Việt Nam đã vượt số lượng trường đại học theo mục tiêu đề ra

11/12/2018 11:41
Thùy Linh
(GDVN) - Từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 đề ra 12 trường đại học.

Năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 37 về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, giai đoạn 2006-2020. 

Theo Quyết định 37, đến năm 2020, cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá kết quả đổi mới giáo dục đại học và sau đại học. 

Theo đó, về quy mô, mạng lưới, cơ cấu ngành nghề: Đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh) trong đó bao gồm 171 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài). 

Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 đề ra 12 trường đại học.

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 đề ra 12 trường đại học.(Ảnh minh họa: Tiền phong)
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 đề ra 12 trường đại học.(Ảnh minh họa: Tiền phong)

Trong Quyết định 37 cũng nêu rõ, quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng được xác định trên cơ sở đảm bảo các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, ký túc xá sinh viên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý nhà trường...,

Đồng thời được cân đối phù hợp với đặc điểm của các trường, ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo và năng lực quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. 

Quyết định đưa ra định hướng quy mô đào tạo của các nhóm trường đại học, cụ thể: 

- Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: khoảng 42.000 sinh viên;

- Các trường đại học trọng điểm khác: Khoảng 35.000 sinh viên;

- Các trường đại học, học viện đào tạo các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, luật, sư phạm và các lĩnh vực khác có gắn với kinh tế - kỹ thuật: Khoảng 15.000 sinh viên quy đổi;

- Các trường đại học, học viện đào tạo các ngành nghề y tế, văn hóa - xã hội: Khoảng 8.000 sinh viên;

- Các trường đại học, học viện đào tạo các ngành năng khiếu: Khoảng 5.000 sinh viên;

- Các trường cao đẳng đa ngành, đa cấp: Khoảng 8.000 sinh viên;

- Các trường cao đẳng đào tạo theo lĩnh vực công nghệ và trường cao đẳng cộng đồng: Khoảng 5.000 sinh viên;

- Các trường cao đẳng đào tạo các ngành năng khiếu: Khoảng 3.000 sinh viên.

Đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên. 

Việt Nam đã vượt số lượng trường đại học theo mục tiêu đề ra ảnh 2Vai trò, vị trí của giáo dục đại học tư thục được thể hiện ra sao theo Luật mới?

Thế nhưng tính đến năm học 2017-2018, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ riêng quy mô đào tạo sinh viên đại học đã đạt trên 1,7 triệu sinh viên (cụ thể 1.707.025 sinh viên, trong đó 1.439.495 sinh viên công lập, 267.530 sinh viên ngoài công lập), chưa kể quy mô đào tạo hệ cao đẳng thuộc Tổng cục dạy nghề. 

Vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua là nội dung đang được dư luận quan tâm. 

Một số chuyên gia cho rằng, đưa vào luật việc quy hoạch mạng lưới trường đại học trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường đại học có thể bứt phá phát triển hoặc sáp nhập một số trường đại học tạo nên những đại học mạnh.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Phú Xuân cho rằng, việc quy hoạch chỉ nên áp dụng cho khối trường công lập do Nhà nước quản lý còn các trường ngoài công lập hoạt động theo nhu cầu thực tế của thị trường thì không nên áp dụng điều này.  

Khi phóng viên đặt băn khoăn rằng, hiện nay việc quy hoạch các trường nhỏ, trường yếu là vấn đề khó xét cả ở khía cạnh tâm lý xã hội và tính phức tạp do Việt Nam có nhiều loại hình trường, trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau thì Tiến sĩ Đàm Quang Minh nêu quan điểm:

Trước tiên chúng ta nên bỏ bộ chủ quản là các cơ quan quản lý nhà nước, việc Bộ Công thương, Bộ y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay Bộ Lao động, Thương binh và xã hội… đều có các trường đại học là không hợp lý. 

“Chúng ta nên quy hoạch mạng lưới đại học theo chức năng đào tạo: đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và thực hành.

Đồng thời ghép Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách chính các phần nghiên cứu ở các trường đại học nhằm giảm bớt các viện nghiên cứu không thuộc các trường đại học.

Các đơn vị nghiên cứu thuộc các Bộ cũng nên chuyển về các trường đại học nghiên cứu nhằm tận dụng tối đa năng lực nghiên cứu của đội ngũ này hỗ trợ cho việc đào tạo”, vị này kiến nghị. 

Hơn nữa, cũng theo ông Minh, trong thời gian chờ quy hoạch chúng ta vẫn nên tiếp tục cho phép mở các trường đủ điều kiện, đồng thời đóng cửa các trường kém hiệu quả chứ quy hoạch không phải là hạn chế mở mới. 

Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 cũng đưa ra nhiệm vụ đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang.

Thùy Linh