Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014.
Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ:
“Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Trước đó, theo Thông tư 11/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký thì khoản 2, điều 4 quy định rõ về tuyển sinh Trung học cơ sở là theo “phương thức xét tuyển”.
Khi đó, chủ trương của Bộ là cấm tuyệt đối các trường thi tuyển vào lớp 6. Các trường có lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu thì phải trình phương án xét tuyển để các cấp có thẩm quyền quyết định.
Do đó, với đề xuất mới tại dự thảo mới này của Bộ, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ cởi trói, giao quyền tự chủ được cho các trường đặc biệt trường ngoài công lập.
Bỏ lệnh cấm thi vào lớp 6 sẽ giúp cởi trói cho các trường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang cho rằng: “Việc bãi bỏ “lệnh cấm thi dưới mọi hình thức” vào lớp 6 của Bộ là một chủ trương thuận theo “lẽ tự nhiên””.
Thực tế đã chứng minh rằng việc bỏ thi vào lớp 6 từ năm 2014 đã nảy sinh không ít bất cập, các trường những năm trước được quyền thi tuyển thì mấy năm qua, dù tuân thủ quy định nhưng khi phải tiếp nhận học sinh mà mình không kiểm soát được chất lượng đầu vào cũng cảm thấy việc cấm thi không phù hợp.
Đồng thời việc cấm thi vào lớp 6 đã khiến các trường có lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông phải xem xét điểm cộng với những học sinh đoạt các giải thưởng.
Tuy nhiên, ông Khang cho rằng kiểm tra đánh giá năng lực thực chất vẫn là một hình thức thi, còn kiểm tra kiến thức hay năng lực thì chỉ là cách thức ra đề của kỳ thi.
Do đó, Bộ không nên quy định cả cách thức ra đề của kỳ thi cấp trường bởi nếu Bộ cho phép thi tuyển và giao cho các trường xây dựng phương án thì trường sẽ nghiên cứu nghiêm túc để có phương án tuyển sinh tránh căng thẳng, hạn chế được việc học sinh phải vất vả luyện thi.
Ông Khang phân tích thêm, việc tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay cũng được Bộ giao hoàn toàn quyền chủ động cho địa phương, Bộ chỉ đưa ra 3 hình thức tuyển sinh để các địa phương lựa chọn, đó là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét để tuyển sinh vào lớp 10.
Cũng theo dự thảo mới lần này, các trường chỉ được tuyển thẳng những học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.
Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, ngoài những đối tượng được nêu trong quy định hiện hành, đối với học sinh đạt giải các cuộc thi, nếu quy định hiện hành chỉ yêu cầu:
“Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học”, thì dự thảo sửa đổi như sau:
“Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông”.
Quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung thêm điều 4:
“Sở Giáo dục và Đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10”.