Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?

09/08/2016 07:05
TS.Phạm Thị Ly
(GDVN) - Tuyển chọn Hiệu trưởng là một việc có tầm quan trọng sống còn đối với bất cứ trường Đại học nào. Tại Hoa Kỳ, họ tuyển chọn Hiệu trường khác gì so với Việt Nam?

LTS: Một điểm nhấn quan trọng trong cải cách về quản trị hệ thống của Bộ GD&ĐT hiện nay là tăng cường tự chủ ở cấp trường. Đi cùng với tự chủ tài chính có thể là giảm nguồn đầu tư công cho chi thường xuyên, đó là điều sẽ đặt các trường công trong những thách thức mới. 

Cạnh tranh giữa các trường ngày càng thêm gay gắt. Những điều này sẽ tạo ra động lực để các trường tìm kiếm hiệu trưởng có tài thực sự. 

Bài viết của TS. Phạm Thị Ly (Viện đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục Đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) dưới đây sẽ cho biết những kinh nghiệm tuyển chọn Hiệu trưởng ở Hoa Kỳ.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Vai trò Hiệu trưởng trong Nhà trường

Hiệu trưởng trường Đại học ở các nước phương Tây đặc biệt ở Hoa Kỳ là một vị trí rất quan trọng, vì 3 lý do: 

Thứ nhất
, vì tầm quan trọng của bản thân trường Đại học đối với xã hội. Trường Đại học là nơi dẫn đầu những phát kiến làm thay đổi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; là nơi đào tạo lực lượng nghiên cứu và thực thi nghề nghiệp ở trình độ chuyên môn cao. 

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào? ảnh 1

Biên chế hay hợp đồng trong tuyển dụng giáo viên?

(GDVN) - Lựa chọn giáo viên hợp đồng, xóa bỏ biên chế trong tuyển dụng có thể hạn chế được tình trạng trì trệ, "ngồi nhầm chỗ" của giáo viên!

Trường Đại học còn là cột trụ tinh thần của xã hội, vì nó là nơi giữ gìn, xiển dương những giá trị chuẩn mực có ý nghĩa đối với tiến bộ xã hội và chuyển giao cho thế hệ sau. 

Thứ hai, vì các trường Đại học ở phương Tây có tính tự chủ cao, do đó Hiệu trưởng có vai trò dẫn dắt thực sự đối với nhà trường, như một người lái tàu thực thụ. 

Nhà nước ngoài việc cung cấp tài chính cho các trường công lập, có rất ít vai trò trong việc định ra những quy tắc, luật lệ cho nhà trường. 

Thứ ba, Hiệu trưởng trường Đại học ở Hoa Kỳ, dù là trường công lập hay tư thục, có trách nhiệm rất nặng nề trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm duy trì hoạt động của trường. 

Vì lẽ đó, tuyển chọn Hiệu trưởng là một việc có tầm quan trọng sống còn đối với bất cứ trường Đại học nào. 

Hoa Kỳ không có bất cứ quy định nào về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng


Luật Giáo dục Đại học Việt Nam năm 2012 quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng như sau: 

“(a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm; 

(b) Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng; 

(c) Có sức khoẻ tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng
”. Với trường tư thục, độ tuổi này là không quá 75 (nam) hoặc 70 (nữ).

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào? (Ảnh: VNU)
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào? (Ảnh: VNU)

Trong khi đó Hoa Kỳ không có bất cứ quy định nào của Chính phủ về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng, kể cả đối với trường công lập. 

Mỗi trường tự xác định một bản miêu tả công việc cho vị trí Hiệu trưởng của trường mình, từ đó xây dựng nên những tiêu chí mong muốn để dựa vào đó đánh giá và tuyển chọn ứng viên.

Tiêu chí tuyển chọn Hiệu trưởng của các trường Đại học ở Hoa Kỳ


Mỗi trường có những đặc điểm, sứ mạng và mục tiêu riêng, vì vậy tiêu chuẩn dùng làm căn cứ đánh giá và tuyển chọn ứng viên thường là cực kỳ đa dạng, cũng như bản thân các trường vốn rất đa dạng. 

Điều đáng chú ý là, những tiêu chuẩn này thường có tính chất “mong muốn”, ít khi là những tiêu chuẩn cứng. Ngay cả những tiêu chuẩn nhiều người xem là đương nhiên, hoặc tối thiểu, cho vị trí Hiệu trưởng, như bằng tiến sĩ chẳng hạn, cũng không phải là tiêu chuẩn bắt buộc đối với nhiều trường.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào? ảnh 3

Cứ xử lý thật nghiêm, Hiệu trưởng có dám sai phạm?

(GDVN) - Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ngân sách giáo dục đã trở thành hiện tượng “nở rộ” trong mấy năm gần đây, gây bức xúc trong toàn ngành.

Thường thì thông báo tuyển Hiệu trưởng sẽ có dạng: 

Những phẩm chất mong muốn là:

- Có bằng tiến sĩ với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu;

- Có năng lực đã được chứng minh trong lãnh đạo giáo dục Đại học ở vị trí quản lý cấp cao;

- Có cam kết với chất lượng của nhà trường; với tự do học thuật và cơ chế đồng quản trị;

- Có chuyên môn trong việc quản trị và lập kế hoạch tài chính, có nền tảng vững trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược;

- Có năng lực tương tác tốt, biết chia sẻ tầm nhìn và xây dựng sự đồng thuận với tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp, cựu sinh viên, và giảng viên sinh viên trong trường;

- Có năng lực xuất sắc trong việc gây quỹ”…

Vì sao không có tiêu chuẩn cứng? Về nguyên tắc, không có bất cứ điều gì hạn chế một người ứng tuyển vào vị trí này, kể cả những người mới chỉ có bằng cử nhân. 

Đó là vì, người Mỹ rất trọng nhân tài, và hiểu rằng nhân tài nhiều khi nằm trong số ngoại lệ. Bill Gates là một ví dụ, khi ông thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học. 

Tiêu chuẩn được xem là một công cụ giúp cho việc lựa chọn, chứ không phải là mục đích tự thân, càng không phải là rào cản. Với tư duy thực dụng và trọng hiệu quả, vấn đề là người ấy có khả năng đáp ứng được những mong muốn của nhà trường đến mức độ nào, chứ không phải là người ấy đạt được những bằng cấp hay tiêu chuẩn gì. 

Vậy thì, không có tiêu chuẩn do Nhà nước quy định đã đành, từng trường cũng không xây dựng tiêu chuẩn cứng. 

Điều này liệu có dẫn đến sự tùy tiện, chẳng hạn đưa những người thiếu tư cách và năng lực vào vị trí quan trọng ấy? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ông chủ quán phở cũng có thể trở thành Hiệu trưởng trường Đại học và điều hành nhà trường không khác gì vận hành một cái quán phở?

Quy trình lựa chọn Hiệu trưởng

Khi một trường Đại học cần tìm người thích hợp cho vị trí Hiệu trưởng, sẽ có một hội đồng tìm kiếm (search committee) được thành lập. 

Hội đồng này khoảng từ 9 đến 20 thành viên, bao gồm đại diện của các bên liên quan có ý nghĩa quan trọng nhất đối với nhà trường: nhà tài trợ, hội đồng quản trị, hội đồng khoa học, các nhà quản lý cấp cao, các trưởng khoa, giảng viên, nhân viên, sinh viên và cựu sinh viên. 

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào? ảnh 4

Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai

(GDVN) - Nói về tự chủ trong các trường phổ thông hiện nay, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính.

Chủ tịch hội đồng tìm kiếm này thường là một thành viên của Hội đồng Quản trị đóng vai trò cầu nối giữa Hội đồng quản trị và đại diện của các nhóm liên quan khác.  

Mỗi nhóm sẽ tự bầu chọn người tham gia vào hội đồng tìm kiếm. Các nhà quản lý đương nhiệm không được khuyến khích chiếm tỉ lệ áp đảo trong hội đồng tìm kiếm này, vì quan điểm của họ có thể chỉ phản ánh đường lối hiện tại của nhà trường và cản trở đổi mới. 

Hội đồng cũng có thể mời tư vấn độc lập nếu cần. Họ phải dành thời gian để thảo luận về những vấn đề mà nhà trường đang phải đương đầu, những ưu tiên nào nhà trường nên xác định và hướng đi nào là phù hợp với những cơ hội và thách thức hiện tại của nhà trường. 

Hội đồng này sẽ thảo luận để quyết định nhà trường cần một người lãnh đạo như thế nào, từ đó sẽ biên soạn thông báo, sửa đi sửa lại thông báo cho đến khi nó phản ánh được đầy đủ nhu cầu và mong muốn thực tế của nhà trường với sự đồng thuận của các bên.

Sau đó Hội đồng sẽ soạn ra quy trình, xác định thành phần hồ sơ, hạn chót, và ra thông báo. 

Họ sẽ làm công việc sơ tuyển, tìm kiếm những ứng viên tiềm năng, những người gần nhất với bản miêu tả công việc và những phẩm chất mong đợi của nhà trường, mời họ đến phỏng vấn, và cuối cùng xác định một danh sách chừng ba ứng viên chung kết. Hội đồng Quản trị nhà trường sẽ ra quyết định cuối cùng. 

Hội đồng tìm ứng viên ở đâu? Có thể là đề cử của các thành viên trong trường, của cựu sinh viên, và thông báo trên các phương tiện truyền thông. Cũng có thể tham vấn ý kiến chuyên gia, hoặc của các công ty “săn đầu người”. 

Một điểm cần lưu ý trong quy trình tuyển chọn này là tính bảo mật. Ở đây có một sự xung đột giữa quyền riêng tư cá nhân và quyền được biết của công chúng. Giảng viên nhân viên trong trường cần được biết ngay từ đầu về việc tuyển chọn này, về hội đồng tuyển chọn và quy trình làm việc. 

Nhưng việc tiết lộ danh sách ứng viên có thể sẽ làm nhà trường đánh mất những ứng viên tốt nhất, vì những người đang là lãnh đạo giỏi ở các trường khác sẽ không muốn tên mình xuất hiện trong danh sách này.

Hội đồng sẽ tiến hành xác minh bước đầu về lý lịch tư pháp và về hình ảnh của các ứng viên trong thế giới truyền thông. 

Bước tiếp theo là đánh giá uy tín của ứng viên qua các nguồn thông tin tham khảo. 

Cuối cùng là tiếp xúc với những người liên quan và có khả năng cung cấp thông tin xác thực về ứng viên. 

Hội đồng không chỉ tìm kiếm thông tin qua hồ sơ hoặc tiếp xúc nhân chứng qua điện thoại, mà còn có thể trực tiếp đến nơi ứng viên đang làm việc để tìm hiểu. Vòng đầu Hội đồng chọn ra 15-20 ứng viên, vòng tiếp theo khoảng 8-10.

Phỏng vấn là bước quan trọng nhất, vì tiếp xúc trực tiếp với ứng viên cũng như thăm nơi làm việc của ứng viên và gặp gỡ đồng nghiệp của người ấy sẽ có thể cung cấp những thông tin khó lòng thể hiện trong hồ sơ. 

Ấn tượng và đánh giá bằng trực giác của các thành viên hội đồng là bước cuối cùng sẽ dẫn tới quyết định ứng viên nào nên được đề xuất cho Hội đồng Trường.

Hội đồng tìm kiếm có thể chỉ đề xuất một ứng viên duy nhất, hoặc nhiều hơn. Nhiệm vụ của họ là làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tất cả lương tâm, để tìm ra người thích hợp nhất cho vị trí lãnh đạo nhà trường, và thuyết phục Hội đồng trường vì sao họ đã lựa chọn ứng viên ấy. 

Quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng là quyết định của toàn thể Hội đồng Trường.

TS.Phạm Thị Ly