LTS: Phản ánh những nghịch cảnh trong việc tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương, tác giả Kiên Trung cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh linh động giữa thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10.
Theo đó, những địa phương đông thí sinh thì áp dụng hình thức thi tuyển còn những địa phương ít thí sinh nên sử dụng hình thức xét tuyển để tránh tốn kém thời gian, công sức và tiền của.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đầu tháng 6 này, nhiều địa phương đã tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập cho học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở ở những khu vực có số lượng, tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi lớn hơn 1,2 so với chỉ tiêu được giao.
Nhưng do mật độ phân bố dân cư không đồng đều, số lượng học sinh học xong lớp 9 biến động theo từng năm nên có tình trạng nơi nhiều, nơi ít học sinh.
Nhiều khu vực, nhiều trường số thí sinh đăng ký dự thi khá lớn, phải loại ra hàng trăm em, tìm cơ hội trúng nguyện vọng 2 ở các trường khác trên địa bàn…
Và cũng có không ít khu vực, trường lại thưa vắng, số thí sinh đăng ký dự thi không đủ so với chỉ tiêu cấp trên giao, phải trông chờ vào diện thí sinh trúng nguyện vọng 2 ở trường khác.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 xảy ra nhiều nghịch cảnh giữa các địa phương. (Ảnh: Thuỳ Linh) |
Sự so le, nơi ít, nơi nhiều thí sinh nảy sinh bao nhiêu nghịch cảnh.
Khu vực, hội đồng thi tuyển sinh dồi dào học sinh dự thi thì nhà trường, thầy cô giáo nơi ấy ung dung, thoải mái, tha hồ lựa chọn cho mình được khá nhiều thí sinh có chất lượng tốt để giáo dục, dạy dỗ.
Trong khi đó, các trường số lượng thí sinh dự thi ít hơn so với chỉ tiêu thì lo ngay ngáy vừa sợ thiếu học sinh vừa càng không trông mong vào chất lượng đầu vào được cải thiện.
Tuy được thêm nguyện vọng 2 nhưng chưa chắc nhận đủ học sinh ở những khu vực khác đến học vì quá xa nhà, vì vướng điểm trúng nguyện vọng 2 phải cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn trúng nguyện vọng 1 ở trường đó.
Ở trường đông thí sinh dự thi, các thí sinh, phụ huynh thường có áp lực, căng thẳng, hồi hộp, chờ đợi, thậm chí một số phụ huynh phải “đi đêm”, chạy vạy, gửi gắm thầy cô giáo làm lãnh đạo hội đồng, giám thị coi thi “hà hơi”, giúp sức cho con em.
Một thí sinh nhờ thi hộ trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội |
Ở trường ít thí sinh dự thi, thiếu chỉ tiêu thì các thí sinh khỏe re, học hành, ôn luyện sơ sơ đến ngày đi thi, làm bài không bị điểm liệt (dưới điểm 1) là được; còn phụ huynh thì vô cùng nhàn hạ, chẳng cần phải lo lót, chạy chọt giám thị nào cả.
Trong quá trình tổ chức coi thi cũng có những biểu hiện trái khoáy.
Ở hội đồng đông học sinh dự thi thì nhà trường, sở tại bất cần, luôn yêu cầu, giám sát giám thị coi thi nghiêm túc, đúng quy chế.
Ở hội đồng thiếu hụt chỉ tiêu thì lại nhã nhặn, tình cảm, mời cơm, mời nước chu đáo và luôn trông mong thầy cô giáo, cán bộ, giám thị các trường bạn đến làm nhiệm vụ coi thi nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho các em trong từng phòng làm bài được tốt.
(Vì nếu coi khó, đúng quy chế thì nhiều thí sinh sẽ bị điểm liệt, nhà trường càng khó khăn trong tuyển sinh, mà thiếu chỉ tiêu còn ảnh hưởng đến kinh phí, biên chế của đơn vị… ).
Những khó khăn, nỗi niềm của một số trường trung học phổ thông công lập ở khu vực xa trung tâm, dân cư thưa thớt nay mới có dịp “bật mí”, bộc bày để giúp độc giả cả nước, các cấp quản lý giáo dục hiểu thêm về những nghịch cảnh “tự nhiên” khi thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo tôi, một số trường như vậy, các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo không cần yêu cầu tổ chức thi tuyển sinh mà chuyển sang hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ và các thành tích khác của thí sinh, giảm được nhiều công sức, thời gian và chi phí của các đối tượng: phụ huynh, học sinh, nhà trường và Nhà nước.