“Thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục Việt Nam: Truyền cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, nhà giáo dục và doanh nhân để cùng đổi mới” là chủ đề Hội nghị Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học Việt Nam lần thứ 5 – STEMCON Việt Nam diễn ra từ ngày 1 – 2//3 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Văn Tùng khẳng định, ngày nay những lợi thế cạnh tranh bằng tài nguyên và sức lao động không còn duy trì lâu nữa, chúng ta chỉ có thể xây dựng đất nước dựa trên lợi thế cạnh tranh thông qua phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, nâng cao hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm quốc gia.
“Và chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam và các nước khác”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Robot có thể thay thế thầy cô trên lớp?
Ngày 1/3, tọa đàm về đổi mới giáo dục: “Giáo dục trong môi trường số” là một trong những nội dung chính của Hội nghị.
Tại đây, TS. Rivadávia Alvarenga Neto (Đại học Bang Arizona) tâm sự: “Sinh ra ở một vùng nông thôn tại Brazil, trong gia đình, ông nội luôn đặt câu hỏi khó nhưng câu trả lời cực dễ tuy nhiên tôi luôn trả lời sai.
Vì sai nên tôi luôn tự thôi thúc để tìm câu trả lời và đó cũng là dịp để nhận ra lĩnh vực mà tôi thích thú nhất chính là khoa học công nghệ”.
Ông Neto tiết lộ, ông đã đọc nhiều cuốn sách để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi kiểu như: Tại sao chúng ta lại mua bảo hiểm nhân thọ? Tại sao cha mẹ muốn con cái học giỏi ở trường?...
TS. Rivadávia Alvarenga Neto (Đại học Bang Arizona) (Ảnh: Thùy Linh) |
Nói đến đây, TS.Neto nhấn mạnh, hiện nay khoa học công nghệ đang đổi mới rất nhanh, thế giới luôn đổi mới sáng tạo do vậy nhiều tổ chức, tập đoàn từng lớn mạnh nhưng vẫn thất bại, gặp phải thảm họa trong kinh doanh.
"Điều gì đang xảy ra? Chúng ta đã làm đúng như sách giáo khoa vì sao vẫn thất bại?" - ông Neto đặt câu hỏi.
Trao đổi với ông Neto, TS.Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi, với sự phát triển khoa học công nghệ như ông Neto mô tả, liệu có khi nào robot sẽ thay thế các thầy cô trên lớp học?
"Ông dự đoán về sự phát triển của công nghệ với xe ô tô không người lái trong tương lai có thể khiến nhiều người thất nghiệp.Tôi cũng lo sợ biết đâu các thầy cô cũng bị đe dọa về việc làm?" - ông Dũng băn khoăn.
Giải đáp thắc mắc này, TS.Neto cho rằng, đó là vấn đề cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Neto, khó có thể nhân bản được sự sáng tạo bởi sự sáng tạo chỉ có ở con người.
"Trong tương lai những kỹ năng về nhận thức, sáng tạo sẽ đưa ra những trải nghiệm mới trong lớp học" - ông Neto nhận định.
Tương lai của giáo dục có phải là giáo dục trực tuyến?
Tại tọa đàm, bà Đặng Mỹ Châu đến từ Tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica có trình bày về sự gặp gỡ giữa sự phát triển của công nghệ và giáo dục trong tương lai.
Bà Châu cho biết, việc học tập trực tuyến hiện nay không còn là điều gì xa lạ đối với sinh viên. Theo nghiên cứu, có tới 28% sinh viên ở Mỹ ít nhất học một vài khóa học trực tuyến.
Tương lai, đào tạo sẽ là ảo, là số hóa và mô phỏng(GDVN) - Nếu cứ giữ theo phương pháp cũ thì học sinh, sinh viên không thể đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 3.0, đừng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0. |
"Năm ngoái, ở Anh có 2 trường Đại học hoàn toàn tiếp nhận sinh viên trực tuyến đồng thời cấp bằng nếu sinh viên hoàn thành chương trình đó" - bà Châu thông tin.
Bà Châu cũng cho biết, các giáo viên hiện nay thu nhập nhiều hơn nhờ phương thức dạy học trực tuyến. Có những giáo viên thu nhập tới 8 triệu USD/năm nhờ dạy trực tuyến.
"Giờ đây giáo viên không cần làm tất cả mọi việc như trước đây. Các công ty đưa ra các nền tảng giáo dục trực tuyến có thể hỗ trợ cho họ từ việc xây dựng chương trình, bảng câu hỏi thường gặp, kết nối, kiểm tra...Giáo viên chỉ việc tập trung vào việc dạy thôi " - bà Châu phân tích.
Tuy nhiên, bà Châu cũng khẳng định, chưa thể trả lời được câu hỏi, liệu tương lai của giáo dục có phải là giáo dục trực tuyến hay không.
Bởi "Khi nào thì hoàn toàn giáo dục trực tuyến được? Cách mạng trong giáo dục sẽ diễn ra như thế nào? Sự tích hợp giữa giáo dục và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ như thế nào? Tôi dành câu trả lời cho các bạn" - bà Châu nói.
Trao đổi với bà Châu, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng, bản thân ông chưa tham gia lớp học trực tuyến nào song ông cho rằng tâm lí chung là chưa cảm thấy tin tưởng như các lớp học trực tiếp.
Bà Châu cho rằng, hiện nay việc hưởng ứng cho học trực tuyến chưa nhiều, như vậy vấn đề là làm sao truyền thông được cho mọi người tin cậy vào phương thức đào tạo này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Còn vấn đề chất lượng chương trình thì hoàn toàn có thể yên tâm.
Ông Dũng cũng băn khoăn vì các lớp học trực tuyến sẽ thiếu sự tương tác giữa người dạy và người học nên có thể hiệu quả sẽ không cao. Trong khi đó, bà Châu thì cho rằng, đào tạo theo phương thức trực tuyến vẫn có sự trao đổi tích cực giữa hai đối tượng.
"Sự tương tác có thể qua diễn đàn, bình luận, bài tập hay câu hỏi lựa chọn, trình bày, làm việc nhóm… bởi nếu không có tương tác thì người học sẽ không có hứng thú" - bà Châu giải thích.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật-Công nghệ-Toán học tại Việt Nam do Liên minh Hợp tác Giáo dục Đại học Ngành Kỹ thuật (HEEAP) và các đối tác tại Việt Nam tổ chức với mục nhằm thúc đẩy phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hiện nay, mạng lưới của HEEAP đã mở rộng vượt ra ngoài Việt Nam, sang các khu vực khác của Đông Nam Á, và các chương trình đã được phát triển không chỉ bao gồm Kỹ thuật mà còn có các lĩnh vực quan trọng về Khoa học, Toán học và Công nghệ. Do đó, Hội nghị thường niên lần thứ 5 đã được đổi tên thành Hội nghị Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật- Toán học, hay gọi tắt là STEMCON Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong 02 ngày (1-2/3/2017), bao gồm các phiên họp tương tác, thảo luận và hội thảo chuyên đề kỹ thuật. |