Ngay giữa Thủ đô, tại ngôi trường chuẩn, trường điểm của quận Hà Đông, Trường trung học cơ sở Lê Lợi có tình trạng giáo viên đòi hỏi phụ huynh phải bồi dưỡng một khoản tiền trái quy định cho giáo viên dạy thêm.
Theo đó, giáo viên không trực tiếp nói với phụ huynh, nhưng qua ban phụ huynh lớp đề nghị phụ huynh chi thêm một khoản trái quy định.
Lý do phụ huynh Trường trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) phải “góp gạo” ủng hộ giáo viên được đưa ra do mức học phí theo quy định 6.000 đồng/tiết quá thấp. Ban phụ huynh lớp đưa ra cuộc họp ngày 28/10, ngay sau đó áp luôn mức bồi dưỡng 20.000 đồng/tiết.
Phụ huynh trường Lê Lợi cắn răng nộp giáo viên dạy thêm cả triệu đồng mỗi tháng |
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, hình thức tinh vi phụ huynh khối 6 cho hay, có tình trạng giáo viên đòi hỏi một khoản bồi dưỡng ngoài tiền học thêm theo quy định.
Giáo viên không trực tiếp nói với phụ huynh bằng cách thông qua ban phụ huynh lớp. Ban phụ huynh lớp đứng ra kêu gọi phụ huynh ủng hộ, bồi dưỡng cho giáo viên.
Theo đó, cuối tháng con mình học bao nhiêu buổi, phụ huynh sẽ nộp cho ban phụ huynh lớp, ban phụ huynh sẽ bồi dưỡng cho từng giáo viên dạy thêm bộ môn.
Theo chia sẻ của một phụ huynh, mức ủng hộ mỗi tiết dạy thêm 20.000 đồng, một tháng bình quân con học thêm 12 ca (mỗi ca 2 tiết), tính ra khoảng gần 500.000 đồng/tháng, nhưng có lớp phụ huynh phải ủng hộ cả tiền triệu.
Đa phần học sinh cả lớp học thêm ở trường, bình quân mỗi lớp học thêm trên 40 học sinh, tính ra số tiền ủng hộ, bồi dưỡng giáo viên lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài vấn đề có dấu hiệu tiêu cực trong học thêm, dạy thêm, phụ huynh khối 6 cũng bày tỏ cách làm thiếu khoa học, chưa thuyết phục trong công tác huy động xã hội hóa điều hòa.
Có nhiều phụ huynh khối 6 Trường trung học cơ sở Lê Lợi đã đóng tiền ủng hộ giáo viên 480-600 ngàn đồng cho học thêm tháng 9. Ảnh: NVCC. |
Để làm rõ câu chuyện phụ huynh phải bồi dưỡng giáo viên dạy thêm cũng như việc xã hội hóa điều hòa tại Trường trung học cơ sở Lê Lợi, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Anh – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi cho biết, đề xuất lắp điều hòa cho các lớp là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh toàn trường. Xuất phát từ nguyện vọng, mong muốn các con được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Trong các cuộc họp với ban phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc, khuyến cáo ban phụ huynh phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về việc này.
Ông Trần Quốc Anh khẳng định: “Trong nội dung họp phụ huynh tôi đã nói rất rõ, theo đề nghị của phụ huynh các lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh trường, ban đại diện phụ huynh lớp dự kiến lắp điều hòa phải theo Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến thời điểm bây giờ, ban đại diện cha mẹ học sinh mới họp phụ huynh vào ngày 28/10, một số khoản mới ở dự kiến, dự tính như vậy để xin ý kiến phụ huynh toàn trường.
Sau khi đạt được đồng thuận cao trên tinh thần tự nguyện, ban phụ huynh sẽ phải làm tờ trình gửi ban giám hiệu, xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận. Được các cấp phê duyệt ban phụ huynh mới tiến hành các bước lắp điều hòa”.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự thất vọng tại ngôi trường khang trang, hiện đại, bởi vừa chân ướt chân ráo nhập học họ đã phải nộp một khoản tiền trái quy định, không mong muốn để bồi dưỡng giáo viên dạy thêm. Ảnh: Vũ Phương. |
Giải thích về việc các lớp không được tự lắp điều hòa, ban đại diện cha mẹ học sinh trường kết hợp với ban phụ huynh các lớp lắp đồng bộ. Dự kiến số tiền lắp 2 điều hòa của khối 6 sẽ phải đóng góp gần 63 triệu đồng.
Về việc này, ông Trần Quốc Anh cho hay: “Trường mới đi vào sử dụng năm 2017, trường mới rất khang trang, hiện đại, nhưng lại không có đường điện riêng, không có dây chờ tại các lớp để lắp điều hòa.
Nếu như hệ thống tải điện đảm bảo, các lớp sẽ chỉ việc mua điều hòa, công tơ điện lắp vào có thể sử dụng được. Như thế sẽ rất đơn giản hơn rất nhiều.
Còn ở đây câu chuyện phức tạp hơn, bởi muốn lắp điều hòa cả trường phải thuê đơn vị ngoài vào khảo sát, sau đó mới tiến hành lắp đặt.
Để cho việc lắp điều hòa đồng bộ, đẹp, ban phụ huynh đưa ra đề xuất các lớp không tự ý lắp điều hòa, ban đại diện cha mẹ học sinh lẽ lắp đồng bộ cùng chủng loại”.
Ông Trần Quốc Anh cho hay: “Quan điểm chỉ đạo của trường yêu cầu ban phụ huynh trong quá trình kêu gọi ủng hộ, tài trợ không bổ đầu phụ huynh phải đóng bao nhiêu. Việc lắp điều hòa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện cũng không áp đặt mức ủng hộ tối thiểu bao nhiêu.
Thông tư 16 của Bộ cho phép đứng ra vận động tài trợ, nhưng phải được sự đồng thuận của đại đa số phụ huynh. Trường hợp nào phụ huynh khó khăn thì thôi chứ không phải bổ đầu ra bắt đóng. Còn phụ huynh nào có điều kiện hoàn toàn có thể tài trợ, ủng hộ.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp phải đạt được sự đồng thuận trong việc này. Sau đó mới làm tờ trình, kèm theo hồ sơ thiết kế, diễn giải về từng khoản để phụ huynh toàn trường hiểu, ủng hộ.
Sau đó mới thành lập tổ huy động tài trợ của trường, phụ huynh cũng có mặt để giám sát. Có thể nói để xã hội hóa điều hòa phải qua nhiều bước chặt chẽ đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thuận trong phụ huynh”.
Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân có lạm dụng mác "chất lượng cao" để thu tiền? |
Cũng theo lãnh đạo Trường trung học cơ sở Lê Lợi, hiện việc lắp điều hòa mới đang dự kiến phương án chứ chưa thu tiền.
Điều quan trọng phải được các cơ quan quản lý phê duyệt. Đến thời điểm này ban phụ huynh chưa thu tiền.
“Để cho khách quan, trường không can thiệp vào việc tài trợ, ủng hộ của ban phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải tự cử người ra thuê tư vấn, giám sát sau đó có tờ trình làm hồ sơ thiết kế để trình lên trường, các cấp. Các cấp phê duyệt mới được triển khai. Còn không được duyệt sẽ phải dừng lại.
Đến thời điểm này, tôi cũng chưa nhận được tờ trình của ban đại điện cha mẹ học sinh trường, tất cả mới dừng ở việc dự kiến như vậy.
Về nội dung phụ huynh một số lớp 6 ngay trong ngày 28/10 họp phụ huynh, nhiều phụ huynh đã phải ủng hộ cho giáo viên dạy thêm tháng 9. Trong khi đó, có lớp đã đưa ra mức ủng hộ trái quy định trên, nhưng vấp phải sự phản đối của phụ huynh nên chưa thống nhất.
Về việc này, ông Trần Quốc Anh: “Tôi sẽ xác minh xem có việc này hay không. Nếu có chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý kỉ luật đối với giáo viên, cán bộ vi phạm. Còn đang dự kiến thì phải dừng ngay việc này.
Về dạy thêm, học thêm, trong nội dung họp phụ huynh tôi cũng nói rất rõ, tuyệt đối tuân thủ Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 22 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
Các em có nguyện vọng sẽ học thêm một số môn như Văn; Toán; Lý; Hóa, tiếng Anh. Thời gian học các ngày thứ 2, 4, 6.
Theo quy định thu tiền học thêm hàng tháng phải đưa về Tổ thu ngân Phòng kế toán của trường. Không có chuyện phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm được phép đứng ra thu khoản tiền học thêm.
Việc thu phí dạy thêm, học thêm phải làm theo đúng quy định. Nhà trường không cho phép giáo viên chủ nhiệm đứng ra để làm việc này. Ban đại diện phụ huynh cũng không được phép đứng ra thu.
Kế toán phải lấy được số liệu các giờ học, sĩ số của từng lớp học, sau đó báo về tổ thu ngân, sau đó mới làm hóa đơn thu tiền học thêm của từng học sinh theo đúng quy định. Tuyệt đối không phát sinh ra các khoản thu khác”.
Đáng chú ý, theo tài liệu, tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh lớp 6 khẳng định, ngày 28/10 đã đóng một khoản trái quy định cho con đi học thêm tháng 9 từ 480.000-600.000 đồng. Tiền điều hòa cũng có phụ huynh đóng 1,3 triệu đồng.