LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, Luật sư Trần Văn Trí có bài viết chia sẻ về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của ngày lễ này dưới một góc nhìn khá thú vị.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!
“Không có một vĩ nhân nào, một anh hùng nào trên đời này lại không qua bàn tay bế ẵm của người mẹ, cũng như trên trái đất này không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và sự dạy dỗ của người thầy giáo”.
Xin mượn câu Danh Ngôn trên để nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Người Thầy. Tôn sư trọng đạo không là truyền thống của riêng một Quốc Gia, Dân Tộc nào mà đó là nét đẹp của toàn nhân loại.
Song thực tế đau lòng là khi xã hội phát triển đã kèm theo xu thế thương mại hóa những nét đẹp truyền thống đó.
Hầu đại đa số mọi người đều biết 20/11 là Ngày Nhà Giáo nhưng có mấy ai biết vì sao phải là ngày 20/11 mà không là ngày nào khác.
Ngày 20/11 là Ngày Nhà Giáo Việt Nam. (Ảnh: ThanhNien) |
Nói lên điều này để thấy rằng xã hội đang có cái nhìn hời hợt về bề nổi của một sự kiện hơn là có một cách nhìn mang tính thấu hiểu bản chất của sự kiện đó.
Trên bình diện cá nhân khi nhìn nhận về chủ đề này, tôi mạn phép tiếp cận ở hai khía cạnh là pháp lý và ý kiến phản biện của người trong cuộc.
Ở khía cạnh pháp lý, chúng ta cần minh định rõ sự khác nhau giữa Ngày Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo và Ngày Nhà Giáo Việt Nam cũng như mục đích chọn ngày này:
(i) Ngày Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo:
Liên Hiệp Quốc Tế Các Công Đoàn Giáo Dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE) đã thông qua bản "Hiến Chương Các Nhà Giáo" gồm 15 chương.
Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Tiếp đó, tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc Tế Các Công Đoàn Giáo từ ngày 26 – 30/8/1957 tại Warszawa đã lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
(ii) Ngày Nhà Giáo Việt Nam:
Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc Tế Các Công Đoàn Giáo từ năm 1953 nhưng mãi đến ngày 28/9/1982 mới chính thức chọn ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Một yếu tố thú vị nữa là chính Vị Đại Tướng đầu tiên của Dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành quyết định này (Quyết định số 167-HĐBT).
Đừng để chiếc phong bì làm méo mó tình cảm thầy trò(GDVN) - Nhiều phụ huynh bày tỏ “lòng biết ơn” thầy cô bằng những cái phong bì hay món quà đắt tiền đã làm mai một đi tình nghĩa thầy trò. |
Như vậy, cùng là 20/11 nhưng để tôn vinh những “Người đưa đò thầm lặng” trong nước, chúng ta sẽ nói Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Còn trên bình diện toàn cầu thì phải ghi Mừng ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Pháp lý là phải chuẩn xác như vậy.
Nếu như mục đích của Liên Hiệp Quốc Tế Các Công Đoàn Giáo khi chọn ngày 20/11 là để “bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo” thì Nhà nước Việt Nam lại cụ thể hơn:
“Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.
Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.” – Điều 2 của Quyết định số 167-HĐBT.
Ở khía cạnh ý kiến phản biện của người trong cuộc, có vẻ chúng ta đang lạm phát thừa các ngày truyền thống.
Đơn cử sơ bộ cho thấy trong tháng nào cũng có một đến vài ngày: Ngày sinh viên – học sinh Việt Nam – 09/1, Ngày Thầy Thuốc Việt Nam – 27/2, Ngày thể thao Việt Nam – 27/3, Ngày sách Việt Nam – 21/4, Ngày Quốc tế lao động – 1/5…
Khi lựa chọn ngày truyền thống sẽ không ai mong muốn nó trở thành gánh nặng cho người liên quan mà đều nhắm đến mục đích tốt đẹp.
Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng... |
Ngày 20/11 là để nhắc nhở các thế hệ đi sau biết rằng “Cây có cội - nước có nguồn”, “Nhất tự vi sư - bán tự vi sư”, “Ăn trái nhớ người trồng cây”, nêu cao tin thần nhân ái, hiếu thảo…
Thật tiếc thay hiện trạng xã hội đã quay lưng với thiên hướng cao cả đó. Ngày nay xã hội mặc nhiên thừa nhận rằng ngày 8/3, 20/10 là phải mua Hoa, Quà tặng chị em phụ nữ.
Tết trung thu là dịp để cám ơn cấp trên, cám ơn Khách hàng,… Và ê chề nhất là ngày 20/11 là ngày “phải có quà cho giáo viên”.
Sau khi Quyết định số 167-HĐBT ra đời, ngày 14/10/1982, Bộ Giáo Dục đã ban hành Thông tư số 26-TT, trong đó nêu:
“Từng trường học cần có những hình thức sinh hoạt phong phú, gọn nhẹ như giới thiệu truyền thống nhà giáo; kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong nghề dạy học; trích đọc thư của học sinh gửi về trường; mời học sinh có nhiều thành tích trong sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu về trường nói chuyện; hội thảo về vinh dự, trách nhiệm của cô giáo, thầy giáo; giáo dục lòng yêu nghề, yêu trẻ cho học sinh trường sư phạm; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...”.
Đến đây thì đã rõ! Trong các văn bản mang tính pháp lý hoàn toàn không có một từ ngữ nào chỉ ra rằng Học Sinh phải tặng quà cho Thầy, Cô nhân ngày 20/11.
Vậy bởi đâu làm nên nông nỗi? Sẽ không chính xác nhưng chắc rằng lỗi ở chính chúng ta – những người được gọi là Giáo Viên và Phụ Huynh.
Dĩ nhiên rằng không phải tất cả Giáo Viên và Phụ Huynh nhưng thử hỏi còn mấy người giữ được cái tâm trong sáng của Nghề Giáo cũng như lòng kính trọng tuyệt đối của Người Trò?
Sẽ là dư thừa khi chỉ ra nguyên nhân cũng như phương hướng khắc phục vì ai cũng có lý lẽ riêng của mình.
Đành rằng là vậy nhưng “Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện” nên tự mỗi chúng ta trước tiên hãy giữ mình trong sáng.
Sẽ không sai khi món quà vô giá cho ngày 20/11 gửi đến Thầy Cô là một học trò luôn có nghĩa tình, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.