LTS: Trước sự bảo bọc, chở che của phụ huynh đã khiến một số em học sinh trở nên tự đắc với chính các thầy cô giáo của mình.
Từ đó, tác giả Phan Tuyết đã đặt ra câu hỏi về việc những đứa trẻ này có còn nghe lời răn dạy của giáo viên khi ở trường hay không?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thay vì hợp tác với giáo viên để giảm bạo lực học đường thì khá nhiều phụ huynh lại chọn cách theo dõi thầy cô để bắt bẻ, làm khó.
Câu chuyện mà chúng tôi kể sau đây chỉ là một trong hàng chục câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày trong các trường học trên cả nước.
Giáo dục học sinh (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Hôm nay, có bị thầy cô đánh không?
Tan học, tình cờ đi ngang nơi phụ huynh đứng đón con, tôi nghe được tiếng người mẹ hỏi “Hôm nay trên lớp, có bị cô đánh không?”. Tiếng cô bé học trò lớp một vang lên “Cô không đánh nhưng con bị cô chửi mẹ ạ”.
Người mẹ ôm lấy con xuýt xoa “Tội cục cưng mẹ quá à” và hỏi dồn “Nhưng vì sao cô lại chửi? Cô chửi thế nào?”.
Bước nhanh tới chỗ cô giáo lớp một ấy, tôi nói “Một học sinh lớp em đang nói với phụ huynh, hôm nay bị cô chửi. Chuẩn bị tinh thần đi sắp bị chất vấn rồi đấy”.
Nghe thế, cô giáo đồng nghiệp nói rằng, lúc nãy mình cũng mới nhắc nhở mấy học trò viết bài ẩu, ngồi học không chú ý. Có thế mà cũng nói là bị cô chửi. Tiếng chửi nghe nặng nề quá.
Điều này thì chúng tôi khá hiểu, học trò nhỏ chưa hiểu hết thế nào là mắng, là chửi thậm chí là đánh nên giáo viên cũng gặp rắc rối nhiều là vì thế.
Cô nhắc nhở đôi khi hơi gay gắt bị cho là mắng, chửi. Có em ngồi học không nghiêm túc, đi ngang qua, giáo viên vỗ vào vai cho trật tự thì bị gọi là đánh…mà phụ huynh bây giờ khá nhạy cảm với từ đánh.
Bởi, hàng ngày trên các phương tiện truyền thông cử tràn ngập, cứ nhan nhản những chuyện giáo viên đánh học sinh (chỉ một trường hợp nhưng hàng trăm tờ báo đưa tin đã trở thành hiện tượng phổ biến).
Thế nên, chỉ cần nghe học sinh về nói lại “hôm nay con bị cô giáo đánh” hay “cô giáo chửi con” mà chẳng cần biết đánh như thế nào? Chửi ra sao? Và vì sao thầy cô lại thế? Không ít phụ huynh đã hùng hổ xông lên trường làm cho ra lẽ.
Trò còn nhỏ thấy ba mẹ giận dữ với thầy cô là hiểu rằng mình đang được bênh vực. Những đứa trẻ này đã biết thể hiện sự “vênh váo”, đắc chí ngay sau đó với chính thầy cô của mình.
Có em đi kể ngay cho bạn nghe với thái độ hả hê “Bố (mẹ) bạn nói, từ nay thầy cô nào mà đụng đến mình sẽ cho biết tay”. Thử hỏi những đứa trẻ này có còn nghe lời răn dạy của giáo viên khi ở trường?
Cách hành xử của nhiều cha mẹ ngày nay khác xa với những gì cha ông ta làm trước kia.
Tôi còn nhớ, những năm tháng đi học của mình, nếu ở lớp bị thầy cô la rày, thậm chí còn bị đánh đòn cũng về nhà tìm cách dấu nhẹm đi. Bởi, chỉ cần lộ ra cho bố mẹ biết được sẽ bị ăn đòn gấp đôi vì tội không nghe lời thầy cô trên lớp.
Có lẽ ,vì thế mà học sinh thời ấy, ngoan, dễ bảo hơn bây giờ?
Phụ huynh dạy con cách đối phó với giáo viên
Lẽ ra phải dạy con chịu khó, chăm ngoan trong học tập để thầy cô vui lòng sẽ không bị trách phạt thì khá nhiều phụ huynh lại dạy con cách đối phó với giáo viên.
Có phụ huynh ngày nào con đến trường cũng dặn “Cô (thầy) mà đánh phải về mách ba mẹ nghe chưa? Đón con trước cổng câu đầu tiên cũng là “Hôm nay, con có bị thầy cô đánh phạt không?”.
Có phụ huynh khá giả hơn lại trang bị cho con máy ghi âm luôn để chế độ ghi trong cặp hay chiếc đồng hồ đeo tay cũng có chế độ thu âm.
Thầy cô giáo không có tính nhẫn nại, chịu đựng sẽ không trụ nổi với nghề |
Họ viện lý do để dễ theo dõi con nhưng chủ yếu để kiểm soát mọi lời nói của giáo viên.
Có phải phụ huynh nào cũng ý tứ khi cầm máy ghi âm nghe xem hôm nay trên lớp thầy cô nói năng thế nào với học sinh.
Có gia đình mở ghi âm cho cả nhà cùng nghe rồi bình phẩm, phán xét với những lời nói cũng chẳng hề hay ho gì.
Thử hỏi dạy con kiểu thế này, khi các bé lên trường có còn yêu kính thầy cô? Hay lại nhiễm thói quen để ý thầy cô để cha mẹ bắt lỗi?
Nhiều phụ huynh luôn tìm mọi cách bắt lỗi thầy cô mà không chịu soi xét lại mình về cách dạy và giáo dục con cái.
Tính cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách giáo dục của gia đình. Một đứa trẻ hư, không có kỉ luật nếu không được răn dạy vào nề nếp có thể làm ảnh hưởng đến cả một tập thể. Nhưng chỉ “dạy” mà không được phép “răn” cũng chẳng ăn thua gì.
Nhiều bậc phụ huynh đang được truyền thông tiếp sức bằng cách mổ xẻ, phân tích… ý kiến dưới góc nhìn của nhiều nhà tâm lý học (chỉ giỏi lý thuyết) nên họ quá quan trọng hóa việc “răn” trò của giáo viên hiện nay.
Một lời rày la “học gì mà ngu thế?” của thầy cô lúc tức khi giảng hoài mà trò không hiểu, cái nhéo tai hay mươi cái thụt dầu, úp mặt vào tường, viết bản kiểm điểm hoặc lao động công ích… khi trò phạm lỗi cũng được nâng lên thành bạo hành, ngược đãi…
Người ta cứ mang hình ảnh người thầy ở các nước tiên tiến ra để làm chuẩn mực chửi bới, nhục mạ tất cả giáo viên của mình mà không chịu hiểu rằng cha mẹ của học sinh ở các nước ấy, họ cũng chuẩn mực trong cách sống và dạy con nên giáo viên đi dạy mà chẳng phải nhọc công “dỗ” hoặc “răn”.
Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình |
Giáo viên là nghề dạy chữ, dạy người đương nhiên sự đòi hỏi của xã hội về thầy cô cũng phải chỉnh chu, chuẩn mực hơn bao giờ hết.
Chấm dứt tình trạng bạo hành không phải bằng cách thi nhau nói xấu, chửi rủa thầy cô vì việc làm của một vài cá nhân.
Để chấm dứt những tình trạng như thế, chính phụ huynh cũng cần gương mẫu trong cách dạy con và ứng xử với giáo viên của con mình.
Đừng chỉ biết thay con vào trường là xong trách nhiệm nhưng lại luôn soi mói, lên án khi có chuyện gì đó không vừa ý (dù là chuyện nhỏ nhất).