Thưởng và phạt trong giáo dục

08/10/2018 06:48
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thưởng hay phạt, đều có mục đích chung, giáo dục con người trở nên hoàn thiện, theo chuẩn mực đạo đức xã hội.

LTS: Bàn về câu chuyện thưởng, phạt trong ngành giáo dục, thầy giáo Sơn Quang Huyến đặt câu hỏi về việc nên chăng có thêm luật xử phạt hành chính riêng của giáo viên?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ở bất cứ xã hội nào, thể chế chính trị nào, đất nước nào, tổ chức nào… nơi nào cũng vậy, thưởng và phạt là anh em sinh đôi, có thưởng thì ắt có phạt để thúc đẩy, điều tiết sự tăng trưởng và phát triển.

Khi thưởng và phạt không cân bằng, ắt có sự phát triển lệch chuẩn đạo đức xã hội. Sự tha hóa biến chất đạo đức trong xã hội hiện hành và trong giáo dục Việt Nam là bức tranh sinh động của trạng thái mất cân bằng này.

Thử nhìn nhận một thực trạng đau lòng về quản lý đất nước, tệ nạn tham nhũng tràn lan, từ to đến nhỏ, người ta ăn bất cứ thứ gì của dân; tất cả đều do phạt không được thực thi nghiêm minh; chính tà không phân, trắng đen không rõ, thiện ác lập lờ.

Ảnh minh họa: VOV
Ảnh minh họa: VOV

Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” đến nay, dù ai “bất đồng chính kiến” đến đâu, cũng phải công nhận, tệ nạn tham nhũng đang bị trừng trị, không phân biệt chức vụ, đương chức hay đã hạ cánh.

Có thể trên nóng, dưới còn lạnh, thế nhưng “phạt” đã được thực thi nghiêm minh, “thưởng” được thực hiện khách quan, không sớm thì muộn những kẻ tham nhũng cũng bị trừng trị đích đáng.

Trong giáo dục, chẳng phải chỉ riêng giáo dục phổ thông, mọi cấp học, bậc học; người học đang và đã bị lạm thu không thương tiếc, dưới mọi hình thức, nhằm vơ đầy túi tham của các nhà quản lý giáo dục.

Tất cả cũng do “phạt” chưa nghiêm; hiệu trưởng lạm thu, không “nuốt được” chỉ cần trả lại, chi sai tiền tỷ chỉ rút kinh nghiệm, … cứ như phạt cho có, mát mặt người bị phạt, rát mặt người tố cáo!

Thưởng và phạt trong giáo dục ảnh 2Thưởng Tết giáo viên: Kẻ rơi nước mắt, người cười giòn tan

Thưởng trong giáo dục lại càng … khôi hài; cuối năm, tết nhà trường thưởng: 20.000, 50.000 đồng; gói bột ngọt, ký đường … với tờ giấy khen của … hiệu trưởng.

Thưởng bao nhiêu tùy thuộc và “tâm” của hiệu trưởng và kế toán!

Với cấp huyện, tỉnh, khen thưởng theo luật chung cả nước, theo tỷ lệ % của trường, của phòng, của sở; mức thưởng từ 0.3 đến 1.0, 3.0 mức lương cơ bản.

Chính sự thưởng và phạt không cân bằng là chất xúc tác của mọi tiêu cực phát sinh trong giáo dục hiện nay.

Có phải chúng ta thiếu luật pháp để thưởng hay phạt trong giáo dục?

Xin thưa, không phải, tất cả công dân Việt Nam đều phải thực hiện luật Thi đua khen thưởng, Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự…

Mọi người công tác trong ngành giáo dục là công dân Việt Nam. Vì vậy không thể có luật “khen thưởng” chung cho mọi người, luật “phạt” riêng cho ngành giáo dục.

Nếu chỉ có luật “phạt” riêng cho giáo dục, không có luật “thưởng” riêng, ắt mất cân bằng thưởng phạt; khi đó ngành giáo dục phát triển đúng “chuẩn”, đúng quỹ đạo mong muốn được không? E rằng, quy luật phát triển không có câu trả lời mong muốn!

Thưởng hay phạt, đều có mục đích chung, giáo dục con người trở nên hoàn thiện, theo chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thưởng và phạt trong giáo dục ảnh 3Ép học thêm sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tuyển sinh sai sẽ bị phạt 60 triệu đồng

Trong giáo dục thưởng và phạt lại càng quan trọng hơn, thưởng đúng, phạt đúng, minh bạch rõ ràng, nhân văn, đang cung cấp hạt giống tốt cho người “trồng người”.

Vì thế đừng “tách giáo viên ra khỏi xã hội”, đừng “cô lập họ ra khỏi chuẩn mực đạo đức chung”. Hãy để họ là công dân của đất nước độc lập, tự do.

Nếu muốn giáo viên tốt, họ phải là công dân tốt trước đã; hãy cho họ niềm tin mà hy sinh, mà cống hiến; hãy cho họ đủ sống, để họ chuyên tâm làm công việc của mình.

Bác Hồ từng nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.

Chúng ta không thiếu luật, có nên chăng có thêm luật xử phạt hành chính riêng của giáo viên? Tâm tư, tình cảm của giáo viên liệu có yên không, một khi dạy học mà sợ lỡ lời, một khi hành động mà sợ lỡ tay? Câu trả lời của người viết là không thể yên được.

Vì vậy mong các nhà quản lý, hãy suy nghĩ thấu tình đạt lý, làm yên lòng người dạy, đem lại quyền lợi thiết thực nhất cho người học, mong muốn của mọi công dân nước nhà.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm và góc nhìn của riêng tác giả.

Sơn Quang Huyến