LTS: Đưa ra quan điểm về việc tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng cần đẹp bỏ Ban này để chống lạm thu hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sáng 16/1/2019, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)”, trong đó có nhiều ý kiến đa chiều về việc có nên tồn tại Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Nhật Thanh - Phó trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng:
"Ban đại diện cha mẹ học sinh là cầu nối kiến nghị các giải pháp tới nhà trường để môi trường đào tạo được tốt hơn. Điều nên làm là cần làm rõ vai trò của họ hơn để hỗ trợ xã hội hóa giáo dục".
Ban đại diện cha mẹ học sinh tiếp tay cho lạm thu. (Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam). |
Thực chất, Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban) trường nào đã làm được điều này? Xin thưa là chưa!
Tôi đi dạy hơn ba mươi năm, chưa từng thấy có thành viên nào trong Hội phụ huynh học sinh (trước đây, nay là Ban), lên tiếng góp ý hoạt động của nhà trường, nếu có, thường chỉ là “Hoàn toàn nhất trí…”.
Do thực tế hoạt động của Ban, không có nơi tiếp nhận các kiến nghị của phụ huynh; giao tiếp của Ban với phụ huynh học sinh là không có.
Ngoài ra các ý kiến của phụ huynh “nếu có”, họ cũng chẳng đệ trình cho Ban, vì họ cũng không có niềm tin vào Ban, họ biết Ban là của ai, cho ai, vì ai.
Có phụ huynh bộc bạch “Tôi làm hội trưởng (nay là trưởng Ban), cả chục nhiệm kì, chưa bao giờ làm một bản báo cáo tổng kết, kế hoạch hoạt động, toàn bộ do thầy hiệu trưởng làm, đưa kí. Đến kì sơ kết, tổng kết, đại hội, chỉ biết đọc”.
Hoạt động của Ban, thực chất là "Diễn", theo kịch bản định sẵn của Hiệu trưởng.
Ban bình phong!
Trước khi Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ra đời, Ban không hơn không kém là cái bình phong để Hiệu trưởng lạm thu.
Ban đại diện cha mẹ học sinh thành công cụ lạm thu, bỏ đi là hợp lý |
Mọi kế hoạch thu chi đều được Hiệu trưởng lên kịch bản sẵn, trưởng Ban chỉ ký duyệt, phát hành đến phụ huynh học sinh.
Không ít hiệu trưởng lạm thu bị kỉ luật đổ lỗi cho Ban.
Thực chất, Ban biết gì đâu? Từ A đến Z là của hiệu trưởng, lợi lộc Hiệu trưởng hưởng, lỗi lầm Ban đành gánh chịu.
Ban giám sát?
Thông tư 16 ra đời tuýt còi lạm thu, buộc các địa phương phải chờ hướng dẫn mới thực hiện thu “tài trợ giáo dục” đầu năm, không ít trường phải trả lại tiền đã “lỡ thu”.
Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong Thông tư 16 chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng.
Các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị, như một nguồn ngân sách nhà nước cấp về.
Như vậy, có cần Ban giám sát các nguồn chi trong nhà trường nữa không, khi Ban không có mặt trong các hoạt động đó.
Bên cạnh đó, trong nhà trường đã có Ban khác thay thế việc giám sát này, như Ban thanh tra nhân dân, Ban chấp hành công đoàn.
Với thời đại công nghệ 4.0, tương tác của giáo viên, nhà trường đến phụ huynh gần như trực tiếp, tức thời; có cần phải lòng vòng qua các con đường giả tạo khác như Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (Trưởng môn Luật Hành chính, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) đã có ý kiến.
Bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, bỏ đi tấm bình phong của tiêu cực, bỏ đi cánh tay nối dài của lạm thu, trả lại bình yên cho các cuộc họp phụ huynh đầu năm là ý muốn của phụ huynh học sinh.
Bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT mới có cơ hội đi vào cuộc sống, chống lạm thu trong mỗi dịp khai trường.