Bỏ điểm sàn trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, các trường sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tuyển sinh, nhưng đồng thời xã hội cũng sẽ có đánh giá khắt khe và loại bỏ những trường đào tạo hời hợt, yếu kém.
Quan điểm của ông như thế nào về thông tin này trong dự thảo?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vấn đề này.
Chúng ta đều biết rằng nhiều năm qua các trường đại học công lập được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước, trong khi đó các trường ngoài công lập hầu như gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khâu lập đề án cấp phép thành lập trường, cho tới đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh, đào tạo.
Có một bất cập lớn đó là dù được hưởng bao cấp từ nhà nước nhưng các trường công lập lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì nếu như chất lượng đào tạo yếu kém.
Và theo xu thế phát triển của thế giới hiện đại, nhà nước chẳng thể bao cấp mãi được và các trường buộc phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và như vậy thì giáo dục đại học mới phát triển được.
Trở lại với vấn đề bỏ điểm sàn vào đại học, tôi cho rằng chúng ta đang làm theo xu thế chung của các nước tiên tiến.
Trước khi đưa ra dự thảo, Bộ Giáo dục cũng đã nghiên cứu cách làm ở nhiều quốc gia, đồng thời lắng nghe tham vấn của nhiều Vụ, Viện và chuyên gia.
Đó là một hướng đi mới, rất tốt, nó mở ra cơ hội được học tập đối với rất nhiều thí sinh, tạo điều kiện cho nhiều gia đình tìm thấy những lựa chọn hợp lý cho con em mình.
TS.Nguyễn Tiến Luận đánh giá, xã hội sẽ sớm loại bỏ những trường đào tạo hời hợt, yếu kém. |
Nhưng cũng có những ý kiến lo ngại rằng, khi không có điểm sàn, sẽ có những trường tuyển sinh ồ ạt và chất lượng đào tạo kém?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi nghĩ rằng không nên quá lo lắng về điều đó, mặc dù đấy cũng là một chi tiết cần chú ý. Vì sao? Tôi đặt câu hỏi ngược lại: Bao nhiêu năm nay, chúng ta áp dụng “điểm sàn” thì chất lượng đào tạo có tốt không?
Điểm sàn là câu chuyện của quá khứ, nó đã lạc hậu lắm rồi, và rất may là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã mở ra một hướng mới.
Tôi cũng xin nói thêm, cái quan trọng nhất không phải là điểm bao nhiêu thì mới được vào đại học, mà cốt lõi là nhà trường dạy cái gì, sinh viên học thế nào? Tốt nghiệp thì cử nhân có gì trong tay? Có tự tin ứng tuyển không? Đó mới là vấn đề cần phải giải quyết.
Điểm số đầu vào chỉ là một yếu tố, chưa nói lên điều gì cụ thể. Chưa chắc những thí sinh đầu vào có điểm cao đã học tốt và làm việc tốt hơn những thí sinh có điểm thấp hơn. Bởi vì điều đó còn phụ thuộc vào năng lực tự thân của từng người ở từng lĩnh vực.
Tôi nói thí dụ như học ngành tài chính, nhưng trong tài chính thì còn phải chia làm nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề là học chuyên sâu lĩnh vực nào? Mục tiêu học tập của sinh viên là tốt nghiệp thì làm gì?
Nhà trường đào tạo có gắn với nhu cầu thị trường không, hay là dạy lớt phớt cho xong rồi cấp bằng?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng với định hướng cho các trường công lập phải tự chủ hoạt động, rõ ràng tất cả cùng phải nỗ lực, và như thế sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh công bằng.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như bây giờ, thí sinh ở thành phố có điều kiện để tìm hiểu rất sâu về ngành học, trường học trước khi đăng ký. Còn nhiều em ở tỉnh lẻ thì sao? Đây là một nhóm gặp nhiều khó khăn về thông tin ban đầu.
Chính vì thế, chúng tôi phải xây dựng một bộ phận tư vấn tuyển sinh rất mạnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia quản lý tại các doanh nghiệp.
Ngay từ khi đăng ký ứng tuyển, chúng tôi đã phải xem xét đánh giá sơ bộ năng lực của từng em. Tổ chức cho các em đi thực tế ở các doanh nghiệp để hình dung ra công việc mình làm trong tương lai.
Nhưng như vậy chưa đủ, sau đó căn cứ vào những bài test, chúng tôi sẽ phân loại và tư vấn cho thí sinh nên chọn ngành nào.
Tất nhiên là ngay cả khi đã làm kỹ đến như vậy nhưng khi học hết năm đầu, các em vẫn có thể mong muốn chuyển ngành học.
Đây là vấn đề tôi cũng mong rằng Bộ Giáo dục sẽ tính đến, để các chuyên ngành đào tạo có kiến thức tương đồng ở giai đoạn “đại cương” sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, sau đó các em có thể lựa chọn lại ngành.
Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017 |
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tân Bộ trưởng đã giải quyết được hai vấn đề lớn đó là đổi mới kỳ thi tốt nghiêp THPT quốc gia theo hướng đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, giảm nhiều áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Đây là vấn đề bức xúc của xã hội nhiều năm qua, nhưng chỉ đến kỳ thi 2016 vừa rồi mới được giải quyết.
Tôi được biết, Bộ Giáo dục cũng đã tổng kết và muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 diễn ra êm ả hơn nữa – đó là tư duy hết sức tích cực và quyết đoán của Bộ trưởng.
Cộng thêm với việc bỏ điểm sàn, các trường sẽ hoàn toàn chủ động trong tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước xã hội, chắc chắn là chất lượng đào tạo đại học sẽ nhanh chóng thay đổi rõ rệt.
TS.Nguyễn Tiến Luận khuyến khích sinh viên thể hiện đam mê, khát vọng, tinh thần khởi nghiệp. |
Cũng có nhiều người lo lắng không biết sẽ định hướng thế nào cho con em họ khi cơ hội vào đại học được mở rộng hơn. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ không?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Thực tế thì đối với học sinh của Việt Nam hiện nay, vào Đại học, Cao đẳng hay đi học nghề chủ yếu là do bố mẹ định hướng, dựa trên năng lực của từng em và điều kiện kinh tế gia đình.
Tôi cho rằng, lựa chọn phù hợp và thực tế sẽ là tốt nhất, tức là đi học nghề ngay cũng tốt chứ không nhất thiết phải vào đại học, nếu như năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế không phù hợp.
Nhưng điều quan trọng là khi đã lựa chọn mục tiêu (dù học nghề hay vào đại học) thì bản thân các em phải tự có thái độ tích cực, nghiêm túc, tự hoàn thiện bản thân để đạt được mục tiêu lớn về học tập, đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ…
Điều quan trọng là phải đam mê, không ngừng sáng tạo, khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu, thành công nhanh trong sự nghiệp để xây dựng tương lai vững chắc.
Thêm một thời gian ngắn nữa thôi, xã hội sẽ tự phân loại về chất lượng đào tạo của các trường đại học. Tôi tin như vậy, vì đơn giản là đào tạo cũng chính là cung cấp dịch vụ tốt nhất, tiện ích nhất đến người học.
Tôi so sánh vui thế này, sản phẩm giáo dục cũng không khác gì so với sản phẩm là hàng hóa, nếu chất lượng kém không ai dám dùng, dám sử dụng thì phải đóng cửa.
Đào tạo cũng vậy thôi, giảng viên yếu kém về kiến thức, không có kinh nghiệm, sự trải nghiệm thực tiễn, chương trình đào tạo không cập nhật, cơ sở vật chất tồi tàn, sinh viên ra trường không đủ năng lực làm việc, đào tạo không gắn trực tiếp với nhu cầu của doanh nghiệp... thì sẽ mất uy tín và không tuyển sinh nổi.
Cho nên việc bỏ điểm sàn là thời cơ nhưng cũng là thử thách rất lớn của các trường. Đầu vào đã mở để tạo thuận lợi thì dứt khoát đầu ra phải siết chặt, ngoài ý thức của các trường thì Bộ Giáo dục cũng cần phải thật sát sao vấn đề này.
Dứt khoát không để kéo dài mãi tình trạng đào tạo tràn lan rồi không phải chịu trách nhiệm gì khi cử nhân thất nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!