Thi tuyển cạnh tranh nhưng phải đánh giá đúng năng lực người thầy

25/08/2017 07:20
Thanh Hương
(GDVN) - Phải nghiên cứu quy cách thi tuyển giáo viên cũng như chọn “thước đo” nào hiệu quả nhất để đánh giá đúng năng lực của người thầy.

LTS: Những ngày qua, sau khi hàng loạt các bài viết liên quan đến vấn đề thi tuyển dụng viên chức giáo dục tỉnh Quảng Nam được đăng tải,

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Thanh Hương chia sẻ quan điểm về quy trình tuyển dụng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Cạnh tranh để tìm người tài

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Sở giáo dục tỉnh Quảng Nam hủy bỏ quyết định về đặc cách trong xét tuyển viên chức giáo dục, chuyển sang chọn phương án thi tuyển cạnh tranh.

Các thí sinh tham dự một kỳ thi tuyển dụng công chức ở Quảng Nam. Ảnh: giaoduc.net
Các thí sinh tham dự một kỳ thi tuyển dụng công chức ở Quảng Nam. Ảnh: giaoduc.net

Điều đó vừa có ý nghĩa đánh giá đúng năng lực của người thầy vừa đảm bảo tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho các sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp.

Bởi lẽ, nếu chỉ dựa hoàn toàn vào “kinh nghiệm” và “thâm niên” để tuyển chọn thì chưa đủ và sẽ là thiếu công bằng với đội ngũ giáo viên giỏi, mới tốt nghiệp.

Thi tuyển cạnh tranh nhưng phải đánh giá đúng năng lực người thầy ảnh 2

"Đừng để ba tháng hè là thời gian ngắt quãng hợp đồng của giáo viên"

Nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy nhưng chưa hẳn đã có vốn kiến thức sâu rộng và có kỹ năng truyền đạt kiến thức tốt.

Và ngược lại, đội ngũ giáo viên mới ra trường dù không kinh qua giai đoạn đứng lớp nhưng vẫn có thể có lượng kiến thức tốt và kỹ năng giảng dạy tiến bộ, tích cực.

Vậy nên, việc chỉ dựa vào vấn đề “thâm niên” để đặc cách miễn thi tuyển thì thiết nghĩ sẽ không đảm bảo yếu tố đánh giá đúng năng lực.

Cần phải có sự cạnh tranh, thông qua thi cử để đánh giá năng lực của mỗi cá nhân để từ đó tuyển chọn ra những người xuất sắc nhất.

Cách tính điểm hiện tại chưa thuyết phục

Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng, cách tính điểm cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra phương thức hiệu quả nhất.

Theo phản ánh, thì hiện nay cách tính điểm của Sở giáo dục tỉnh Quảng Nam có phần chưa thực sự thuyết phục.

Thi tuyển cạnh tranh nhưng phải đánh giá đúng năng lực người thầy ảnh 3

Giáo viên hợp đồng và chuyện...giá như!

Theo cách tính điểm của Sở thì điểm xét tuyển cạnh tranh = điểm học tập toàn khóa (điểm tổng kết 4 năm đại học) + điểm tốt nghiệp (trung bình các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm luận văn) + điểm phỏng vấn (kiểm tra, sát hạch chuyên môn) x 2.

Đó là cách tính đối với sinh viên học theo phương thức đào tạo trước đây, còn trường hợp thí sinh được đào tạo theo tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp, tính hệ số 2.

Tức là, điểm xét tuyển = điểm tốt nghiệp x 2 + điểm phỏng vấn (kiểm tra, sát hạch chuyên môn) x 2.

Từ cách tính điểm này nên nhiều trường hợp “người trong cuộc” không thể trúng tuyển dù điểm thi phỏng vấn đạt ngưỡng gần tối đa.

Trong cách tính điểm này tôi xin đưa ra vài quan điểm như sau:

Thứ nhất: Thực chất, vấn đề đánh giá về điểm số trong quá trình học của từng trường chưa thực sự đúng với chất lượng của người học.

Thứ 2: Mỗi giai đoạn học tập có một hệ chương trình đào tạo khác nhau, cách tính điểm khác nhau. Việc đánh đồng giữa điểm số của hệ đào tạo này với hệ đào tạo khác là có phần khập khiễng.

Trước đây, việc được làm luận văn là rất khó khăn và hầu hết đều phải thi tốt nghiệp nên điểm khá thấp. Còn bây giờ, việc làm luận văn của sinh viên cũng dễ dãi hơn và thường rất cao, đều từ 8 – 10 điểm (quy đổi ra tương đương 80-100 điểm).

Thứ 3 (và là quan trọng nhất): Kiến thức lẫn năng lực của cùng một người thầy cách đây 5 năm, 10 năm khác hoàn toàn với người thầy đó của hiện tại.

Tức là, nếu trước đây người thầy dù điểm số không cao nhưng sau 5 năm, 10 năm giảng dạy và tích lũy thì bản thân kiến thức của người thầy đó sẽ được nâng lên.

Hoặc ngược lại,điểm số của quá khứ có thể cao, nhưng kiến thức hiện tại bị mai một đi phần nào thì điểm số học tập trước đây không thể được là thước đo năng lực của người thầy trong hiện tại được.  

Thiết nghĩ, điểm số chỉ có thể là công bằng và chính xác khi trải qua cùng một thang đo, cùng một giai đoạn, cùng một phương thức tính điểm và đặc biệt là cùng một môi trường đánh giá.

Thanh Hương