Đặt câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ, Đại biểuDương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu: Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo lộ trình Nghị quyết 44 của Chính phủ đến năm 2016 phải ban hành 14 đề án.
Tuy nhiên theo báo cáo tổng hợp thẩm tra của Tổng thư ký Quốc hội số 2268 tiến độ xây dựng đề án chậm so với kế hoạch đề ra đến nay mới ban hành trên 14 đề án. Xin cho biết nguyên nhân và đến thời gian nào ban hành 4/14 đề án còn lại?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội chiều 30/10. ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong 4 đề án thì báo cáo Quốc hội là có một đề án được phân công cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục nghề.
Còn ba đề án Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chuẩn bị thì cũng rất may là đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông được Thủ tướng ký hôm qua. Như vậy, xong được một đề án.
Tích hợp sẽ giảm tải hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh? |
Cũng về đề án này, 3 năm trời làm việc không nhớ bao nhiêu lần với các bộ ngành địa phương để tạo được những điều kiện rất căn bản cho cơ sở vật chất của các trường mầm non, phổ thông, đặc biệt là dạy 2 buổi 1 ngày đối với mầm non và tiểu học.
Hiện nay còn thiếu 15% đối với mầm non và 20% đối với tiểu học là chưa có 2 buổi 1 ngày, chủ yếu ở các tỉnh khó khăn miền núi. Thiết bị thì còn thiếu 40% nữa.
Đề án này để giải quyết 1 phần và thiết kế theo hướng khung để theo đó các địa phương triển khai.
Số tiền mà ngân sách Trung ương cấp, cụ thể hiện nay là Bộ Tài chính chỉ chủ yếu dành cho các vùng khó khăn. Đề án này coi như xong về mặt phê chuẩn.
Đề án thứ hai, chúng tôi cũng đã đề án về quy hoạch mạng lưới đào tạo giáo viên và các trường đại học. Chúng tôi cũng đã rà soát, trình nhưng vừa có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 18 cho quy hoạch, quy hoạch ngành quốc gia thì chúng tôi cũng đã trình Chính phủ và đang triển khai để phù hợp với đợt quy hoạch và sẽ triển khai trong đầu năm tới.
Đề án thứ ba, đề án huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo và dạy nghề năm 2015 - 2020. Chúng tôi đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý chuyển thành nghị quyết và trình dự thảo nghị quyết vào ngày 28/9/2018. Hiện nay chỉ còn đề án quy hoạch mạng lưới đợi triển khai.
Ông Nhạ nói thêm: "Vấn đề giáo viên, chúng tôi rất cảm ơn Bộ Nội vụ đã chia sẻ triển khai. Chúng tôi cũng đề nghị về cơ sở vật chất vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục, trách nhiệm trước hết là về tài chính, kế hoạch đầu tư và chủ yếu các địa phương.
Chúng tôi có trách nhiệm rà soát quy chuẩn trường lớp ban hành tới đây theo đó hướng dẫn các địa phương quy hoạch.
Còn xây dựng cơ sở vật chất trường lớp thiếu, thiết bị thiếu,đề nghị các bộ đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm và các địa phương cùng quan tâm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới triển khai thành công Nghị quyết 88 đổi mới chương trình sách giáo khoa".