LTS: Thông tư 16 quy định cụ thể cơ sở giáo dục không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.
Từ đó, chia sẻ về Thông tư 16 - vũ khí sắc bén chống lạm thu, tác giả Sơn Quang Huyến đã có bài viết gửi tới độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước nạn lạm thu đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018: Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nội dung thì dài tựu trung có năm vấn đề, người đọc, phụ huynh học sinh cần quan tâm nhất đó là:
Hình thức tài trợ: Tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Kế hoạch tài trợ: Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo Phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo Sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.
Đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học, kế hoạch vận động tài trợ phải trình Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị phê duyệt trước khi vận động tài trợ và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Quy định Ban đại diện hội Cha mẹ học sinh: Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Quy định quản lý, giám sát tài trợ: Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục.
Quy định xử lý vi phạm: Người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Như vậy, nội dung thông tư đã thỏa mãn mong đợi của dư luận quần chúng nhân dân trước nạn lạm thu gồm:
Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục, không thể đứng ngoài nạn lạm thu.
Trách nhiệm xảy ra lạm thu, không phải là Ban đại diện cha mẹ học sinh, mà chính là người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Xử lý sai phạm, xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh không còn là cái khiên che chắn.
Nguồn tài trợ giáo dục, được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch như là nguồn ngân sách nhà nước.
Đóng góp tài trợ không mang tính cào bằng, hoàn toàn tự nguyện. Ban đại diện cha mẹ học sinh không còn là “chủ nợ với phụ huynh học sinh”.
Cần phải có biện pháp giải quyết triệt để vấn nạn lạm thu đầu năm học (Ảnh minh họa: congannghean.vn) |
Thế nhưng, lạm thu vẫn có muôn vàn cách lách luật để lạm thu, quan trọng nhất ai sẽ phổ biến kế hoạch tài trợ, theo dõi người ủng hộ, danh sách học sinh chưa ủng hộ vẫn hằng ngày, hằng tuần được công bố đến lớp, đến phụ huynh học sinh.
Nếu hiệu trưởng lạm thu làm vậy, liệu Thông tư 16 có còn tác dụng?
Phụ huynh nào “đủ dũng cảm” để thực hiện đúng tinh thần “tự nguyện”, khi mà hàng ngày con trẻ thông báo “mình chưa đóng tiền… hả mẹ?”.
Vì vậy, để Thông tư 16 thực sự là vũ khí sắc bén chống lạm thu vì học sinh thân yêu, phải nghiêm cấm mọi hành vi nhắc nhở học sinh, phụ huynh đóng tài trợ dưới mọi hình thức.
Có như vậy, “tài trợ” mới thực sự tự nguyện, dân chủ, công bằng, văn minh, lịch sự.
Tài liệu tham khảo:
https://download.com.vn/docs/thong-tu-16-2018-tt-bgddt/download