LTS: Tiếp theo bài về việc có nên công bố nghiên cứu khoa học hay không?, nghiên cứu sinh chuyên ngành quốc tế giáo dục Nguyễn Lan Hương bàn thêm về vấn đề đạo đức trong đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam.
Điều này cũng góp phần thể hiện quan điểm về cái tài và cái đức song hành mà cổ nhân nhiều người đã nhắc đến.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết!
“Xin Thầy dạy cho cháu biết thà bị điểm kém vẫn hơn là gian lận trong thi cử, biết chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng” – Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ [1]
Trong bài viết về đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam gần đây, báo Tuổi trẻ có đăng bài "Nghiên cứu sinh tiến sỹ: Có đạo đức chưa?" [1] khá thú vị.
Điều thú vị ở đây không phải nói về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cấp học cao nhất trong lĩnh vực học thuật, mà ở câu hỏi của bài viết “Có đạo đức chưa?”.
Đạo đức trong đào tạo Tiến sỹ là điều đáng bàn. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ) |
Bởi ở các nước phát triển mà người viết bài báo có trích dẫn (như Úc), hay như nước tôi đang học (Mỹ) và gần như tất cả các nước trên thế giới, đạo đức trong học thuật là câu chuyện đương nhiên.
Điều đầu tiên mà một đứa trẻ được dạy trên thế giới này, từ trong gia đình cho ra nhà trường, xã hội là việc sống trung thực, hàm chứa khái niệm không gian dối, không trộm cắp và không tìm cách bắt nạt, cậy ỷ thế lấy của người khác, vân vân.
Điều này đúng ở bất kỳ quốc gia nào, tôn giáo nào, luật pháp nào và chúng ta cũng đều tìm thấy những quy định về nền tảng hành xử tương đồng như vậy.
Tôi rất mong tất cả các bậc cha mẹ, thầy cô và các bạn quan tâm đến giáo dục hãy dành 2 phút đọc bài "Thư gửi Người Thầy" của A. Lincoln viết về những giá trị mà một con trẻ, một cá nhân cần có.
Trong đó, ông khẳng định rõ “thà bị điểm kém vẫn hơn là gian lận trong thi cử”.
Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc |
Còn trong lịch sử của ông cha ta, ngàn năm vẫn dạy con cháu “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Vậy “thật thà” đi mất đâu rồi?
Điều đáng suy nghĩ từ bài viết về nghiên cứu sinh tiến sỹ là tại sao lại cần có quy chế riêng về đạo đức trong nghiên cứu và đào tạo tiến sỹ, mà không phải cho cả hệ thống giáo dục nói riêng, và cho cả hệ thống xã hội nói chung?
Tôi tin là chúng ta đều đã có các quy định, quy chế học tập và thi tuyển, nghiên cứu và công bố khoa học rất chi tiết và ngặt nghèo.
Câu chuyện ở đây, theo thiển ý của tôi, không phải ở chỗ cần có thêm các quy định về đạo đức trong nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sỹ, mà chúng ta cần thực hành những ứng xử đạo đức đã được quy định như thế nào, trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi cũng xin khẳng định rằng đạo đức trong học tập và nghiên cứu, giống như phạm trù đạo đức ở tất cả các lĩnh vực khác, đều rất thách thức và khó đo lường, do bởi những “giá trị tiềm ẩn” (intangible values) có ý nghĩa với từng hệ quy chiếu của từng cá nhân, từng nhóm cộng đồng hay từng xã hội.
Tôi muốn chia sẻ một số ví dụ gần đây được báo chí đưa tin để lấy ví dụ về việc có đạo đức chưa trong tư duy và hành xử của giáo dục:
1. Chúng ta có xu hướng cấm dạy thêm học thêm “tràn lan” [3], với lý do đây là nguồn gốc của việc giáo viên không dạy tốt trên lớp và là một trong những nguồn cơn gây ra khủng hoảng trong giáo dục.
Tuy nhiên, chưa thấy có chính sách nào, nghiên cứu nào về mức lương tối thiểu cho giáo viên để họ tập trung vào dạy và dạy tốt nhất.
2. Chúng ta có đề án dạy ngoại ngữ và đề án trường học mới [4,5]. Cho đến khi đề án gần kết thúc hoặc đã kết thúc, nhiều thành phần và chủ thể tham gia vào đề án mới có tiếng nói về chất lượng đề án.
3. Trong dự thảo Đề án đào tạo tiến sỹ, việc dự kiến nghiên cứu sinh, muốn bảo vệ luận án tiến sỹ, cần có công bố quốc tế, và khi thực tế là chưa đến 40% các Giáo sư – Tiến sỹ (đã được công nhận) của chúng ta có công bố quốc tế [6].
Vậy, nếu suy nghĩ thấu đáo lại một số ví dụ trên đây, câu hỏi có đạo đức chưa có lẽ không nên dừng ở đào tạo tiến sỹ, không phải ở cơ chế làm sao mỗi người nghiên cứu phải có giấy chứng nhận đạt đạo đức trong quá trình làm nghiên cứu [như bài viết đã nêu].
Mà có lẽ câu hỏi cần đi sâu hơn, xa hơn, từ nguyên lý cơ bản, bạn đã làm đúng bổn phận và trách nhiệm của một người tử tế trong xã hội, ứng với mỗi vị trí, vai trò của mỗi người trong xã hội hay chưa.
Tài liệu tham khảo:
1. Thư gửi Thầy giáo của TT A. Lincoln. NYT. Tham chiếu http://nyceducator.com/2005/12/abraham-lincolns-letter-to-his-sons.html
2. Nghiên cứu sinh tiến sỹ: Có đạo đức chưa?. Tuổi trẻ, 06/12/2016. Tham chiếu http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161206/nghien-cuu-sinh-tien-si-co-dao-duc-chua/1231087.html
3. TP. Hồ Chí Minh cấm dạy thêm tràn lan…VnExpress. Tham chiếu http://vnexpress.net/bi-thu-tp-hcm-chi-dao-cam-day-them/topic-21265.html
4. Đề án dạy và học ngoại ngữ 2016 – 2020. VnExpress. Tham chiếu: http://vnexpress.net/de-an-day-va-hoc-ngoai-ngu-giai-doan-2016-2020/topic-21402.html; http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160923/de-an-ngoai-ngu-2020-ra-soat-khac-phuc-tung-bat-cap/1176075.html
5. VNEN đi tiếp như thế nào?. Vietnamnet. Tham chiếu http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/vnen-se-di-tiep-nhu-the-nao-319001.html
6. Chưa tới 40% GS-PGS năm 2016 có công bố khoa học quốc tế. Vietnamnet. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chua-toi-40-gs-pgs-nam-2016-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-338106.html