Trường tư thục ở Sài Gòn không phải lo lắng như Hà Nội

04/04/2018 06:09
Phương Linh
(GDVN) - Theo thầy Trần Anh Dũng, nếu bắt trường tư thục tuyển sinh cùng đợt với trường công lập, thì sẽ rất khó cho trường tuyển đủ học sinh.

Khác với quy định tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, nhiều năm nay Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng quy chế tuyển sinh đầu cấp ở các trường tư thục (khoảng gần 100 trường các cấp) hoàn toàn thoải mái, nói cách khác là cởi trói, ít ràng buộc hơn so với các trường công lập.

Thầy Trần Anh Dũng – phụ trách công tác tuyển sinh của Trường trung học phổ thông Nhân Việt, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thông thường, vào khoảng tháng 3 hàng năm, nhà trường sẽ có văn bản trình Sở Giáo dục và Đào tạo kế hoạch tuyển sinh của năm học tới, trong đó có việc xin công nhận hội đồng tuyển sinh của nhà trường, đề xuất chỉ tiêu tuyển của trường.

Dựa trên chỉ tiêu đề xuất này, Sở Giáo dục sẽ về trường khảo sát cơ sở vật chất, phòng học, giáo viên, rồi có văn bản đồng ý (hay không) với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Mỗi năm, Trường Nhân Việt có 2 đợt tuyển sinh, trong đó có đợt vào đầu tháng 1 hàng năm (ảnh: P.L)
Mỗi năm, Trường Nhân Việt có 2 đợt tuyển sinh, trong đó có đợt vào đầu tháng 1 hàng năm (ảnh: P.L)

Đối với Trường Nhân Việt, mỗi năm học sẽ có 2 đợt tuyển sinh. Đợt 1 là bắt đầu từ ngày 15/5 đến ngày 15/8, còn đợt 2 (học sinh 2) bắt đầu từ ngày 1/1 đến 15/1 (năm sau).

Trước ngày nhận hồ sơ, phụ huynh thường đến trường tham quan, gặp cán bộ tư vấn để hỏi thông tin. Thường thì nếu quan tâm, chú ý đến trường thì phụ huynh sẽ nộp đơn xin học, hồ sơ bản photo trước, rồi khi quyết định học, họ mới nộp hồ sơ (bản chính) cho học sinh sau.

Theo thầy Trần Anh Dũng, các điều kiện và thời gian tuyển sinh của nhà trường hoàn toàn không bị bó buộc như các trường công lập, mà do hội đồng tuyển sinh của nhà trường quyết định, chứ Sở không bắt buộc.

Học sinh Trường Nhân Việt trong một sự kiện do nhà trường tổ chức (ảnh: CTV)
Học sinh Trường Nhân Việt trong một sự kiện do nhà trường tổ chức (ảnh: CTV)

Cụ thể, ở Trường Nhân Việt, học sinh muốn vào trường học phải có điểm trung bình 3 môn Toán, Lý, Hóa hay Toán, Văn, Anh từ 6,0 đến 7,0 trở lên (tùy theo khối lớp).

Ngoài ra, học sinh còn phải trải qua một bài kiểm tra để xếp lớp phù hợp với năng lực học của mình. 

Phụ huynh như "ngồi trên lửa" vì trường tư thục mãi chưa được tuyển sinh

Với học sinh vào học lớp 10, không nhất thiết phải tham dự kỳ thi tuyển sinh mà chỉ cần có học bạ, với bảng điểm học của năm lớp 9 là đủ.

Thầy Trần Anh Dũng nhấn mạnh: Không bị ràng buộc quá nhiều bởi các quy định tuyển sinh như trường công lập, rõ ràng đó là một sự thuận lợi cho các trường tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nếu tuyển sinh cùng đợt với các trường công lập, chắc chắn các trường tư thục sẽ rất khó có thể tuyển đủ học sinh” – thầy Dũng nói tiếp.

Đối với trường tư thục, nơi nào cũng xác định rằng, tuyển sinh là công việc trọng tâm, ưu tiên số 1, nên tuyển sinh tốt, học sinh nhiều thì nhà trường mới có thể phát triển được.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo diễn ra từ 8h30-11h ngày 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn

– Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569.666
Phương Linh