Bắt đầu từ hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khởi đăng loạt bài về "chiếc phong bì" và chuyện "người thày giáo".
Câu chuyện "phong bì" cũng không còn là điều gì mới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nhưng ở một số góc độ, vẫn là chuyện rất nhạy cảm do đối tượng trao và nhận cái vật trung gian ấy, trong đó có mái trường.
Những bài viết trong loạt bài này chỉ đề cập tới “văn hóa phong bì” trong lĩnh vực giáo dục và được thực hiện, đóng góp bởi chính các thày cô giáo, các chuyên gia giáo dục hàng đầu.
Chúng tôi, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện chức năng "thư ký" gom góp lại với mong muốn xã hội có một cái nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn về chuyện cái "bao thơ" trong trường học, các góc nhìn được và chưa được.
Bạn đọc và các thầy cô, các chuyên gia cũng có thể gửi bài đóng góp, nêu quan điểm, ý kiến cho vấn đề này trực tiếp về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn
Biến tướng?
Từ xưa kia trong xã hội có nhiều người làm thầy: thầy chùa, thầy thuốc, thầy pháp, thầy bói, thầy võ, thầy học hay thầy giáo…tất cả đều được nhân dân gọi là thầy và được kính trọng. Nhưng “Tôn sư trọng đạo” chỉ dùng đối với thầy học (thầy cô giáo dạy học) mà thôi.
Xét sâu sắc hơn, “Tôn sư trọng đạo” là sự tôn kính người thầy học và là tôn trọng đạo lý, lẽ sống ở đời. Sự kính trọng người thầy học là một nét đẹp đạo lý của dân tộc Việt Nam và lâu nay nó trở thành truyền thống tốt đẹp của một xã hội văn minh, hiếu học, trọng đạo làm người.
Thế nhưng, qua năm tháng, qua thời gian và qua từng thời kỳ phát triển của xã hội thì truyền thống này đang ngày một bị biến tướng. Nói biến tướng ở đây không hẳn là phủ định hoàn toàn mà ở khía cạnh nào đó đã làm phai nhạt đi truyền thống ấy.
Ảnh minh họa. Báo Pháp luật VN. |
Không phải mặc nhiên mà người đời cho rằng trong giáo dục lại có nhiều chuyện đáng nói đến thế, vì đây là lĩnh vực trực tiếp ảnh hưởng tới nhân cách, tới lối sống và đạo đức của từng người. Câu chuyện "đi phong bì" cho thầy cô mỗi dịp lễ, tết cũng không còn là điều nhạy cảm như trước kia, mà đã trở thành “đề tài” bàn luận của phụ huynh như vấn đề hàng ngày.
Người viết có dịp tiếp xúc với một số phụ huynh tại Thủ đô Hà Nội những dịp cuối năm lại biết thêm những điều mới, đó là “săn”, “tìm” quà tặng thầy, cô dịp tết đến, xuân về. Nói là qua những nhiều phụ huynh cho rằng cách thể hiện tốt nhất và cũng nhẹ nhàng nhất là đưa phong bì vì ít ai biết được sở thích cụ thể của thầy, cô là gì?
Đưa phong bì là cách lựa chọn đơn giản nhất và gọn gàng nhất, thầy cô thích mua gì thì mua, như vậy đúng với sở thích hơn: “Phong bì cũng không nhiều, chỉ vài ba trăm thôi, gọi là quà tết cho thầy cô đã có công chăm sóc con mình. Mình cũng biết giáo viên mầm non rất vất vả, chuyện tặng quà cho cô cũng là một cách thể hiện, quan trọng là hai người thấy thoải mái và vui vẻ” vị phụ huynh nói.
Thi giáo viên dạy giỏi, sao lại bỏ đi?
(GDVN) - Thi giáo viên dạy giỏi để kích thích thầy, cô dạy học, giáo dục học sinh tốt hơn nữa, không bao giờ chủ quan, tự mãn, bằng lòng với những cái đã đạt được.
Câu chuyện cái phong bì với nhà giáo đặt ra một vấn đề giữa cung và cầu, nhưng cung và cầu ở đây không thể so sánh với hàng hóa bởi có tính chất đặc biệt, nếu cầu thẳng thắn, sống đúng với trách nhiệm và đạo đức thì cung cũng không dám dấm dúi.
Nhưng xét toàn diện xã hội thì chính thói quen đã ăn sâu vào tư duy mỗi người một nếp sống với chiếc phong bì bên cạnh. Vậy chính xã hội làm hư con người hay chúng ta đang tạo ra một thói hư?
Trên một số diễn đàn về nuôi dạy con, các cha mẹ vẫn lập những chủ đề riêng để bàn chuyện đi thầy, đi cô, mua gì cho thầy cô hôm nay sinh nhật, ngày 20/11 hay tết đến rồi nên mua gì tặng cô, tặng thầy? Những câu hỏi đó luôn được bàn luận sôi nổi.
Nhiều nhà giáo thừa nhận rằng, câu chuyện chiếc phong bì là lòng tự trọng của thầy cô hai mặt của vấn đề. Một phần nguyên nhân được chỉ ra là do lương giáo viên thấp, đôi khi phải dạy thêm, phải kiếm thêm từ nguồn này nguồn kia mới đủ sống. Và môi trường đôi khi cũng làm cho con người ta trở nên “trái tính, trái nết” hơn khi bắt mình phải theo một “truyền thống” của những người đi trước, trường hợp này thường rơi vào những thầy, cô trẻ tuổi, mới ra trường.
Nhận phong bì trước mặt học sinh? Chắc chắn chẳng thầy cô nào dám, vì lòng tự trọng và sẽ chịu ánh mắt khinh thường từ nhiều phía. Người viết đã từng chứng kiến tận mắt cảnh phụ huynh dịp 20/11 vừa qua xếp hàng chờ tới lượt vào phòng hiệu trưởng để “tặng quà” tại một trường THPT ở Hà Nội. Quà không thấy đâu chỉ thấy người không, họa chăng có phụ huynh ôm theo bó hoa nhỏ và lần lượt cứ 2 phút/phụ huynh vào lại ra, ra lại vào.
Tâm sự với chúng tôi, một hiệu trưởng của một trường tiểu học trọng điểm ở Q. Đống Đa, Hà Nội cho hay, việc phụ huynh đưa phong bì có lấy hay không là chuyện rất khó nói. Những dịp lễ tết đúng là có quà cho giáo viên, nhưng ở mức độ nào thì tùy vào từng người, từng hoàn cảnh.
“Nhận phong bì của phụ huynh cũng khó mà đưa lại cũng là cả vấn đề, vì cả năm họ mới có dịp tặng quà, mà tặng quà không ai mách nước cho cha mẹ các em phải mua cái gì. Việc nhận phong bì khiến nhiều thầy cô cảm thấy khó xử và cảm giác mình đang bị mua chuộc thứ gì đó rất rẻ mạt” cô giáo này tâm sự.
Để chính học trò là món quà ý nghĩa nhất
Trong cuộc trả lời gần đây trên báo điện tử Một Thế Giới, GS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phụ huynh tuyệt đối không nên tặng “tiền” giáo viên ngày 20/11 cũng như những ngày lễ, Tết khác. Chính những tư tưởng "đi phong bì" của phụ huynh đã và đang làm hư giáo viên hiện nay.
Và ông Thi nhận định, “phong bì” là hình thức biến tướng của quà cáp không chính đáng, là biểu hiện rõ nét của thương mại hóa trong giáo dục… Chuyện phong bì cho thầy cô giáo không còn là điều quá xa lạ, nhưng hãy nhìn lại nguyên nhân, phải chăng một phần do chính phụ huynh đang làm "hư" giáo viên?
Đính chính Điều lệ trường Đại học vừa ban hành vì lỗi...tư duy
(GDVN) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký văn bản đính chính này. Nó là vấn đề của tư duy, chứ không đơn thuần là sơ xuất khi soạn thảo văn bản.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nói thêm, món quà để tri ân các thầy cô tốt nhất nên hội tủ ở 2 yếu tố. Một là, giá trị và ý nghĩa của quà tặng phải phù hợp. Bởi món quà để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng nên giá trị tinh thần phải được đặt lên hàng đầu.
Khi giá trị vật chất của món quà quá lớn, nó sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ ý nghĩa. Đừng quá thiên về vật chất. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa biểu thị lớn sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn nhiều.
Hai là, cách tặng quà và thái độ tặng quà. Sự văn minh, lịch sự, chân thành và công khai minh, bạch sẽ giúp sự tri ân được đúng nghĩa của nó.
“Người tặng phải chính là các em học sinh. Hãy để các em tự lên kế hoạch, tự thiết kế, tổ chức những món quà ý nghĩa cho thầy cô của mình” ông Thi cho biết.
GS. Nguyễn Lân Dũng nói trên tờ Một Thế Giới rằng, người thầy giáo biết tự trọng không ai mong muốn học sinh biểu hiện lòng biết ơn bằng tiền bạc, quà cáp.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống vẻ vang của dân tộc ta. Nhưng để phát huy truyền thống ấy trước hết đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi của từng thầy cô giáo cả về chuyên môn lẫn về tư cách, đạo đức. Phần thưởng lớn nhất đối với chúng ta là hình ảnh còn lưu lại trong những người đã từng gọi ta là Thầy, là Cô” GS. Lân Dũng nhấn mạnh trong câu chuyện bàn về chiếc phong bì.
Bên cạnh những mặt trái của “văn hóa phong bì” như chúng ta đã biết thì còn rất nhiều những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Câu chuyện đi phong bì cho thầy cô những dịp lễ, tết hay nói đơn giản hơn là việc tặng quà thầy cô vẫn là đề tài chưa bao giờ cũ.
Bài tới: Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với chiếc phong bì phụ huynh tặng?