Đó là quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy ban tư pháp Quốc hội nêu ra tại hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20/3.
“Quy định xử lý còn chung chung”
Dự thảo luật đã bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý, thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, Tòa án sẽ là cơ quan xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực. Ảnh: TA |
Ông Cường cho rằng, hiện nay pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật mà có).
Theo đó, những tài sản này có thể bị tịch thu, tiêu hủy… theo quy định. Riêng đối với tài sản người sở hữu có được một cách bất thường mà không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý thì đến nay vẫn chưa có quy đinh xử lý.
Trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Việc đưa vào dự thảo Luật bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản này là cần thiết, phù hợp.
"Tính thuế 45% để hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước do tham nhũng" |
Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập trong nội dung dự thảo điều luật này.
Thứ nhất, việc dự thảo Luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.
Bởi trên thực tế, tài sản này, thu nhập kê khai không trung thực có thể phân thành các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp;
Trường hợp 2: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
Trường hợp 3: Tài sản thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
“Các trường hợp nêu trên có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cần có cách xử lý khác nhau.
Cụ thể, đối với trường hợp 1 thì cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản hay không hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người.
Nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng cần phải bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản kê khai không trung thực sẽ bị xử lý để đảm bảo tính phù hợp trong thực hiện.
Tòa án sẽ quyết định việc xử lý tài sản kê khai không trung thực
“Đối với cách thức xử lý cụ thể về tài sản, thu nhập, chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu tài sản, là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Do đó, việc xử lý phải do Tòa án quyết định”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo giải thích của vị này thì việc xác định nội dung giải trình được coi là hợp lý hay không cần phải được thực hiện thông qua trình, thủ tục tố tụng, có tranh tụng, đối đáp công khai mới đảm bảo được quyền lợi của các bên.
Vì vậy, ông Cường đề nghị trong trường hợp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phát hiện được tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý thì phải khởi kiện ra Tòa án và Tòa án sẽ là cơ quan quyết định việc xử lý tài sản này.
“Nếu theo phương án này thì cần phải sửa đổi các luật tố tụng và quy định cho người kê khai tài sản có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc của tài sản mới thực hiện được.
Để thực hiện có hiệu quả biện pháp này, quan trọng nhất là phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và của toàn bộ người dân thì mới có cơ sở xác định tài sản của người có chức vụ, quyền hạn giải trình hợp lý hay không hợp lý”, ông Cường chia sẻ thêm.