Trời mưa, cô trò dồn lớp
Trường Mầm non Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có tất cả 22 lớp với gần 800 em học sinh. Đóng tại địa bàn rộng, kinh tế lại khó khăn nên hiện cơ sở vật chất của ngôi trường này vẫn chưa được đảm bảo.
Dãy nhà xuống cấp có 3 lớp mẫu giáo lớn học ở điểm trường trung tâm. (Ảnh: T.P) |
Ngay tại điểm trường trung tâm, vì chưa có điều kiện nên có 3 lớp mầm non phải học trong những căn phòng tạm bợ, xập xệ, cứ trời mưa là bị dột, nước hắt vào lớp. Mùa nắng thì hết sức nóng dù bật hết các quạt máy rồi quạt tay…
Được biết, dãy nhà này đã được xây dựng gần 20 năm trước. Vì lâu năm nên hiện tường nhà đã bị bông trốc, cũ kĩ, các cô giáo phải dùng giấy dán quanh dưới chân tường vừa để trang trí lớp học, vừa để “che khuyết điểm”.
Các cô giáo dán tường vừa để trang trí, vừa để che khuyết điểm. (Ảnh: T.P) |
Cô Trần Thị Thu Oanh (một giáo viên dạy lớp lớn) cho biết: “Đêm nào mà trời mưa thì các cô dạy ở dãy nhà này xác định sáng mai phải đến trường sớm để lau dọn, quét nước ra khỏi phòng trước khi các cháu đến học.
Vì phòng học xuống cấp rồi nên các cháu học ở đây rất khổ, trời mưa thì nước dột xuống, trời nắng thì lại nóng. Nhiều lần ngói bị vỡ chúng tôi phải nhờ phụ huynh đến thay giúp. Giờ tôi chỉ mong sao có phòng học mới hơn, đẹp hơn để cô trò bớt khổ”.
Nền bị nứt nẻ. (Ảnh: T.P) |
Theo cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, tại điểm trường trung tâm cơ sở vật chất còn còn thiếu nhiều như: không có công trình phụ, không có nhà kho…
Còn dãy nhà cũ cấp 4 có 4 phòng, gồm 3 phòng học cho 3 lớp lớn và một phòng bếp. Vì quá lâu năm nên giờ các phòng này rất xập xệ, xuống cấp, cô trò dạy học ở đó rất khổ. Nhưng vì khó khăn, không có điều kiện xây phòng học mới nên đành chịu.
Dạy một lớp, hai lớp nghe
Cách điểm trường trung tâm khoảng 7km là các điểm trường thôn 1,2,3 Phúc Khê. Tại đây, vì không có phòng học dành cho lớp mầm non nên cô trò phải học nhờ ở các nhà văn hóa thôn.
Ngăn đôi nhà văn hóa, dạy một lớp mà 2 lớp cùng nghe ở điểm trường thôn 3 Phúc Khê. (Ảnh: T.P) |
Học sinh đông mà nhà văn hóa chỉ có một phòng, có thôn các cô đành phải ngăn đôi ra để dạy. Vì vậy, mỗi cô dạy một lớp nhưng hai lớp có thể nghe thấy cả.
Cô Phan Thị Thanh Huyền (dạy lớp ghép 3+4 tuổi ở thôn 3 Phúc Khê) chia sẻ: “Điểm trường này có đến 70 học sinh chia làm 2 lớp ghép. Vì không có phòng nên chúng tôi đành phải ngăn đôi nhà văn hóa để hai bên hai lớp học.
Nói là hai lớp, nhưng chỉ được ngăn tạm bởi tấm tồn nên mỗi lần dạy một lớp mà hai lớp nghe. Thậm chí, ồn quá nên các em học sinh lớp này đọc lộn, hát lộn sang lớp kia”.
Điểm trường tại nhà văn hóa thôn 1 Phúc Khê. (Ảnh: Thủy Phan) |
Theo cô Huyền, học ở nhà văn hóa nên mỗi lần thôn có việc gì họp hành thì cô trò phải nghỉ. Mà mỗi lần như vậy là các cô lại phải dọn phòng rất mệt. “Tấm ngăn lớn thì phải di chuyển ra ngoài, bàn ghế học sinh xếp lại một bên để kê bàn ghế của thôn. Khi thôn họp xong thì chúng tôi lại phải di chuyển bàn ghế của họ cất vào phía trong, xếp tủ rồi đồ đạc các thứ lại để sắp đồ của mình, lau dọn nhà cửa để các cháu học... Nói chung là vất vả lắm”.
“Biết mình khó khăn nên có cuộc họp gì quan trọng thôn mới họp ở nhà văn hóa, còn không thì họ mượn nhà dân họp để nhường cho các em học sinh. Nhà văn hóa này cũng cũ rồi nên cứ trời mưa là bị dột, nên nếu có mưa là chúng tôi lại dồn các em học sinh lại ở giữa cho khỏi ướt”, cô Nguyễn Thị Nương, (giáo viên ở điểm trường thôn 1 Phúc Khê) nói.
“Lội bùn” đi dạy
Không chỉ chuyện “học nhờ, học tạm” mà muốn đi vào các điểm trường, các cô giáo phải đi quan những đoạn đường rất khó khăn.
Đường đến trường dạy học của các cô giáo mầm non Phúc Trạch. (Ảnh: T.P) |
Lúc chúng tôi đến là khi trời vừa dứt cơn mưa, con đường từ trung tâm xã Phúc Trạch đi vào thôn 1,2,3 Phúc Khê trở nên rất lầy lội. Đoạn đường khoảng 7km nhưng có trên 3km là phải đi như lội giữa bùn lầy. Các cô giáo và người dân nơi đây vẫn nói với nhau rằng, “đi trên đường mà như lội giữa bùn”.
“Các cô chân yếu tay mềm, đi đường này phải vững chứ không là ngã lúc nào không hay. Đường trơn lắm, xe tải lại chạy nhiều nên rất lầy lội, nhiều cô chạy qua đường này xe bị trượt bánh và ngã rồi. Trời mưa là vậy, còn trời nắng thì lại bụi đến mù mắt”, cô Thúy, giáo viên dạy ở điểm trường thôn 3 Phúc Khê bày tỏ.
Nhà văn hóa trở thành lớp học "bất đắc dĩ". (Ảnh: T.P) |
Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Trạch cho biết: “Nhà trường cũng đặt ra tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 trường đạt chuẩn Quốc gia, nhưng hiện tại cơ sở vật chất thiếu thốn như thế này thì khó mà đạt được. Giờ trước mắt, chúng tôi chỉ mong muốn các cháu học sinh có phòng đảm bảo chất lượng để học.
Về vấn đề thiếu phòng học, rồi phòng học xuống cấp, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, nhưng vì trên địa bàn có quá nhiều điểm trường, xã cũng khó khăn nên không không đáp ứng được”, cô Nhung nói.