Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó

24/02/2018 06:35
Nhật Duy
(GDVN) - Tết đến rồi qua, qua rồi lại đến. Những niềm vui, nỗi buồn vì thế cũng lặp đi, lặp lại. Ngày Tết càng dài thì cũng kéo theo sự tốn kém, phiền muộn và hệ lụy.

LTS: Sau những dư vị buồn cùng sự lo lắng và hệ quả mà người dân đã trải qua trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, thầy Nhật Duy có bài viết chia sẻ.

Qua đó, tác giả mong rằng, chúng ta nên thực hiện những cái Tết gọn gàng nhưng đầm ấm, yên vui, những cái Tết bớt đi những tiệc tùng, bia rượu, bài bạc...

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau nhiều ngày bận rộn, nô nức chuẩn bị thì cuối cùng những ngày Tết đã đến và rồi cũng đã đi qua. Mọi người lại trở về với công việc thường ngày của mình.

Những dòng người, xe cộ lại tấp nập đổ về các thành phố, các công sở lại mở cửa để làm việc trở lại, học sinh, sinh viên lại đến trường…

Nhìn chung, Tết đem lại cảm giác thư thái cho đa số người dân nhưng Tết cũng đã để lại nhiều dư vị buồn. Những nỗi buồn có thể mơ hồ trong lòng mỗi con người nhưng cũng có nỗi buồn kéo theo nhiều hệ lụy cho một số gia đình, một số người và ảnh hưởng đến xã hội…

Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó ảnh 1Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà

Ngày Tết, cảm xúc của mọi người dù có khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là hòa chung vào niềm vui của Tết cổ truyền.

Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi nhà mỗi điều kiện khác nhau nhưng ngày Tết thì gia đình nào cũng cố gắng lo cho nhà mình một cái Tết chu toàn, đủ đầy nhất có thể.

Và, nhất là thịt, cá, rượu, bia thì không thể thiếu được. Vì thế, những cuộc nhậu, những lần nâng ly cứ triền miên trong mấy ngày Tết.

Những người biết kiềm chế, biết dừng lại đúng lúc thì đó là niềm vui khi được gặp gỡ bạn bè, người thân. Nhưng những người không biết kiềm chế thì nhiều khi lại gây ra nhiều nỗi đau cho bản thân và gia đình mà hậu quả không thể ngày một, ngày hai mà xóa nhòa được:

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất thì các bệnh viện trong cả nước đã khám, cấp cứu gần 40.000 bệnh nhân tai nạn giao thông và hơn 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Số tử vong do tai nạn giao thông là hơn 200 người”. [1]

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng. Cảnh sát đường thủy phát hiện, xử lý 130 trường hợp vi phạm, phạt tiền 42 triệu đồng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do lái xe uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu tại đường nông thôn, ngoài đô thị”. [2]

Những con số vô cùng nhức nhối, đau lòng này năm nào chúng ta cũng nghe, cũng thấy từ các phương tiện thông tin đại chúng và có lẽ ai cũng đều cảm thấy xót xa nhưng nhiều người vẫn chưa rút ra bài học cho bản thân mình.

Bởi, thực tế khi đã vui thì một số người quên đi những nỗi sợ hãi và có những cử chỉ, hành vi thiếu kiểm soát.

Số vụ tai nạn giao thông tăng lên đáng kể trong những ngày tết (Ảnh minh họa: tienphong.vn).
Số vụ tai nạn giao thông tăng lên đáng kể trong những ngày tết (Ảnh minh họa: tienphong.vn).

Có thể, khi tỉnh táo, chúng ta nhìn từ những vụ án mạng, những vụ tai nạn giao thông, những vụ ẩu đả trong dịp Tết, phần lớn có nguyên nhân từ rượu bia khiến đa phần chúng ta sợ hãi.

Nhưng, chắc chắn một điều là Tết năm sau và các năm tiếp theo thì những số liệu này vẫn thường được nhắc đến vào dịp Tết.

Ngày Tết, một số hộ dân kể cả thôn quê hay thị thành tổ chức nhậu nhẹt rồi mở karaoke gây nên những âm thanh vô cùng khó chịu cho mọi người xung quanh. Nhất là khi khách khứa đến nhà đông thì cũng là lúc mọi người tham gia hát hò nhiều hơn.

Những âm thanh “nhà nọ đá nhà kia” cứ văng vẳng vang lên lên công suất tạo nên nỗi phiền muộn cho bao người xung quanh. Vừa hát, vừa nhậu, vừa dzô…điệp khúc đã trở thành quen thuộc với nhiều người Việt chúng ta.

Người Việt mình nhậu nhiều quá, thực tế nước ta đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ nam giới trưởng thành uống rượu bia.

Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó ảnh 3Ngày Tết, đừng để mất vui vì chai bia chén rượu

Năm 2017, chúng ta đã tiêu thụ hết khoảng 4 tỉ lít bia, bình quân mỗi người dân là 43 lít. Lượng bia, rượu lại càng được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết, những bàn nhậu được bày ra triền miên và hệ lụy vì thế cũng để lại ngày một nhiều hơn.

Dịp Tết, cũng là lúc những chiếu bạc được tổ chức ở khắp nơi với mọi thành phần lứa tuổi tham gia.

Ngày 21/2/2018, bộ Công an tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đầu Xuân Mậu Tuất 2018 cho biết đã bắt hơn 1.300 đối tượng cờ bạc trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Đây chỉ là những con số “bắt được” còn vô vàn những chiếu bạc được tổ chức kín đáo trong gia đình chưa bị phát hiện.

Hình thức bài bạc còn được thực hiện bằng các hình thức khác như đá gà, chơi lô tô, bán số…tạo ra nhiều tệ nạn trong xã hội, nhiều gia đình tan nát cũng từ cờ bạc.

Khi đến với các ngôi chùa thì tình trạng mê tín dị đoan cũng được thể hiện ở việc xin Xăm, xin quẻ bói. Những thầy bói ngồi khắp nơi ở chốn chùa chiền bởi nhu cầu của mọi người trong ngày Tết cũng tăng lên.

Rồi tình trạng du xuân, hái lộc tạo làm cho những cành cây đang đang mơn mởn xanh, đang đâm chồi nảy lộc bị vặt lá, bẻ cành…

Chuyện lì xì ngày Tết dù tế nhị nhưng chắc rằng nó cũng khiến nhiều người phải nghĩ suy rất nhiều. Ngày trước, khi đi chơi Tết, người ta coi trọng lời chúc, vui mừng vì những lời chúc với nhau. Nhưng, ngày nay, một số người lại coi trọng những phong bao lì xì để bày tỏ tình cảm với nhau.

Những phong bao lì xì vì thế cũng nặng hơn nhưng tình cảm thì có lẽ càng ngày càng phai nhạt hơn giữa thời kinh tế thị trường.

Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó ảnh 4Sau Tết, lại lo trò bỏ học, quên bài vở, đi học muộn

Dịp Tết, cũng là lúc mà Đảng, Nhà nước, các mạnh thường quân chú trọng tới việc chăm lo cái Tết cho những gia đình có công với cách mạng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng, đâu đó vẫn có những địa phương chi tiền quà Tết sai mục đích. Quà Tết không đến được với người dân mà lại đến với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo địa phương.

Điều này cũng đã được báo chí “nêu tên, điểm mặt” ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) gây nên bất bình cho người dân và làm tổn thương đến người nghèo khó.

Hết Tết, nhiều người vẫn có tâm lí là ngày Tết nên vẫn mải mê với tiệc tùng, vui chơi nên công việc cơ quan chưa được chú trọng.

Học sinh thì có một thời gian dài xả hơi và một số em cũng vướng vào một số tệ nạn, ăn chơi, đua đòi nên khi lịch học đã thực hiện mà nhiều em chưa vào, thậm chí là bỏ học.

Những lớp học chốn thôn quê “rơi rụng” nhiều em, cũng là lúc thầy cô, nhà trường lại tất bật với công việc vận động các em trở lại lớp học. Vào lớp thì bài vở cũng bỏ bê bởi dư âm ngày Tết vẫn còn vang vọng.

Tết đến rồi qua, qua rồi lại đến. Những niềm vui, nỗi buồn vì thế cũng được lặp đi, lặp lại. Ngày Tết càng dài thì cũng kéo theo sự tốn kém, những phiền muộn và hệ lụy đối với một số người càng cao.

Vì thế, cũng đã đến lúc Chính phủ, ngành văn hóa và mọi người dân nghĩ đến những cái Tết gọn gàng nhưng đầm ấm, yên vui, những cái Tết bớt đi những tiệc tùng, bia rượu, bài bạc… những cái Tết mà ngành Y tế và Công an đỡ phải vất vả như bây giờ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/vov-binh-luan/nguoi-viet-va-nhung-ky-luc-kinh-hoang-dip-tet-nguyen-dan-731554.vov

[2]https://baomoi.com/7-ngay-nghi-tet-mau-tuat-2018-gan-200-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong/r/24999945.epi

Nhật Duy