Chỗ nào cũng có chính quyền, sao để đánh trẻ dã man thế

06/12/2017 12:36
Phương Linh
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc nói, hệ thống chính quyền có đủ từ tổ dân phố, phường xã, quận huyện, thành phố mà lâu lâu lại có bạo hành trẻ em là không được

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 6, khóa IX vào sáng ngày 6/12, khi nghe xong phần trả lời của Chủ tịch Ủy ban nhân quận 12 về vụ bạo hành trẻ ở Trường Mầm Xanh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đã nêu lên những bức xúc của mình.

Theo bà Tâm, vụ việc này, trách nhiệm của chính quyền ở đâu, từ phường xã, khu phố, đoàn thể, mặt trận, không chỗ nào là không có mặt hệ thống chính quyền của ta.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những vụ bạo hành trẻ em chủ yếu là do báo chí phát hiện. Như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu là như thế nào?

“Lâu lâu lại có 1 vụ như thế, rất dã man. Không thể để như vậy được. Hội đồng nhân dân cũng đã được tái lập ở phường, xã rồi. Đại diện cho quyền lợi của người dân ở cấp nào cũng có, nhưng trả lời như vậy là không ổn” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, trong phần trả lời chất vấn của mình vào buổi chiều hôm nay, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cần nói rõ thêm trách nhiệm của chính quyền để xảy ra vụ bạo hành này.

Trước đó, khi được mời trả lời, thông tin thêm về vụ việc xảy ra ở Trường mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12), ông Lê Trương Hải Hiếu – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 cho biết, dân số của quận 12 hiện nay là 560.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm 2/3.

Trên địa bàn của quận, số trường, nhóm trẻ gia đình, mầm non tư thục chiếm khoảng 2/3 số trẻ của quận.

Ngay sau khi tiếp cận thông tin bạo hành trẻ em ở Mầm Xanh, quận đã chỉ đạo phường đình chỉ hoạt động của trường này, mời chủ trường lên Công an làm việc, xác định rõ, lập hồ sơ đối với các em bị chủ trường bạo hành.

“Với trách nhiệm của mình, quận đã triệu tập họp, cho thanh tra tất cả các cơ sở mầm non của quận, từ cơ sở vật chất, giáo viên cho tới hiện nay, công khai thông tin cho phụ huynh tham khảo, đánh giá, chọn lựa, kiến nghị thành phố các trường lắp camera phụ huynh giám sát, chỉ đạo hội phụ nữ quận và phường thăm hỏi, giám sát.” – ông Hiếu nói.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hồng Sơn nói về vấn đề bạo hành trẻ em (ảnh: P.L)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hồng Sơn nói về vấn đề bạo hành trẻ em (ảnh: P.L)

Nói tới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đề nghị ông Lê Trương Hải Hiếu ngưng nói, do hết giờ trình bày. 

Trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về bạo hành trẻ em, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, toàn thành phồ có 1.845 nhóm lớp tư thục, với quy mô từ 8 – 10 trẻ, do phường xã trực tiếp quản lý.

Ngoài ra, vẫn còn 544 hộ gia đình giữ quy mô dưới 7 trẻ, có và không có đăng ký với địa phương.

Theo quy định, phân cấp quản lý, cấp phép ở bậc mầm non đến trung học cơ sở thuộc về phường xã, rồi đến quận huyện.

Chỗ nào cũng có chính quyền, sao để đánh trẻ dã man thế ảnh 2Chủ trường Mầm Xanh nói trẻ nghịch, ăn chậm nên phải đánh

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thường xuyên phối hợp với các quận huyện tổ chức kiểm tra, quản lý các cơ sở mầm non tư thục. Sau khi kiểm tra đều có văn bản gửi Chủ tịch các quận huyện.

Cơ quan quản lý ngành cũng thường xuyên phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ, tổ chức tập huấn cho những hộ giữ trẻ gia đình các kiến thức cơ bản nhất, bồi dưỡng nghiệp vụ, cũng như yêu cầu cam kết không được bạo hành trẻ với địa phương, phụ huynh.

Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, Sở này đã làm mọi cách để họ thấu hiểu vấn đề, song vẫn còn nhiều trường hợp cá biệt xảy ra là do đạo đức, nhân tính của giáo vên.

Người đứng đầu ngành giáo dục thành phố cho biết, ông rất đau lòng vì có những chuyện bạo hành trẻ em ở các trường mầm non.

“Có những người không có đạo đức nghề nghiệp, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, gây hoang mang, làm mờ đi hình ảnh của các thầy cô giáo, nhất là những em bé vô tội phải chịu những điều không đáng có” – ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chất vấn về bạo hành trẻ em (ảnh: P.L)
Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chất vấn về bạo hành trẻ em (ảnh: P.L)

Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố - ông Nguyễn Minh Trí đề nghị: Chúng ta luôn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng để xảy ra rồi mới đi xử lý, vì giáo dưỡng ở những năm tháng đầu đời là rất quan trọng cho các em.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu: Không ít nơi, giáo viên mầm non chỉ cần học vài tháng là có chứng chỉ đứng lớp, không được trang bị phẩm chất nghề nghiệp, kiểm soát cảm xúc. Trong khi đó, nuôi dạy trẻ là nghề đặc thù, ngoài chuyên môn thì giáo viên cũng cần có lòng yêu trẻ.

Phương Linh