Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của Trần Đình Duy (học sinh lớp 12/4 chuyên Anh, trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tam Kỳ, Quảng Nam) ở trung tâm thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) rộn ràng tiếng cười nói.
Trần Đình Duy chụp ảnh chung với các bạn gái trong lớp. (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Niềm vui sướng, tự hào về cậu con trai đạt điểm cao trong lần “vượt vũ môn” hiện rõ trên khuôn mặt của cha mẹ, chòm xóm. Ai cũng kể về cậu học trò chăm ngoan, học giỏi với giọng đầy yêu mến.
Với tổng số 28,6 điểm (ba môn), trong đó lần lượt là Toán: 9 điểm, Anh văn 9,6 điểm và môn Ngữ văn đạt điểm tuyết đối 10 điểm, cánh cửa đại học gần như đã “mở toang” trước mặt Duy.
Bí kíp đạt điểm 10 môn Sử của cô gái làng chài(GDVN) - Trong khi nhiều học sinh quay lưng với môn sử bởi sự khô khan của những con số, sự kiện, thì Tuyết lại tìm cho mình một hướng tiếp cận đặc biệt, dễ hiểu. |
Chia sẻ về điểm 10 ngoạn mục môn văn, Duy nói, là dân chuyên Anh nên lúc nào cũng nghĩ đó là môn có thể đạt điểm cao. Nhưng không ngờ điểm môn văn năm nay đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng.
“Khi thi xong, em chỉ ước tính số điểm dao động từ 8 đến 8,5 điểm vì kỳ thi lần này khá khó, thầy cô lại chấm rất gắt gao. Nhưng khi nhận kết quả thi mà các bạn gửi qua facebook, em vẫn còn nghi ngờ, không dám tin” Duy nói.
Duy tâm sự, bản thân từng rất sợ môn Văn và không mấy khi đạt được điểm cao trong các kỳ thi tại trường.
Nhưng rồi trong một lần được thầy giáo dạy ngữ văn động viên em một câu bằng tiếng Anh: “where there is a will, there is a way” (tạm dịch là: nơi nào có ý chí, nơi đó có đường đi) đã khiến Duy thay đổi suy nghĩ và cách cảm nhận về môn học này.
Thay vì tránh xa môn học không phải sở trường thì Duy lại dành nhiều thời gian, quyết tâm và cố gắng để thẩm thấu được những điều ý nghĩa do môn văn mang đến.
“Em không tự ép mình phải học và dung nạp môn văn trong những gò bó về không gian, thời gian.
Mà những lúc có hứng thú, em sẽ học văn để dễ dàng tiếp thu kiến thức, lĩnh hội được những cái hay, cái thú vị trong từng tác phẩm văn học. Tiếp nhận văn chương cũng cần có một thái độ học tập nghiêm túc” Duy kể.
Ngoài việc đọc những tác phẩm văn chương, Duy còn sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo, phim ảnh để bổ sung thêm nguồn kiến thức, tài liệu phong phú.
"Ở giai đoạn ôn thi, thay vì phải miệt mài “vật lộn” giải đề văn, nghiền ngẫm văn – thơ thì em chú trọng sắp xếp lại một cách hệ thống các kiến thức đã học. Khi làm bài thi, em cũng trình bày thẳng vào vấn đề" Duy chia sẻ thêm.
Lối viết ngắn gọn, súc tích, kèm những ví dụ, dẫn chứng sinh động hấp dẫn là những "bí kíp" giúp Duy đạt được số điểm tuyệt đối cực kỳ hiếm hoi của môn văn.
Về những dự định cho tương lai, Duy nói sẽ đăng ký xét tuyển vào một trong hai trường đó là: ngành báo chí của trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh hoặc Trường Đại học Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh.
"Em đang thực sự rất phân vân giữa hai ngành này. Em rất thích nghề báo bởi đó là một nghề đòi hỏi sự dấn thân, đi tìm sự thật để phục vụ cho cộng đồng, xã hội" Duy nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Trúc Đào - giáo viên dạy văn trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm nhận xét, kết quả như trên đã đánh giá đúng năng lực, sở trường của cậu học trò xứ Quảng.
“Tôi đã từng nhiều lần chấm các bài văn của Duy 10 điểm và tất cả các bài văn khác của Duy đều trên 9 điểm. Lối diễn đạt súc tích, đầy ý tưởng, giọng văn mới lạ là nét đặc trưng của em” cô Đào cho biết.