Năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục thi theo hình thức đánh giá năng lực. Cấu trúc đề thi năm 2016 được dự đoán không khác so với năm 2015.
Cụ thể, phần Tư duy định lượng Toán học (80 phút) bao gồm: Đại số, Hình học, Giải thích, Thống kê và xác suất sơ cấp. Phần tư duy định tính Ngữ văn (60 phút) là những dữ liệu liên quan nhiều lĩnh vực trong đời sống như Văn học, Ngôn ngữ (từ vựng – ngữ pháp), Văn hóa, Lịch sử, Địa lý.
Phần tự chọn, thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung là tư duy định lượng (Kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tư duy định tính (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Bùi Tuấn/giaoduc.net.vn) |
Nếu như bài thi Đánh giá năng lực 2015 có tổng 140 điểm (tương ứng 140 câu hỏi) thì đề thi năm 2016 sẽ phân hai loại rõ rệt: Câu khó chiếm số điểm cao, câu dễ điểm thấp.
Hiện nay, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được 7 trường, 5 khoa (thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội) công nhận và sử dụng.
Trong kỳ thi 2016, trường đã có công văn đồng ý cho một số trường đại học ngoài hệ thống sử dụng kết quả Đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh.
Đại học FPT cũng nhiều năm tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực thông qua bài viết luận và thi trắc nghiệm. Trong năm 2016, nhà trường sẽ đổi mới hình thức thi với 100% thí sinh làm bài trên máy tính.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng thực hiện theo phương án thi môn năng khiếu (hai phần trắc nghiệm và tự luận) với chuyên ngành báo chí trong năm 2015 và tiếp tục thực hiện năm 2016. Với những thí sinh dự tuyển ngành Báo ảnh, Truyền hình, Quay phim sẽ phỏng vấn trực tiếp.
Đại học Luật TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực.
Trong phần kiểm tra năng lực, học sinh cần hiểu biết các nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); Kiến thức về pháp luật và tư duy logic, Khả năng lập luận của thí sinh.
Bài kiểm tra chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường.