LTS: 104 giáo viên hợp đồng (trên 36 tháng) ở Quảng Nam cho rằng họ bị đối xử thiếu công bằng và Sở giáo dục đã chỉ đạo nhà trường ký hợp đồng sai luật lao động khiến họ không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Các thầy cô cũng chỉ ra những bất cập trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh vừa qua, đồng thời gửi các kiến nghị khẩn thiết để mong cơ quan chức năng xem xét.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.
“Là hợp đồng thỉnh giảng, không thuộc diện đặc cách”
Phóng viên: Ngày 25/3/2016, Sở đã ra công văn số 379/KH-SGDĐT về việc xây dựng kế hoạch hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp đối với giáo viên có thời hạn giảng dạy từ 36 tháng trở lên.
Sở bán và nhận hồ sơ từ ngày 28/3/2016 đến hết ngày 8/4/2016. Sau khi nhận xong hồ sơ, tại sao Sở lại không thực hiện xét tuyển và không có phản hồi cho giáo viên rõ?
Sở giáo dục Quảng Nam: Thực hiện Thông báo số 422/TB-UBND ngày 22/9/2015 về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Chín tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều giáo viên hợp đồng (trên 36 tháng) bức xúc cho rằng bị đối xử thiếu công bằng. Ảnh: TT |
Trong đó, có giao cho Sở giáo dục rà soát, phân loại cụ thể, căn cứ vào nhu cầu chỉ tiêu biên chế được giao, tổ chức xét tuyển đối với những trường hợp đủ điều kiện theo đúng với quy định tại điều 7 chương 1 Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ.
Theo điều 7 của Thông tư 15/2012, điều kiện để xét đặc cách đó là: người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên…
Thiếu công bằng trong xét tuyển, 104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp |
Tuy nhiên, đối với 110 giáo viên hợp đồng này không nằm trong diện “….có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên”.
Bởi vì các thầy cô này là hợp đồng thỉnh giảng, trả tiền thỏa thuận theo tiết dạy, không có đóng bảo hiểm xã hội
Vì sao có trường hợp hợp đồng giáo viên trả lương theo tiết dạy? Thực chất của vấn đề này có tính lịch sử của nó.
Từ tháng 8/2009, sau khi chuyển 8 trường trung học phổ thông từ loại hình bán công sang công lập, để không tăng biên chế sự nghiệp giáo dục, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn số 3395/UBND-VX ngày 19/9/2011.
Đồng ý chủ trương cho Sở giáo dục thông báo chấm dứt tuyển dụng đối với giáo viên đã hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội tại các trường trung học phổ thông công lập, trường phổ thông dân tộc nội trú, các trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh kể từ tháng 9/2011.
Trong khoảng thời gian đó đến nay, trên thực tế, ở một số trường trung học phổ thông có tình trạng thừa, thiếu cục bộ một số tiết dạy, ở một số bộ môn.
Về mặt nguyên tắc, nếu trường trung học phổ thông nào có số tiết dạy vượt quá định mức quy định thì bố trí dạy tăng tiết và trả chế độ tăng giờ cho giáo viên.
Tuy nhiên, để góp phần giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhưng chưa có việc làm nên một số trường trung học phổ thông đã tiến hành thỉnh giảng đối với số giáo viên mới ra trường để dạy một số tiết tăng vượt định mức so với số biên chế hiện có của trường.
Như vậy, số tiết dạy của mỗi giáo viên thỉnh giảng này cũng khác nhau, có người dạy một vài tiết /tuần, có người dạy 5 đến 10 tiết/ tuần.
Hơn nữa, thời gian dạy của họ cũng không liên tục, có năm họ được thỉnh giảng, có năm thì không được do trường đó giáo viên đã đủ tiết dạy theo quy định.
Như vậy, đây là việc thỏa thuận giữa nhà trường với giáo viên được thỉnh giảng và tiền công được trả theo tiết dạy nên số giáo viên này không thể được tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Khi tham mưu xét đặc cách không thực hiện được do vướng quy định như nói ở trên. Để quan tâm cho số giáo viên này, Sở giáo dục ban hành kế hoạch số 379/KH-SGDĐT về việc hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp đối với giáo viên có thời hạn giảng dạy từ 36 tháng trở lên.
Tuy nhiên, sau khi ban hành kế hoạch thì có nhiều ý kiến cho là không công bằng, nếu hợp đồng tuyển dụng như vậy thì hết cơ hội cho số học sinh sư phạm mới ra trường (hiện nay, có hàng ngàn sinh viên sự phạm ra trường chưa có việc làm).
Đa số sinh viên sư phạm mới ra trường cho rằng, số giáo viên này chưa qua sát hạch, tuyển chọn cạnh tranh nào nên nếu ưu tiên hợp đồng như vậy là không có sự cạnh tranh, không công bằng, không đúng quy định.
Trước tình hình đó, Sở giáo dục tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phương án cuối cùng đã được Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện đó là việc tổ chức xét tuyển cạnh tranh như vừa diễn ra trong tháng 2 năm 2017 vừa qua.
Trong công văn trả lời khiếu nại của một số giáo viên hợp đồng, giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng, do vướng những quy định hiện hành nên phương án xét tuyển đặc cách không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và không được tiếp tục triển khai thực hiện. Vậy cụ thể là vướng những quy định nào?
Sở giáo dục Quảng Nam: Căn cứ vào điều 7 chương I Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ thì muốn tuyển dụng đặc cách, người lao động phải có thời gian làm việc liên tục từ đủ 36 tháng trở lên, thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.
“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi” |
Ở đây, thầy cô giáo này trực tiếp đến liên hệ với Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập, trường phổ thông dân tộc nội trú để thỏa thuận hợp đồng thỉnh giảng và trả tiền theo tiết dạy, không có đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy không đủ điều kiện để xét đặc cách.
Theo điểm a, khoản 1, điều 14, Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ thì những giáo viên này (104 giáo viên hợp đồng trên 36 tháng) được hưởng quyền đặc cách, vậy tại sao Sở lại không áp dụng?
Sở giáo dục Quảng Nam: Điểm a, khoản 1, điều 14, Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ thì số giáo viên này không nằm trong diện được xét đặc cách như đã trả lời ở trên.