550 giáo viên của tỉnh Đắk Lắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động trong tháng 8

23/08/2018 06:30
Phương Linh
(GDVN) - Đây là số giáo viên của huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được tuyển dụng theo dạng hợp đồng, nhưng được xác định là dôi dư gây xôn xao thời gian vừa qua.

Liên quan đến vụ việc hơn 550 giáo viên các cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở) bị dôi dư của huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk vừa chính thức yêu cầu, các trường thuộc huyện quản lý cần chấm dứt hợp đồng lao động với số giáo viên này trong tháng 8.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp nữ giáo viên đang mang thai, hay nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì cần tiến hành theo dõi, khi nào con đủ 12 tháng tuổi trở lên thì tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong tổng số 578 giáo viên được xác định là dôi dư, có 370 thầy cô đã có vị trí hợp đồng lao động, còn lại là các trường hợp không có vị trí tuyển dụng.

Một trong số hàng trăm giáo viên của huyện Krông Pắk bị chấm dứt hợp đồng lao động đợt này (ảnh: P.L)
Một trong số hàng trăm giáo viên của huyện Krông Pắk bị chấm dứt hợp đồng lao động đợt này (ảnh: P.L)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk – ông Phạm Đăng Khoa qua trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã cho biết, trong đợt thi tuyển viên chức hồi tháng 6/2018, có 28 người trong tổng số các nhân sự này đã trúng tuyển.

Như vậy, sẽ có 550 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động tại các trường trong tháng 8 này. 

Khiển trách Bí thư và Chủ tịch huyện Krông Pắk để xảy ra hàng trăm giáo viên dư

Những giáo viên hợp đồng nào có vị trí xét tuyển, tỉnh sẽ rà soát, phân loại hợp đồng, và sẽ chi trả tiền trợ cấp cho giáo viên đúng theo quy định, thực hiện trong tháng 8 này.

Còn đối với giáo viên hợp đồng không có vị trí xét tuyển, trên cơ sở cân đối ngân sách của huyện, huyện sẽ chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giáo viên, để chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định, thực hiện xong trong tháng 10.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ có báo cáo kết quả tới Thanh tra Chính phủ, ngay sau khi huyện hoàn thành công việc này.

Trước thông tin thời gian gần đây, người dân tỉnh Đắk Lắk xôn xao việc tỉnh xin gần 2.000 chỉ tiêu biên chế cho giáo dục, y tế lên Bộ Nội Vụ, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk xác nhận thông tin này là đúng.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh Đắk Lắk nói rằng, trong tổng chỉ tiêu xin này, chỉ có chưa đến 60 chỉ tiêu là biên chế của ngành giáo dục, còn lại là chủ yếu của ngành y tế.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề, như vậy có cơ hội nào cho số giáo viên của huyện Krông Pắk bị chấm dứt hợp đồng lao động trong đợt này không, ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ: Chưa đến 60 chỉ tiêu biên chế, chia cho toàn bộ các huyện, thành phố, nên tính ra thực tế chắc cũng không được bao nhiêu.

Về vụ việc xảy ra tại huyện Krông Pắk, Ban Thường vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã yêu cầu kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh.

Nguyên nhân là do đã thực hiện việc thanh kiểm tra, nhưng không phát hiện sai phạm trong hợp đồng lao động ở huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không tham mưu tỉnh có phương án xử lý kịp thời.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk còn thi hành kỷ luật mức độ khiển trách đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk – ông Y Suôn Byă, do ông này biết giáo viên đã dôi dư rất nhiều, nhưng đầu năm 2016 vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng lao động với gần 200 giáo viên.

Phương Linh