Đó là một trong những băn khoăn, thắc mắc của các học sinh và phụ huynh khi tham gia ngày hội mở - tư vấn tuyển sinh 2017 do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức ngày 19/3.
Ngày hội đã thu hút hàng trăm phụ huynh, học sinh từ các trường Trung học phổ thông trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng đến tham gia.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga tham quan ngày hội mở của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Nhiều thầy cô là trưởng các khoa, ngành của nhà trường cũng đến dự để sẵn sàng tư vấn cho các thí sinh.
GS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa đã giới thiệu những nét nổi bật của nhà trường trong công tác đào tạo thời gian qua.
6.000 thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017(GDVN) - Ban tư vấn đã giải đáp hàng loạt câu hỏi, thắc mắc của thí sinh liên quan đến tuyển thẳng đại học, cộng điểm năng khiếu, thời gian, cách thức thi trắc nghiệm. |
Trong đó, có nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế như: AUN-QA, CTI…
“Học ngành gì để ra trường có việc làm, mức đóng học phí ra sao, chương trình đào tạo như thế nào? Tất cả những thắc mắc của phụ huynh, học sinh sẽ được các thầy cô của nhà trường tư vấn, giải đáp cặn kẽ” thầy Hùng nói.
Lãnh đạo phòng đào tạo của Trường Đại học Bách khoa cũng đã trình bày chi tiết chỉ tiêu tuyển sinh và tổ hợp môn xét tuyển của các ngành. Chính sách ưu tiên tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh.
Mức đóng học phí đối với ba chương trình đào tạo của nhà trường gồm: đào tạo đại trà (học phí 8,7 triệu đồng/năm), chương trình chất lượng cao (học phí 21,7 triệu đồng/năm) và chương trình tiên tiến (học phí 30 triệu đồng/năm)…
Trong phần tư vấn, một học sinh ở Đà Nẵng đặt câu hỏi: “Nếu em học ngành công nghệ thực phẩm thì khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm như thế nào?”
Đại diện khoa Hóa của Trường trả lời, khi học ngành này ra, sinh viên có thể làm việc được trong nhiều lĩnh vực về quản lý đồ ăn thức uống.
Ví dụ như: làm việc tại các phòng nghiên cứu, các sở y tế, các nhà máy liên quan đến thực phẩm như: nhà máy đường, nhà máy sữa, cơ sở sản xuất bánh kẹo…
Tương tự, một học sinh khác cũng đặt vấn đề là học ngành công nghệ sinh học thì được đào tạo ra sao? Khi ra trường sẽ làm được những công việc gì?
Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học Trường đại học Bách khoa giải đáp rằng, ngành này và ngành công nghệ thông tin là hai ngành mà Chính phủ muốn phát triển mạnh trong thời gian đến.
Cơ hội việc làm khi theo ngành này rất lớn khi có thể vào làm việc ở các phòng xét nghiệm, các công ty dược phẩm, các viện nghiên cứu nông nghiệp và kể cả trong các nhà máy chế biến thực phẩm…
Một phụ huynh khác đến từ Quảng Nam cũng nêu thắc mắc: đối với chương trình tiên tiến của nhà Trường thì bắt buộc phải kiểm tra kỹ năng tiếng Anh (vì chương trình học đều được giảng bằng tiếng Anh).
Trường hợp thí sinh đủ điểm xét tuyển vào các ngành này nhưng không qua vòng “kiểm duyệt” tiếng Anh thì sẽ xử lý như thế nào?
Ngoài ra còn có nhiều câu hỏi thắc mắc về chế độ ưu tiên cho thí sinh, về các môn thi năng khiếu… đã được thầy cô nhiệt tình giải đáp.
Trong khuôn khổ ngày hội mở, học sinh và phụ huynh còn được tham quan các khoa, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, giảng đường, trung tâm học liệu của nhà Trường.
“Hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cho phụ huynh, học sinh về kỳ xét tuyển năm 2017 và tạo cơ hội cho các em giao lưu, hiểu biết thêm về các ngành nghề đào tạo của Trường để chọn đúng ngành mình yêu thích” đại diện nhà trường cho hay.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã đến tham quan ngày hội mở của Trường Đại học Bách Khoa.
Thứ trưởng đã lắng nghe những thuyết trình của sinh viên các khoa về những phát kiến, chế tạo mới.