Nhân ngày đầu Xuân, xin có đôi lời luận bàn về uống rượu của người thời xưa và thời nay.
Có thể khẳng định rượu là một trong những phát minh kỳ diệu nhất của con người bởi công dụng của nó.
Từ xa xưa cho tới nay, rượu được dùng để tế lễ thần linh; cúng tế tổ tiên, ông bà cha mẹ … khi đã quy tiên.
Rượu được các vua chúa thời xưa thiết đãi nhau; rượu được mọi người dùng để thiết đãi bạn bè trong các sự kiện vui vẻ, ví như Tết đến Xuân về, cưới hỏi, thăng quan tiến chức...
Như vậy, từ thần linh đến con người, từ người sống đến người chết, từ vua chúa thời xưa, quan chức thời nay cho đến thường dân đời này qua đời khác không thể thiếu rượu.
Ảnh minh họa trên Báo Thể thao và Văn hóa |
Trong rượu có một ma lực rất đặc biệt, làm cho người uống có thể thay đổi sắc thái, tính cách đôi khi không kiểm soát được cả lời nói lẫn hành vi.
Vì thế cổ thư xếp loại đệ tử của rượu, gồm: Tiên tửu, Phật tửu, Nhân tửu, Cuồng tửu, Tục tửu, Ti tửu.
Rượu uống với người tri âm, tri kỉ, thổ lộ được với nhau những nỗi niềm tâm sự mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không nói được; rượu uống vào tạo cảm hứng phát tiết ra thơ văn, nhạc họa như Tản Đà, Văn Cao, Trịnh Công Sơn...
Những người này càng uống càng tỉnh. Vì vậy được xếp là Tiên tửu.
Rượu uống say trở nên hiền lành, ngoan ngoãn lên giường say sưa với giấc nồng, không gây phiền hà cho ai, đó là Phật tửu.
Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô lỗ, chửi bới, gây gổ đánh nhau, thậm chí giết người đó là Tục tửu, Cuồng tửu.
Lợi dụng chén rượu để khích bác, mạt sát nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là Ti tửu (ti ở đây hiểu theo nghĩa ti tiện), hay còn gọi là Cẩu tửu.
Vẫn biết, khi ngồi vào bàn tiệc cần cởi mở, thoải mái thì mới có bữa tiệc sôi nổi, vui vẻ nhưng cái gì cũng vậy đều có giới hạn của nó.
Trong uống rượu, giới hạn là đến độ dừng thì phải dừng. Nếu quá thì rất có thể từ Phật tửu, Nhân tửu trở thành Tục tửu, Cuồng tửu ...
Khi còn bé, chứng kiến bố mình cùng bạn bè uống rượu, tôi thấy rất tao nhã.
Bốn năm cụ một bầu rượu (khoảng 1/4 lít), mỗi người mỗi chiếc chén “hột mít”, thỉnh thoảng nhấp môi và khà lên một tiếng thật dài, với tâm trạng khoan khoái, thoải mái.
Các cụ vừa uống rượu vừa bình thơ (chủ yếu là thơ Đường luật) hoặc đàm đạo về nhân tình, thế thái... vì vậy uống thì ít mà chuyện trò, tâm tình thì nhiều.
Khi uống rượu, họ không bao giờ soi vào chén người khác và cũng không bao giờ ép nhau phải cạn ly như bây giờ, uống hoàn toàn tự nguyện theo tửu lượng của mỗi người.
Nên ngồi cả buổi, các cụ cũng chỉ dùng hết một bầu rượu. Uống xong mọi người đều tỉnh táo và tạo được cảm hứng vui vẻ cho nhau; về nhà không quát tháo, bắt nạt vợ con, không hề gây sự với ai.
Cho dù thời đó uống rượu xong, các cụ không được đi xông hơi, mát xa để xả rượu như bây giờ.
Thời đó, cũng chẳng phải chỉ có bố tôi và bạn rượu của Người, mà phần đông mọi người đều uống rượu theo phong cách như vậy.
Còn uống rượu thời nay, trên bàn tiệc hầu hết là chai 75 (750 ml), hết chai này đến chai khác, “nếu trong chai hết rượu tích tinh tình thì còn trong can”.
Rót rượu phải lên tận “Cao Bằng” (rượu đầy ngang miệng chén), khi đã cầm ly đưa lên miệng là phải dốc đến “Bắc Kạn” (trong ly không còn giọt rượu nào).
Đặt ly rượu xuống người nọ soi ly người kia, nếu ai còn “long đen” không được chấp nhận. Rồi tìm mọi duyên cớ để chúc nhau, ép nhau hết 100% này đến 100% khác…
Không những vậy, để tạo cảm hứng, trước khi “nốc” rượu mọi người cùng đồng thanh “một, hai, ba dô” với âm lượng rền vang phố phường.
Chính vì những cuộc rượu như vậy mà rất nhiều người tham gia bàn tiệc khi ra về chân đi xoắn quẩy, miệng phát âm như người liệt dây thần kinh số 7.
Không ít người trong số đó rơi xuống hạng “Tục tửu”, “Cuồng tửu” quậy phá, đánh chửi nhau. Vì vậy, nhiều án mạng đã xảy ra …
Không chỉ có thế, năm nào cũng vậy, sau mỗi đợt lễ, tết số người bị thương vong do rượu gây ra (cả trực tiếp và gián tiếp) bằng một thảm họa thiên tai khủng khiếp.
Năm nay, theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết vừa qua, gần 1.950 người nhập viện vì đánh nhau.
Trong đó, gần 1.100 người phải vào điều trị nội trú, trên 270 người phải chuyển bệnh viện tuyến trên, 6 người tử vong (1).
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Bộ Công an đến 16h ngày 20/2 về tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất từ 14 đến 20/2/2018, vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố.
Trong 7 ngày nghỉ Tết cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông và 78 vụ va chạm giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người (2).
Cũng theo đánh giá của hai cơ quan trên đây, rượu là nguyên nhân của phần lớn các vụ đánh nhau, các vụ tai nạn giao thông gây ra hậu quả thảm khốc nêu trên.
Người viết bài cũng hay ham vui trong các cuộc rượu nên vẫn biết, khi vào cuộc nếu không uống nhiệt tình sẽ làm bạn bè kém vui, thậm chí không hài lòng và để kiềm chế được cũng không phải đơn giản chút nào.
Tuy nhiên, để những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau trong ngày tết, xuân sang và trong những cuộc vui trở thành hiện thực; để người khác không bị vạ lây vì mình thì trước khi ngồi vào bàn tiệc mọi người nên nhớ lời dạy của Khổng Tử: “Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng, vì rượu đã làm cho lắm người gục ngã.”
Tài liệu tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/3-ngày-
(2) https://tuoitre.vn/7-ngay-