Trung Quốc do thám tàu hải quân Ấn Độ đến Việt Nam tập trận

06/06/2018 08:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Do thám tàu chiến Ấn Độ khi vừa rời Việt Nam, trước đó quấy rối tàu chiến Australia trên đường tới Việt Nam, cho thấy Trung Quốc đang quan tâm điều gì.

Tờ India Today ngày 5/6 cho biết, các "nguồn tin hàng đầu" nói với báo này rằng Trung Quốc đã cố gắng do thám các tàu chiến Ấn Độ khi họ rời Việt Nam sau cuộc tập trận chung.

Tàu chiến tàng hình chống ngầm INS Kamorta rời Việt Nam sau khi tập trận chung với Hải quân Việt Nam trong tuần cuối cùng của tháng Năm, đã phát hiện một tàu chiến Trung Quốc bám đuôi ở khoảng cách an toàn.

Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ nói: "Hải quân Ấn Độ đã có nhiều tương tác với Hải quân Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực huấn luyện, sửa chữa, bảo trì và hỗ trợ hậu cần, nhằm xây dựng năng lực."

3 tàu hải quân Ấn Độ trên đường rời Việt Nam sau cuộc tập trận chung, ảnh: Livefist/Twitter.
3 tàu hải quân Ấn Độ trên đường rời Việt Nam sau cuộc tập trận chung, ảnh: Livefist/Twitter.

Nguồn tin hàng đầu giải thích với India Today lý do tại sao Hải quân Ấn Độ không phản ứng trước động thái do thám, bám đuôi của Trung Quốc:

"Chúng tôi biết mình bị do thám, nhưng chúng tôi đang ở trên vùng biển quốc tế - tài sản chung của toàn cầu, và do đó đã có biện pháp tránh né." [1]

Theo trang Swarajyamag.com, tàu chiến tàng hình INS Sahyadri, tàu chiến tàng hình chống tàu ngầm INS Kamorta và một tàu chở dầu đã thực hiện chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam từ 21 đến 25/5.

Sau khi kết thúc cuộc tập trận chung với Hải quân Việt Nam, 3 tàu chiến Ấn Độ cơ động đến Guam để tham gia cuộc tập trận Malabar với Hoa Kỳ và Nhật Bản từ ngày 7/6 đến ngày 16/6.

Trước đó, ngày 27/5 Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận của Xu Liang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh bình luận về hợp tác hải quân Việt - Ấn.

"Hải quân Ấn Độ - Việt Nam thực hiện một nỗ lực vô ích để giễu võ dương oai" là tiêu đề bài viết, thể hiện sự kèn cựa, khó chịu một cách phi lý của Xu Liang và Thời báo Hoàn Cầu. Tác giả viết:

"Ấn Độ và Việt Nam đã khởi động các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trên Biển Đông vào ngày 21/5 nhằm tăng cường quan hệ song phương.

Chưa đầy 4 tháng trước, họ đã tổ chức cuộc diễn tập chung lần đầu tiên tại Jabalpur ở Madhya Pradesh, Ấn Độ.

New Delhi đã cung cấp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cũng như hệ thống tên lửa phòng không Akash cho Việt Nam.

Tàu INS Kamorta, Ấn Độ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm / TTXVN.
Tàu INS Kamorta, Ấn Độ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm / TTXVN.

Cuộc tập trận hải quân chung được coi là một bước quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. New Delhi đã tiếp cận Việt Nam với sự chú ý nhằm vào Trung Quốc.

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang thăm Ấn Độ từ ngày 2/3 đến 4/3 theo lời mời của Thủ tướng Narendra Modi, chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 7 năm.

Hai bên đã nhất trí mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Ngoài ra, đầu tháng Ba, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn với các cường quốc hàng đầu trong khu vực, bao gồm Việt Nam, cuộc tập trận diễn ra trên quần đảo Andaman và Nicobar.

Cuộc tập trận chung với Hải quân Việt Nam lần này ở Biển Đông sẽ củng cố lập trường của Việt Nam về Biển Đông.

Bằng cách khuấy động Biển Đông đang hòa bình yên tĩnh (?), mục tiêu chính của Ấn Độ là kiềm chế Trung Quốc. 

Không chỉ duy trì căng thẳng dọc biên giới Trung - Ấn, New Delhi còn cung cấp hỗ trợ quân sự cho Việt Nam ngay cả khi bầu không khí thân thiện vừa được tạo nên bởi chuyến thăm của ông Narendra Modi tới Vũ Hán, Trung Quốc.

Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của Ấn Độ.

Trung Quốc do thám tàu hải quân Ấn Độ đến Việt Nam tập trận ảnh 3

Trung Quốc tuyên bố đang triển khai binh lính, vũ khí xuống Hoàng Sa, Trường Sa

Trung Quốc rất vui khi thấy hai nước láng giềng (Ấn Độ, Việt Nam) hợp tác mà không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Ấn Độ không can thiệp vào các tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng dưới chiêu bài chính sách Hướng Đông.

Trong nhiều thập niên, Ấn Độ đã theo đuổi quyền bá chủ ở Nam Á, không chỉ thất bại trong việc giành được uy tín cho mình, mà còn làm suy yếu vị thế của mình.

Chống lại sự can thiệp của Ấn Độ đã trở thành nguồn động lực quan trọng của chủ nghĩa dân tộc ở nhiều quốc gia Nam Á. Điều này xứng đáng được các nhà chiến lược Ấn Độ quan tâm.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho rằng, cuộc tập trận hải quân chung với Việt Nam nhằm mục đích thử Trung Quốc 'hung hăng và bành trướng'.

Nhưng họ cũng cần biết rằng, Trung Quốc đã nhấn mạnh chiến lược ngoại giao tập trung xây dựng mối quan hệ đối tác tốt, láng giềng tốt.

Ấn Độ đã tự tạo nên "mối đe dọa từ Trung Quốc" trong tưởng tượng và họ đã có một lập trường tích cực chống lại Bắc Kinh. 

Họ đã đóng vai trò tích cực trong việc phục hoạt tứ giác an ninh, hay bộ tứ, một diễn đàn an ninh không chính thức gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đưa ra năm 2007 và cuối cùng tan vỡ.

Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với Pháp, Mông Cổ, đã tham gia sâu sắc vào việc tái thiết Afghanistan và chống khủng bố, tham gia xây dựng cảng Chabahar của Iran...

Thật dễ hiểu rằng Ấn Độ háo hức trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Trung Quốc chào đón một Ấn Độ đóng vai trò xây dựng lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, hơn là tìm kiếm lợi ích vị kỷ trả giá bằng hòa bình khu vực.

Ấn Độ nên tích cực tham gia vào phát triển kinh tế châu Á, thúc đẩy hòa bình trong khu vực để trở thành một cường quốc có trách nhiệm khi thúc đẩy chính sách Hướng Đông.

Đừng lúc nào cũng coi Trung Quốc là kẻ thù. Thay vào đó, hai bên hãy tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau có lợi cho sự ổn định lâu dài của cả Trung Quốc và Ấn Độ." [2]

Hành động do thám tàu chiến Ấn Độ trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông sau khi rời Việt Nam mà tàu chiến Trung Quốc làm là minh chứng rõ nhất cho thói giả nhân giả nghĩa mà tác giả Xu Liang rao rảng trên Thời báo Hoàn Cầu.

Ấn Độ không phải quốc gia đầu tiên, trước đó 3 chiến hạm Hải quân Australia trên đường đến Việt Nam cũng đã gặp phải sự quấy rối của tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.

Tất nhiên, điều này không làm nản lòng các quốc gia trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông và hợp tác chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhưng nó cũng cho thấy dã tâm, tham vọng độc chiếm Biển Đông từ hành vi của Trung Quốc, cũng như sự "quan tâm đặc biệt" của nước này với Việt Nam.

Nguồn:

[1]https://www.indiatoday.in/mail-today/story/china-spies-on-indian-warships-as-they-leave-vietnam-after-naval-exercise-1250556-2018-06-05

[2]http://www.globaltimes.cn/content/1104314.shtml

Hồng Thủy