Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm?

01/01/2019 02:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc giảm giờ học, giảm tải kiến thức có tránh việc các em không phải đi học thêm bất chấp giờ giấc, bất chấp ngày nghỉ hay lễ, tết như hiện nay?

LTS: Đặt ra câu hỏi "sau khi áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm?", nhà giáo Phan Tuyết đã có những chia sẻ thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được công bố. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2020-2021 sẽ được triển khai đầu tiên ở lớp 1 cấp tiểu học. 

Chương trình mới được đánh giá đã giảm giờ học, giảm những kiến thức hàn lâm (ở cả ba cấp) so với chương trình cũ. 

Vấn đề được đặt ra “giảm giờ học, giảm tải kiến thức có tránh việc các em không phải đi học thêm bất chấp giờ giấc, bất chấp ngày nghỉ hay lễ, tết như hiện nay?

Nhưng xem chừng câu trả lời “vẫn còn xa lắm”.

Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm? (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).
 Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm? (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).

Học sinh 3 bậc học đã học 2 buổi/ngày nhưng học thêm vẫn quá tải
Chương trình mới được xây dựng ở cấp tiểu học là học sinh được học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần). 

Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh để nâng cao chất lượng học tập, trang bị thêm nhiều kiến thức về kĩ năng sống. 

Đồng thời hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm đang tràn lan như hiện nay.
Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện cấp tiểu học đã có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. 

Bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng đã triển khai dù số lượng học sinh học 2 buổi/ngày có ít hơn. Điều ghi nhận từ thực tế, học sinh được học 2 buổi/ngày chịu áp lực nhiều hơn trong việc học. 

Nghe có vẻ vô lý nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Nếu như trước đây, khi các em chỉ học một buổi trên trường, buổi còn lại đi học thêm thì vẫn còn nguyên buổi tối được nghỉ ngơi, thư giãn.

Nay dù học trên trường thêm một buổi nữa thì tối về các em vẫn phải đi học thêm. Em học ít thì học thêm một ca, có em học luôn hai ca một buổi để tiết kiệm thời gian. Vì những lẽ đó, việc học đã trở nên áp lực hơn rất nhiều.

 Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm? ảnh 2Sau đây, con em chúng ta sẽ học theo Chương trình mới này

Không thể không học thêm

Đã có không ít người cho rằng “học cả ngày trên trường đã đủ rồi, sao cần phải đi học thêm nữa?".

“Ở trong chăn mới biết chăn có rận” một số học sinh thường nói thế khi chưa kịp giải thích. Hãy nghe một số học sinh lý giải:

Thứ nhất, lớp học trên trường (đủ mọi trình độ) đã học chung một buổi, buổi học thứ hai vẫn những bạn ấy và vẫn những giáo viên ấy dạy. 

Có em chia sẻ thẳng gặp giáo viên giỏi, giáo viên có trách nhiệm còn đỡ. Gặp giáo viên dạy khó hiểu và khó tính xem như cả ngày phải chịu trận. 

Lớp học đông, nhiều trình độ đương nhiên thầy cô phải dạy phân hóa theo từng đối tượng (điều này rất mất thời gian) và những học sinh cần nâng cao kiến thức hầu như rất ít cơ hội để giáo viên đáp ứng được. 

Do vậy, phải đi học thêm để nâng cao kiến thức, để được học kiến thức nâng cao theo đúng năng lực của mình. 

Bên cạnh đó, học sinh có lực học yếu mà học chung với cả lớp cũng khó được giáo viên kèm riêng. Thế nên muốn tiến bộ cũng buộc phải đi học thêm.

Thứ hai, học thêm bên ngoài mình sẽ chọn học cái mình đang cần, mình đang thiếu. Nhưng học trên trường mình phải học cái thầy cô chọn đôi khi chẳng hợp với mình.

Có người nói rằng, do chương trình hiện hành kiến thức nặng, nhiều nội dung xa rời với học sinh nên dù các em học 2 buổi/tuần các em vẫn phải đi học thêm. 

Theo đánh giá của Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải về thời gian cũng như về kiến thức so với chương trình cũ. 

Vậy thì điều này có giúp học sinh không còn phải đi học thêm?

 Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm? ảnh 3Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp những thách thức nào? (2)

Chương trình mới có còn đi học thêm?

Ghi nhận đầu tiên Chương trình mới đã giảm tiết học ở cả ba cấp. Thế nhưng giảm tiết học lại không đồng nghĩa với giảm áp lực. 

Tổng chủ biên chương trình khẳng định rằng chương trình mới cũng đã giảm tải những kiến thức hàn lâm. 

Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy điều đó, ở một vài môn học yêu cầu kiến thức đạt được của học sinh có phần cao hơn. 

Đơn cử, ở môn tiếng Việt lớp 2, các nhà biên soạn đang muốn biến học sinh lớp 2 thành “siêu nhân” hay sao khi ở chương trình hiện hành chỉ yêu cầu kiến thức cần đạt (tốc độ đọc giữa học kì I (học kì I): 35 tiếng/phút; cuối học kì I: 40 tiếng/phút; giữa học kì  II: 45 tiếng/phút; cuối học kì II: 50 tiếng/phút) và có gia tăng yêu cầu theo sự phát triển của các em mà học sinh học còn đuối. 

Nay chương trình mới yêu cầu chuẩn kiến thức đạt được ngay phần đọc cũng nặng gần gấp đôi so với trước đây (tốc độ đọc 60 – 80 chữ/phút) liệu học sinh sẽ phải học thế nào đây?

Nếu phần viết ở chương trình hiện hành cũng quy định tăng dần theo từng thời điểm “Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết. 

Tốc độ viết giữa học kì I (học kì I): 35 chữ/15 phút; cuối học kì I: 40 chữ/15 phút; giữa học kì II: 45 chữ/15 phút; cuối học kì II: 50 chữ/15 phút”. Thì chương trình mới yêu cầu các em phải viết từ 50 – 55 chữ/15 phút.

Một hiệu trưởng trường trung học phổ thông đã có ý kiến: "Đơn cử, trong chương trình khung mới, với môn hóa học, ngay chương nguyên tử ở lớp 10 đã bê nguyên chương trình hóa học đại cương ở bậc đại học. 

Không những nặng nề hơn so với chương trình cũ mà còn quá hàn lâm, chưa kể học sinh học nguyên tử xong thì ứng dụng gì vào cuộc sống? 

 Áp dụng chương trình mới học sinh có còn đi học thêm? ảnh 4Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông

Chúng tôi cũng không thấy hơi thở của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong chương trình lần này. 

Nhìn qua ở bậc trung học phổ thông thì đúng là chương trình mới có giảm giờ học so với chương trình cũ nhưng giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh".

Kiến thức thì vẫn nặng như thế, cách kiểm tra đánh giá, thi cử thì sao? Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hết áp lực phải đổi mới cách kiểm tra, cách đánh giá và thi cử như hiện nay. 

Chương trình mới nhưng cách thi, cách ra đề vẫn cũ thì cũng chẳng hy vọng gì áp lực học tập của các em được giảm.

Từ trước đến nay, ngành giáo dục của chúng ta vẫn luôn “lệch pha” học một đằng mà thi một nẻo. 

Có những kiến thức thi không bao giờ có trong chương trình học chính khóa mà chỉ có ở lớp học thêm. 

Học trò muốn làm được bài thi ở mức điểm từ 8 đến 10 bắt buộc phải đi học thêm khá nhiều. Nay muốn tránh tình trạng học thêm, dạy thêm phải thực hiện việc học gì thi nấy.

Thời gian thay sách đã cận kề, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất vẫn là “Chương trình mới học sinh có còn gánh nặng học thêm?” Ai cũng chờ đợi, cũng hy vọng điều này sẽ hoàn toàn được khắc phục. 

Phan Tuyết