Xin ông chia sẻ thêm về bộ tiêu chí đánh giá đó để nhóm nghiên cứu có thể tham khảo?
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức: Tiêu chí đánh giá trường đại học định hướng nghiên cứu được chúng tôi xây dựng và triển khai từ năm 2013 dựa trên các nhóm tiêu chuẩn và tiêu chí sau đây:
Tiêu chuẩn 1. Thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức
- Tỷ lệ bài báo khoa học bình quân trên giảng viên.
- Số lượng trích dẫn bình quân trên bài báo.
- Số lượng sách chuyên khảo.
- Sản phẩm khoa học và công nghệ tiêu biểu quốc gia.
- Số lượng giải thưởng khoa học.
- Số lượng các nhà khoa học được mời đọc báo cáo mời tại các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế.
- Tỷ lệ kinh phí từ nghiên cứu khoa học trên tổng kinh phí hoạt động của trường.
- Tỷ lệ thu từ dịch vụ khoa học và công nghệ và chuyển giao tri thức trên tổng thu từ hoạt động khoa học và công nghệ.
- Phát minh, sáng chế, tư vấn chính sách được áp dụng.
- Hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, địa phương.
- Chuyển giao tri thức.
- Đánh giá của các học giả quốc tế.
Tiêu chuẩn 2. Chất lượng đào tạo
- Tỷ lệ giảng viên/người học.
- Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.
- Tỷ lệ quy mô đào tạo sau đại học (trên tổng quy mô đào tạo).
- Tỷ lệ quy mô đào tạo tiến sĩ.
- Tỷ lệ bằng tiến sĩ (trên tổng số bằng cử nhân) được cấp hàng năm.
- Tỉ lệ nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.
- Mức độ hài lòng của người học.
- Đánh giá của các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế.
3. Tiêu chuẩn 3. Mức độ quốc tế hoá
- Tỷ lệ giảng viên quốc tế.
- Tỷ lệ người học là người nước ngoài.
- Số lượng các đề tài, chương trình hợp tác quốc tế có công bố quốc tế chung.
4. Tiêu chuẩn 4. Cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học
- Trang thiết bị, cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, phòng thực hành.
- Cơ sở học học liệu.
- Công nghệ thông tin và thông tin khoa học.
Hiện nay, bộ tiêu chí này đang được phát triển thêm, bổ sung thêm hai nhóm tiêu chí mới liên quan đến đại học thông minh và mức độ đổi mới sáng tạo.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.
Còn các tiêu chuẩn, tiêu chí, chuẩn đối sánh quốc tế, chỉ tiêu kế hoạch và trọng số của Đại học Quốc gia Hà Nội như thế nào, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ giới thiệu ở bài viết sau.