LTS: Tiếp tục bàn luận về vấn nạn lạm thu đầu năm học - một vấn nạn xấu trong ngành giáo dục, thầy giáo Sơn Quang Huyến đưa ra bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Rất nhiều tỉnh, thành đã có công văn, chấn chỉnh lạm thu đầu năm. Nào là giới thiệu các số điện thoại nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, không cho phép giáo viên thu chi các khoản tiền trong lớp học...
Nhưng vẫn còn đó các hình thức lạm thu mang mỹ từ “tự nguyện” như ở Hải Phòng… Mới đây nhất, tỉnh Bình Phước đã kỷ luật một hiệu trưởng lạm thu qua phản ánh từ đường dây nóng.
Vì lợi ích thu được từ “lạm thu”, nhiều hiệu trưởng đủ trăm phương, ngàn kế để lách luật, để tránh “lạm thu” nhưng vẫn là lạm thu.
Vấn nạn lạm thu đầu năm học (Ảnh minh họa: petrotimes.vn). |
Thực chất phía sau của “lạm thu”, là tham nhũng, lừa đảo phụ huynh học sinh.
Núp bóng “Ban đại diện cha mẹ học sinh” đã không còn an toàn, sau khi ban chấp hành hội đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình; báo chí vạch mặt, chỉ tên, không ít hiệu trưởng lạm thu đã bị xử lý.
Thế nhưng lạm thu đã đổi màu, núp bóng dưới các mánh khóe khác. Với “xã hội hóa” cần kế hoạch cụ thể, rườm rà, trình ký, chờ duyệt.
Vì thế “bài ca tự nguyện” sẽ được cất vang ngay từ đầu năm học, nào là phụ huynh tự nguyện mua máy chiếu, máy tính, tự nguyện ráp điều hòa, tự nguyện mua sách giáo khoa, sách tham khảo… tất cả đều tự nguyện vì nhà trường.
Đã là tự nguyện thì không được bổ đồng, không được quy định số tiền ai đóng cũng như ai.
Chỉ cần có danh sách đóng góp không giống nhau, cấp trên sẽ nhận xét “đúng tự nguyện”.
Quá dễ để hoàn thành hồ sơ “tự nguyện”, xin mời “thanh kiểm tra” cứ tự nhiên, “hồ sơ em đẹp như mơ”.
Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay |
Hiệu trưởng lạm thu chia “tự nguyện” thành vài khoản khác nhau, lập bảng, cho phụ huynh ký tên ủng hộ, ghi phiếu thu cùng một số tiền.
Trên bảng thu, kế toán ghi số tiền mỗi khoản sao cũng được, sao cho không ai giống ai trên một cột, miễn là hàng ngang có tổng bằng tiền “tự nguyện của phụ huynh”.
Với cách làm này, không có phụ huynh nào có số tiền đóng cho mỗi khoản bằng nhau, mỗi khoản có hồ sơ riêng.
Khi kiểm tra, từng khoản tự nguyện, không có ai đóng giống nhau cả, không có hiện tượng bổ đầu cho mỗi khoản.
Với “bài ca xã hội hóa”, hiệu trưởng đã chuẩn bị kế hoạch từ trong hè, thường là các dịch vụ giáo dục có văn bản quy định như: dạy thêm trong nhà trường…. Các hoạt động giáo dục khác: học ngoại ngữ với người bản địa, học kỹ năng sống…
Vì tương lai của học sinh, đầu tư cho giáo dục là đầu tư rẻ nhất… Tất cả những hoạt động “xã hội hóa” đó, nhà trường chỉ thu hộ, trả hộ, cầu nối giữa nơi cung cấp dịch vụ với học sinh, không vụ lợi, học sinh nào khó khăn nhà trường liên hệ để giảm đóng góp.
Ôi, sao mà “vì học sinh thân yêu” quá đi mất. Thực chất phía sau các dịch vụ, đó là “hoa hồng đỏ thắm” không dưới 25%.
Để giảm thiểu tình trạng lạm thu, cần có đủ kinh phí cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, để hiệu trưởng không còn căn cứ thiếu kinh phí.
Lạm thu là lừa đảo học trò và cha mẹ các em, không gì biện minh được |
Các cơ quan chủ quản, có danh mục cụ thể cho các khoản tự nguyện đóng góp của người dân và xã hội hóa một cách tách bạch, cụ thể, không để sự giao thoa giữa tự nguyện và xã hội hóa.
Mọi khoản thu từ phụ huynh học sinh phải được cấp trên phê duyệt. Nếu cấp trên phê duyệt sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nếu nhà trường thu ngoài các khoản đã phê duyệt, hiệu trưởng chịu trách nhiệm hoàn toàn, giáo viên không được thu bất cứ khoản tiền nào từ học sinh.
Công khai, minh bạch thu, chi các khoản từ phụ huynh. Lắp ráp máy tính, máy chiếu, máy lạnh… phải công khai đấu thầu, quản lý nguồn quỹ này như là nguồn ngân sách nhà nước.
Nếu tổng số đóng góp tự nguyện mà bằng nhau, dù các khoản không giống nhau, vẫn là lạm thu.
Với các dịch vụ cho giáo dục, phải có cơ quan thẩm định giá dịch vụ, đấu thầu công khai minh bạch cho cả huyện hoặc tỉnh.
Kiên quyết xử lý dứt điểm, giáng chức, đuổi ra khỏi ngành những hiệu trưởng lạm thu, trả lại mùa thu trong sáng cho giáo dục.