"Thầy giáo khoa học" truyền đam mê lập trình cho học trò

02/10/2018 07:01
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thầy Phạm Đức Khương có chuyên môn đào tạo Địa lý, nhưng có đam mê lập trình, tìm hiểu phương thức sản xuất của bà con nông dân.

LTS: Nghe tiếng lành đồn xa về thầy giáo Phạm Đức Khương, thầy giáo Sơn Quang Huyến đã đến tận nơi gặp thầy giáo hết lòng truyền lửa đam mê và đồng hành với các em học sinh thỏa sức sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ trung tâm huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vào đến Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp vừa ngót nghét gần ba chục cây số.

Màu đất đỏ đã hiện lên trên những chiếc xe bò, xe máy, ô tô, …gợi nhớ về một vùng chiến khu, vùng đạn bom ác liệt miền đất đỏ, trước ngày thống nhất đất nước.

Hòa Hiệp nay đã thay đổi, nhiều tỷ phú nông dân đã xuất hiện, đời sống kinh tế xã hội thuộc loại cao của huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; với dân số của xã trên 25.000 người, Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp trên 47 lớp, đang đứng trước yêu cầu phải xây trường mới.

Khi tôi hỏi thăm “thầy giáo khoa học”, các em học sinh dắt tôi đi về phòng tin học.

Đã gần hết giờ chiều, vẫn còn một nhóm học sinh và thầy giáo của mình đang say sưa làm việc trong phòng. Trên mặt bàn còn ngổn ngang các con chíp, vi mạch, bo mạch.

Thầy giáo Phạm Đức Khương được học sinh gọi với cái tên thương mến “Thầy giáo khoa học”.

Thầy phạm Đức Khương (người vòng tay bìa phải) cùng các em học sinh trong hội thi nghiên cứu khoa học năm học 2017-2018. Ảnh: Sơn Quang Huyến
Thầy phạm Đức Khương (người vòng tay bìa phải) cùng các em học sinh trong hội thi nghiên cứu khoa học năm học 2017-2018. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Về Trung học cơ sở Hòa Hiệp công tác từ năm học 2011-2012, thầy giáo Khương có chuyên môn đào tạo Địa lý, nhưng có đam mê lập trình, tìm hiểu phương thức sản xuất của bà con nông dân.

Khi Phòng Giáo dục và Đào tạo Xuyên Mộc phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, thầy đã truyền đam mê của mình cho học trò, làm quen với máy tính, lập trình, sản phẩm hướng dẫn học sinh dự thi cấp tỉnh đầu tay là “cánh tay robot”, đạt giải nhì.

Học trò nhìn cánh tay rô bốt, máy cắt cỏ đa năng, xe tự hành cứu hộ… thực hiện các lệnh điều khiển tự động mà mê “Thầy giáo khoa học” tự khi nào. Phong trào nghiên cứu khoa học của Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp phát triển mạnh từ đó.

Tính từ năm học 2013-2014 đến nay cả trường đã có 13 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, riêng thầy Phạm Đức Khương đã hướng dẫn học sinh thành công 10 sản phẩm.

"Thầy giáo khoa học" truyền đam mê lập trình cho học trò ảnh 2Cô Hoa sáng tạo dùng lá cây khô đưa vào tiết dạy mỹ thuật

Khi nói về đồng nghiệp của mình, thầy Võ Phi Long, Hiệu trưởng nhà trường vô cùng phấn khởi:

Khương là Đảng viên trẻ gương mẫu, giáo viên đầy nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu.

Với công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, có thể nói, đó là niềm hạnh phúc của bạn ấy.

Tấm gương của Khương đã tác động lên học sinh, cán bộ, giáo viên trong trường, đặc biệt là phong trào học sinh nghiên cứu khoa học”.

Kể về những ngày tháng cùng học sinh bắt từng con sâu, thử nghiệm thuốc diệt côn trùng từ thảo dược, hướng dẫn học sinh ghi chép, viết đề án, quên cả việc nhà. Có những đêm mất ngủ vì “mạch tự động” trở chứng.

Có học sinh, phát hiện từ thực tế, đề xuất đề tài, nhờ mình hướng dẫn; kiểm chứng thì đúng mà cơ sở khoa học thì trên Google chưa có, đành xin giấy giới thiệu từ trường, lên phòng, lên tận phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích định tính.

Có lần chạy hàng trăm cây số tìm mua chíp về thay cho học trò ngày mai đi thi… gương mặt thầy Khương tràn ngập hạnh phúc.

Khi được hỏi bí kíp nào em phát động được phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh của trường như thế?

"Thầy giáo khoa học" truyền đam mê lập trình cho học trò ảnh 3Cô giáo Thúy say mê truyền lửa công nghệ thông tin tới học trò

Bạn ấy bẽn lẽn: “Có bí kíp gì đâu thầy, khi dạy, em và đồng nghiệp trong trường tích hợp kiến thức, liên hệ thực tế, gợi mở ý tưởng cho các em, tôn trọng các ý tưởng các em thấy từ thực tế, dù ngô nghê thế nào chăng nữa.

Sàng lọc các ý tưởng của học sinh, phân giáo viên có thế mạnh tham gia hướng dẫn, vậy thôi thầy.

Bên cạnh đó, nhờ sự động viên của anh cả (thầy hiệu trưởng), chị Ba (cô hiệu phó) và em tư (vợ thầy), nên em làm, đam mê hướng dẫn học sinh nghiên cứu khi nào không biết.”

Ngoài nghiên cứu khoa học thầy Khương luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ghi nhận công lao đóng góp của thầy, đã hai lần liên tục thầy được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp huyện.

Năm học 2018-2019 thầy đã đăng ký chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Chia tay Trung học cơ sở Hòa Hiệp, ngôi trường có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, vẫn đọng mãi trong tôi nụ cười hạnh phúc của “Thầy giáo khoa học”.

Nghề giáo còn nhiều khó khăn, có đam mê, chúng ta vẫn tìm thấy hạnh phúc trong đó, hạnh phúc khi hy sinh của người thầy vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người.

Chúc Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp, chúc “Thầy giáo khoa học” đạt nhiều thành tích trong năm học mới.

Sơn Quang Huyến