Thế hệ không có cơ hội hay sự thất bại của giáo dục?

02/06/2017 06:47
Đất Việt
(GDVN) - Một bạn người Anh, sau khi đi học xong tiến sỹ, không tìm được việc và đi ra làm bán thời gian ở quầy cà phê...

LTS: Trao đổi về vấn đề thất nghiệp tràn lan trong xã hội hiện nay, tác giả Đất Việt đưa ra một số thông tin đáng suy ngẫm về giáo dục trong thời đại mới, thời đại công nghệ 4.0.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Trong thư gửi cho cổ đông năm 2017, Chủ tịch một ngân hàng toàn cầu đã đưa ra một nhận định đau lòng “Chúng ta đang sản sinh ra thế hệ không có cơ hội, không có tương lai” [1].  

Điều này được đưa ra dựa trên báo cáo về thị trường lao động, về khả năng 2 tỷ người sẽ bị thay thế bởi robot vào năm 2030.

50% công việc hiện hữu của nước Mỹ và thế giới có thể bị thay thế bởi robot và các chương trình tự động lập trình trong hơn 2 thập kỷ nữa [2].  

Câu chuyện học, tốt nghiệp và không có việc làm không chỉ ở nghề lao động phổ thông, mà lan ra khắp các ngành nghề, dù đó là ngành nghề có chỉ số kỹ thuật cao, chỉ số sáng tạo hay những người có năng lực cao và đã tốt nghiệp tiến sỹ.

Xin được chia sẻ một số thông tin không được “tươi đẹp” để chúng ta cùng suy ngẫm về vai trò của giáo dục trong thời đại mới.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cho những ngành khoa học kỹ thuật (STEM) đang tăng lên [3], trong khi cũng đồng thời, thiếu hụt lao động trong một số lĩnh vực STEM cụ thể [4]

Tỉ lệ thất nghiệp, Đại học Geogetown [5]
Tỉ lệ thất nghiệp, Đại học Geogetown [5]

Theo nghiên cứu được công bố trên website của Văn phòng Dữ liệu Lao động Mỹ (2015) [6], Mỹ hiện đang đối mặt với khủng hoảng lao động trong STEM và cả dư thừa nhân lực trong mấy ngành này.

Thập kỷ trước đã tính đến quan ngại lớn về việc thiếu hụt nhân lực trong các ngành STEM nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.  

Vào cùng thời điển, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những bằng chứng về việc dư thừa lao động trong mảng STEM. 

Qua đánh giá những nghiên cứu chuyên sâu, kết hợp cùng dữ liệu về tuyển dụng, các bài viết trên tạp chí, và những phỏng vấn cá nhân với những công ty tuyển dụng, chúng ta có được một kết luận rất khác biệt trong thị trường lao động ngành STEM:

Việc đào tạo trong ngành STEM đã quá dư thừa, trong khi lao động STEM trong chính phủ và công nghệ tư nhân vẫn đang thiếu hụt trong một số lĩnh vực cụ thể”.

(Ví dụ, analog/linear and radiofrequency/microwave design engineers and skilled programmers) 

Tỷ lệ thất nghiệp cho những tiến sỹ ở các chuyên ngành, đâu đó khoảng gần 39%
Percent of Doctorate Recipients With Job or Postdoc Commitments, by Field of Study (tỷ lệ nghiên cứu sinh có công việc hoặc tiếp tục nghiên cứu)

Field

2004

2009

2014

All

70.0%

69.5%

61.4%

Life sciences

71.2%

66.8%

57.9%

Physical sciences

71.5%

72.1%

63.8%

Social sciences

71.3%

72.9%

68.8%

Engineering

63.6%

66.8%

57.0%

Education

74.6%

71.6%

64.6%

Humanities

63.4%

63.3%

54.3%

Trong khi, họ, những người học tiến sỹ hoặc postdoc sẽ phải gánh khoản nợ tương ứng như sau:

Debt of New Doctoral Degree Graduates, 2014

Field

Mean Cumulative Debt

% With Debt > $70,000

All

$22,392

12.6%

Life sciences

$19,605

9.8%

Physical sciences

$12,365

5.1%

Social sciences

$34,999

22.6%

Engineering

$11,645

5.1%

Education

$36,260

23.3%

Humanities

$29,953

17.4%

Vậy, đây không phải là câu chuyện của việc bạn có hay không bằng đại học, hay sau đại học, như thạc sỹ và tiến sỹ, trong lĩnh vực hot như STEM hay trong ngành về nhân lực, con người.  

Thị trường lao động đang được điều chỉnh bởi lực hút của công nghệ hóa, tự động hóa, mà bản chất là để cắt giảm chi phí nhân lực.  

Kinh tế thị trường,với mục đích tối ưu hóa cao nhất lợi nhuận, đang triển khai theo mô hình mà các nhà kinh tế nêu ra, “phát triển đổ vỡ”.

Người ta sử dụng và phát triển trí tuệ thông minh nhằm thay thế con người trong hầu hết các mảng công việc, dù đấy là công việc cần có sự sáng tạo hay kỹ năng cao.  

Thậm chí, nhiều nhà khoa học đang lo lắng về khả năng trí tuệ thông minh sẽ “thắng” trí tuệ của con người, và nó có thể đi đến diệt vong, khi trí tuệ thông minh không còn được kiểm soát theo đạo đức kinh doanh và quản trị.  

Việc các tập đoàn công nghệ lớn đang được kêu gọi để tham gia vào Cam kết Liên kết sử dụng trí tuệ thông minh có đạo đức [7] là một ví dụ ban đầu về những lo ngại này.

Thế hệ không có cơ hội hay sự thất bại của giáo dục? ảnh 2

Học ngành gì để ra trường có việc làm ngay?

Với thực trạng trên của thế giới, không chỉ ở Mỹ, mà hầu hết các nước trên thế giới đang rất quan ngại về thị trường lao động.  

Việc Diễn đàn kinh tế thế giới kêu gọi việc phát triển công nghệ trong thời kỳ 4.0 cần được tập trung vì con người, phục vụ con người có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc [8].

Bởi tương lai không có gì thú vị khi chúng ta đều phải nhận lĩnh lương trợ cấp xã hội, còn công việc thì do robot thực hiện!

Chúng ta sẽ làm gì để cạnh tranh với robot, với thị trường lao động bị đổ vỡ do công nghệ phát triển vượt trội, với bối cảnh con người đang bị ảnh hưởng bởi quá nhiều tác động bất ổn trong chính trị - kinh tế - môi trường, không hề giới hạn bởi chiến tranh, và thậm chí, trong tương lai chỉ những người rất giàu mới có cơ may đi trú ẩn ở các hành tinh khác? 

Theo quan sát cá nhân, tôi nghĩ có lẽ nên có 3 tư duy mới về đào tạo lao động và kỹ năng lao động trong thời đại đổ vỡ vì công nghệ này.

Thứ nhất, hãy cho con người được sống chậm lại, để họ được là con người đúng bản chất

Thomas Friedman, nhà báo đã viết về Thế giới phẳng, nay đã tự mình nhận ra việc quan trọng như thế nào khi chúng ta được sống đúng như một con người, trong cuốn “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn!” [9].

Hệ thống giáo dục, từ cấp nhỏ cho đến đại học, sau đại học, đều đang quay cuồng với tốc độ ngày càng nhanh, ngày càng đòi hỏi thay đổi, thay đổi, nhưng liệu những điều này có tốt hơn không? 

Có hữu ích hơn cho người học, cho giáo viên và cho môi trường học hay không? Cứ nhìn vào bảng tổng kết thất nghiệp trên đây là thấy được phần nào của mặt trái trong giáo dục toàn cầu. 

Đáng lý, giáo dục là định hướng, là hoa tiêu, là lực đẩy cho tiến bộ xã hội đi theo hướng nhân bản hơn, tốt đẹp hơn cho học sinh, cho mọi người trong xã hội. 

Giờ đây, giáo dục nói chung và đại học nói riêng, lại trở thành một gánh nặng, một món nợ, mà với người học, nó giống như một cánh cửa phải qua, nhưng không hề biết rõ điều gì sau cánh cửa đấy cả.  

Xét dưới một góc độ nhân văn của xã hội, giáo dục đang thất bại trước những áp lực của sức mạnh đồng tiền, của công nghệ và của một hệ thống mà các tư duy đã không đề cao con người lên trước nhất. 

Khốn thay, nhưng xét dưới góc độ thị trường và kinh doanh, đầu tư vào giáo dục và công nghệ giáo dục đang là xu hướng nổi trội, vì những lợi ích lớn có thể thu được thì người học, từ tiền vay đi học của gia đình, từ ngân sách của chính phủ và tiền vay các tổ chức quốc tế cho các chương trình học, bất chấp điều này không đảm bảo gì cho tương lai của người học và sự tiến bộ, nhân bản cho xã hội cả!

Thế hệ không có cơ hội hay sự thất bại của giáo dục? ảnh 3

Chúng ta đang không thể chỉ ra đâu là con đường cho giáo dục tương lai

Đấy là lý do, mà một Chủ tịch ngân hàng lại có thể tuyên bố rằng “Chúng ta đang sản sinh ra thế hệ không có cơ hội!”, vì đơn giản là, cơ hội không thuộc về kẻ yếu! 

Kẻ có sức mạnh hiện nay, về tài chính và công nghệ, thì chỉ quan tâm đến con người và xã hội dưới góc độ đầu tư sinh lời! 

Đấy là lý do của việc giáo dục đã thất bại ở tất cả các cấp độ, và tại sao chúng ta cần quay về với giá trị nguyên thủy của giáo dục, nếu không muốn tạo ra những thế hệ thất bại trong tương lai.

Thứ hai, phương thức đào tạo tri thức và kỹ năng phải được xem xét và dựa trên đánh giá trung thực về nguồn nhân lực hiện hữu và cho nhu cầu của tương lai

Tôi muốn nói đến một nỗi lo ngại lớn cho cộng đồng và học sinh sinh viên hiện nay, dưới khía cạnh, thực ra, chúng ta biết những gì người ta cho chúng ta biết, chứ không phải là sự thật!

Thực trạng của đào tạo phổ thông, của đào tạo đại học, của đào tạo nghề đến đâu? Đã đáp ứng được những gì mà thị trường lao động cần? 

Hầu như ai cũng u u mờ mờ… và các báo cáo thì không dễ để đưa ra được một bức tranh tổng thể.

Việc đưa ra những dự báo, một bên về tỷ lệ thất nghiệp cho các ngành hay nghề lao động có tay nghề, đáng ra cần phải được tính đến, như một cảnh báo cho giáo dục đại học và sau đại học, về những khoảng cách giữa nội dung đào tạo và năng lực lao động trên thị trường…

Nay, hầu như ít ai nói với học sinh phổ thông về việc kể cả bạn có bằng tiến sỹ kỹ thuật, nguy cơ bạn vẫn không có việc làm là chuyện rất bình thường.

Bởi trường nào cũng muốn có học sinh vào học để tồn tại trường trước mắt, còn việc học có đáp ứng thị trường lao động hay không, không ai nêu ra!

Câu hỏi mà tất cả chúng ta, dù là cha mẹ, học sinh hay trường đào tạo, cơ quan quản lý cần suy nghĩ là nếu với những bằng cấp tốt, những kỹ năng tốt mà không thể tìm được việc, thì đâu là vấn đề? 

Liệu vấn đề có nằm ở bất bình đẳng trong thu nhập, trong sở hữu, trong cơ hội học tập và cơ hội tìm kiếm việc làm (mà ví dụ cụ thể như 8 người sở hữu tài sản bằng nửa thế giới, cần tìm mọi cách để tăng trưởng nền ứng dụng công nghệ cao trên con người, nhưng việc đầu tư và sử dụng con người vào những hoạt động kinh doanh của họ chưa tương ứng)? 

Học tập, đào tạo tay nghề như thế nào sẽ được coi là vì con người, vì xã hội? 

Những “ngáo ộp” cảnh báo mang tính đe dọa đến tương lai lao động của đa số người học, người làm việc, ngày ngày được đưa tin trên mặt báo, dựa trên những báo cáo, nhưng không có nhiều những giải pháp, chương trình làm việc, từ chính phủ, các tổ chức đào tạo và các hệ thống xã hội vì con người! 

Thực nực cười khi chỉ trong 6 tháng qua, những mô hình và khái niệm cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục online được truyền đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng ở mọi chốn.

Trong khi đó, thực trạng của nhiều tỷ dân trên thế giới vẫn không có gì khả quan hơn $1.9/ngày, không có điện, không có nước, không có đủ lương thực và thực phẩm sạch, không có cơ hội học tập, và rõ là họ không thể có tương lai!

Vậy, những chính sách nào, những công nghệ nào, những hỗ trợ nào có thể giúp những con người không có cơ hội, không có tương lai đó, khi bản thân họ đang và vẫn sẽ là gần ½ thế giới chúng ta đang cùng chung sống? 

Thế hệ không có cơ hội hay sự thất bại của giáo dục? ảnh 4

Tương lai, đào tạo sẽ là ảo, là số hóa và mô phỏng

Những mô hình về mục tiêu phát triển bền vững, trong đó bao gồm cả những mục tiêu giáo dục, có cần phải đánh giá lại về tính thiết thực của nó? 

Liệu có ai cần quan tâm đến 4.0, khi họ ăn chưa đủ, chưa biết đọc và biết viết?

Hay chúng ta hy vọng, sẽ mang được điện thoại thông minh bán giá rẻ cho những con người không có tương lai đó, và họ sẽ trở nên có tương lai? 

Hãy lưu ý là đã có dự báo, chỉ trong 10 năm sắp tới, điện thoại thông minh sẽ biến mất [10], còn cái gì thay thế thì chưa rõ!  Liệu đến lúc nào, con người sẽ biến mất, và trí tuệ thông minh và các công nghệ sẽ còn lại trên trái đất này?

Tôi mong, tha thiết mong, có ai đó có thể đưa ra những báo cáo trung thực về nhu cầu nhân lực tương lai (nhưng không phải để quảng bá cho sự quan trọng của 4.0), thực trạng của đào tạo và lao động hiện hữu, và những giải pháp thiết thực cho những con người yếu thế, những người đang được phân loại vào mục “không có cơ hội và tương lai”…

Riêng với Việt Nam, tôi tin là chúng ta phải đứng trên đôi chân, mà dù là chân đất, cũng phải thừa nhận là chân đất, để có thể tìm ra giải pháp cho đi lên chân giày. 

Công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, đòi hỏi có những nhân lực tương ứng, và chăn bò đi làm lập trình, cũng cần có đủ tiếng Anh và tri thức cơ bản của công nghệ thông tin. Không có con đường nào khác!

Thứ ba, kỹ năng tự phát triển dựa trên sáng tạo và hiệu quả sáng tạo

Ai giờ này cũng nói đến sáng tạo và hiệu quả của sáng tạo như một cứu cánh cho một xã hội đổ vỡ vì phát triển. Vậy, làm sao để sáng tạo? Sáng tạo nảy sinh trong môi trường nào? 

Sáng tạo làm sao để phục vụ con người, chứ không phải tạo ra hệ quả đau đớn cho con người? Làm sao để con người có thể sáng tạo mà cạnh tranh được với trí tuệ thông minh? 

Tất cả những câu hỏi này, lại đưa chúng ta đến với câu hỏi về chất lượng của giáo dục, dù ở cấp 1 hay ở đại học, sau đại học.

Một bạn người Anh, sau khi đi học xong tiến sỹ, không tìm được việc và đi ra làm bán thời gian ở quầy cà phê.  

Câu hỏi đặt ra là liệu một tiến sỹ đi bán cà phê có ích, có sáng tạo hơn, một người chỉ học làm cà phê và bán cà phê hay không? 

Thất bại về giáo dục, về không có việc làm phù hợp, là vấn đề của từng cá nhân hay của từng xã hội? Hay nói rộng hơn, của cả nhân loại?

Những con người như Steve Jobs, Bill Gates, và J. K. Rowling là những ví dụ điển hình và thành công trong khả năng phát triển sáng tạo cá nhân và tạo ra hiệu quả ứng dụng cao cho thế giới. Họ đã thành công.  

Nhưng hiếm có ai chia sẻ những nguyên nhân của thất bại, dù có sáng tạo đi nữa.  

Hãy dạy cho con trẻ và những start-up về 99% thất bại ở thung lũng Sillicon, ở những con người rất trí tuệ, rất dũng cảm, nhưng vẫn chưa đủ để thành công…

Vậy quan trọng là, ai sẽ dạy con trẻ về kỹ năng sáng tạo? Ai sẽ dạy về sáng tạo chưa đủ, còn phải có hiệu quả ứng dụng, mà cuối cùng, như nhiều nhà đầu tư thiên thần đã nói, nhìn thấy được tương lai có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống và có thể kiếm tiền tốt từ đấy? 

Ai sẽ dạy cách biết đứng lên sau mỗi lần thất bại, và thậm chí, có thể là thất bại đến cuối đời, nhưng vẫn có thể tự hào rằng, tôi đã nỗ lực hết sức?

Tôi thiết nghĩ, trong bối cảnh đâu đâu cũng kêu gọi về sáng tạo, về khởi nghiệp, về toàn cầu, có lẽ chúng ta nên tạm thời kiềm chế “lên đồng” để quay về với thực tế của Việt Nam, về thực trạng của giáo dục.

Và tìm ra những phương thức hữu hiệu, nhưng thiết thực, ứng dụng được, cho học sinh sinh viên, để họ có thể tìm ra được giá trị của bản thân, giá trị của cuộc đời họ, trong hiện tại và trong tương lai, dù họ có thể thất bại hoặc không có cơ hội, như ai đó đã từng tuyên bố.

Để kết luận, xin được dẫn ra một câu lý thú của ông Giáp Văn Dương, trong bài viết về Con người nào cho công nghiệp 4.0?, rằng “duy trì sự kết nối tự nhiên, bảo vệ tính nhân văn, hóa ra lại là trọng tâm của giáo dục thời cách mạng công nghiệp 4.0 đang lừng lững tới”[11].

Hãy sống, phát triển, như một con người và vì con người!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.businessinsider.com/jamie-dimon-ceo-letter-jpmorgan-on-education-and-labor-force-participation-2017-4

[2] http://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs.pdf

[3] https://www.theatlantic.com/education/archive/2014/03/the-myth-of-the-science-and-engineering-shortage/284359/

[4] https://www.brookings.edu/research/the-hidden-stem-economy/

[5] https://georgetown.app.box.com/s/og6p8y9x1yeacejk1ci0

[6] https://www.bls.gov/opub/mlr/2015/article/stem-crisis-or-stem-surplus-yes-and-yes.htm

[7] https://www.theverge.com/2017/1/27/14411810/apple-joins-partnership-for-ai

[8] https://www.weforum.org/agenda/2016/10/four-leadership-principles-for-the-fourth-industrial-revolution/

[9] http://www.thomaslfriedman.com/thank-you-for-being-late/

[10] http://www.baomoi.com/ceo-facebook-dien-thoai-thong-minh-se-bien-mat-trong-10-nam-nua/c/22103814.epi

[11] http://www.thesaigontimes.vn/159667/Con-nguoi-nao-cho-cong-nghiep-40.html

Đất Việt