Sửa Thông tư 08 và Thông tư 58 để ngăn chặn bạo lực học đường

03/06/2018 08:02
Trần Vũ
(GDVN) - Đáng lưu ý hơn cả là giờ đây để giải quyết mâu thuẫn, học sinh đang học thường mượn tay người thân hoặc bạn bè cũ đã bỏ học để đánh thế.

LTS: Đưa ra những giải pháp nhằm giảm tải và khắc phục hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, tác giả Trần Vũ gửi tới độc giả bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Có thể khẳng định để hành vi đánh nhau của học sinh xảy ra, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ.

Mặt khác, gia đình là nơi mà nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển trước khi đi học.

Còn trách nhiệm của nhà trường là không nhỏ, bởi cha mẹ học sinh tin tưởng vào sự giáo dục của nhà trường, nên mới giao con cho thầy cô dạy dỗ.

Không ít học sinh hiện nay có mặt ở trường nhiều hơn thời gian ở nhà so với trước đây, do được học 2 buổi/ngày, rồi phải học thêm có khi đến 8 giờ tối mới về đến nhà. 

Tuy nhiên, hành vi bạo lực của học sinh phổ thông đây đó vẫn xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp.

Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp (Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn).
Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp (Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn).

Nhiều vụ bạo lực là đánh hội đồng, có hung khí, nên mức độ nguy hiểm ngày càng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất lẫn tinh thần của các em.

Điều đáng nói là khi xảy ra vụ việc, trong số học sinh chứng kiến không có ai can ngăn và trình báo với nhà trường, nhưng lại cổ vũ và ghi hình ảnh để đưa lên mạng xã hội.

Đáng lưu ý hơn cả là giờ đây để giải quyết mâu thuẫn, học sinh đang học thường mượn tay người thân hoặc bạn bè cũ đã bỏ học để đánh thế.

Bởi, các em đang học biết rõ hành vi đánh nhau gây thương tích, dù ở trong hoặc ngoài nhà trường đều bị đưa ra Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý, có thể ở mức đuổi học có thời hạn .

Hậu quả của việc mượn tay người khác đánh thế, thường để lại thương tích nghiêm trọng, có trường hợp phải nằm viện điều trị dài ngày.

Ngoài việc bị tổn hại đến sức khỏe, nhiều em tinh thần hoảng loạn không thể tập trung được vào việc học ở những ngày sau đó.

Còn phụ huynh thật sự lo lắng về việc học của con, nên phải đưa đón con đi học hàng ngày; có trường hợp do quá lo sợ nên phải bỏ học hoặc phải chuyển đến học ở địa phương khác.

Sửa Thông tư 08 và Thông tư 58 để ngăn chặn bạo lực học đường ảnh 2Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường

Có thể kể ra đây một số vụ việc đã được đưa lên trên mặt báo như: Ngày 08/11/2016 ở Trường trung học cơ sở Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, một học sinh lớp 8 nhờ “đại ca” vào trường “xử” bạn.

Ngày 25/10/2016 một học sinh nữ lớp 11A2 Trường trung học phổ thông số 3 Bảo Thắng, tỉnh Lào cai bị một nhóm người ngoài xã hội (không phải là học sinh đang học) hành hung.

Trước đó ngày 23/10/2015 một học sinh lớp 8 Trường trung học cơ sở Tân Phước Tây, huyện Tân trụ, tỉnh Long An bị một người bên ngoài nhà trường đánh chấn thương sọ não.

Ngày 16/3/2017 một học sinh lớp 10 của Trường trung học phổ thông Mai Hắc Đế, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bị bạn học cũ đánh gãy tay.

Hoặc mới đây ngày 31/5/2018 một học sinh của Trường trung học cơ sở An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang  đã nghỉ học vào trường đánh bạn, bị bạn đang học đánh tử vong…

Thế nhưng, hành vi học sinh đang học mượn tay người thân hoặc bạn bè nghỉ học đánh thế hoặc thấy đánh nhau nhưng không can ngăn, không trình báo với nhà trường lại cổ vũ đánh nhau rồi ghi hình ảnh đưa lên mạng xã hội thì không có quy định hình thức kỷ luật theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn thi hành kỷ luật học sinh phổ thông.

Còn Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông cũng chỉ quy định xếp loại hạnh kiểm yếu học kỳ hoặc cả năm, khi học sinh có hành vi: “Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội”.

Thế nên, Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông thật sự lúng túng trong việc xử lý hình thức kỷ luật và xếp loại hạnh kiểm công bằng mỗi khi có học sinh mượn tay người khác đánh thế hoặc cổ vũ đánh nhau hoặc ghi hình ảnh đưa lên mạng xã hội.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số: 80/2017/ NĐ-CP ngày 17/7/2017 Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, đã đưa ra biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, có đoạn như sau:

Sửa Thông tư 08 và Thông tư 58 để ngăn chặn bạo lực học đường ảnh 3Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

“Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường;

Về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân”.

Từ thực trạng trên đây, để ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh có hiệu quả hơn, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung thêm: 

1. Hình thức xử lý kỷ luật trong Thông tư 08 đối với học sinh mượn tay người khác đánh thế gây thương tích hoặc không can ngăn, không tố giác hành vi bạo lực phù hợp với khả năng.

2. Xếp loại hạnh kiểm yếu đối với học sinh, có hành vi: “Đánh nhau hoặc mượn người khác đánh thế, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội”.

3. Hạ bậc hạnh kiểm đối với học sinh, có hành vi: “Không can ngăn, không tố giác hành vi bạo lực phù hợp với khả năng”, trong Thông tư 58.

Nếu như những hành vi trên đây được Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung vào Thông tư 08 và Thông tư 58 nhiều hy vọng các cơ sở trường học sẽ ngăn chặn có hiệu quả hơn hành vi bạo lực của học sinh, đã và đang gây bức xúc không những cho nhà trường, phụ huynh học sinh mà cả dư luận xã hội.

Trần Vũ