“Chúng ta đang làm thanh niên lãng phí thời gian”

16/04/2014 06:27
Xuân Trung
(GDVN) - Nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương khẳng định khi nói về chương trình đào tạo, khung chương trình ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, nền giáo dục của chúng ta hiện nay không đi với nền kinh tế. 

Thừa cử nhân kế toán

Theo GS. Trần Phương, hiện nay chúng ta có cái khung rất cứng nhắc, đây là khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Và theo nhu cầu của nền kinh tế hiện nay, chúng ta đào tạo quá thừa, bắt thanh niên học quá thừa. 

GS. Trần Phương đưa ra một ví dụ, hồi ông làm Bộ trưởng Bộ Nội thương thì cả Bộ có 1 Trường ĐH thương mại và 4 trường Trung cấp kế toán. Thời đó trường đào tạo kế toán chỉ lấy lớp 7 vào (tức THCS) học 3 năm ra làm kế toán và mấy năm sau có thể lên làm kế toán trưởng. Vì nhu cầu kế toán thời đó chỉ cần đến trung cấp là thừa sức làm được.

GS. Trần Phương bày tỏ, ông hoàn toàn nhất trí với việc phân luồng học sinh từ cấp THCS của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Ảnh Xuân Trung
GS. Trần Phương bày tỏ, ông hoàn toàn nhất trí với việc phân luồng học sinh từ cấp THCS của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Ảnh Xuân Trung

Nhưng bây giờ, chúng ta bắt phải cử nhân kế toán mới làm được kế toán thì theo GS. Phương như vậy là thừa nhiều quá, đào tạo như vậy là thừa kiến thức và mất thì giờ của thanh niên.

Chia sẻ thêm, cách đây vài năm Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khi còn đào tạo trung cấp kế toán nhưng Bộ GD&ĐT không cho đào tạo trung cấp để nhường cho các trường trung cấp, xét lại thời điểm đó có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đến nhận sinh viên.

“Tôi có hỏi mấy bà giám đốc tại sao cử nhân kế toán ngoài kia nhiều đến thế mà sao các vị không nhận, lại chạy đến đây? Mấy bà giám đốc nói rằng công ty chỉ có doanh thu 10 tỷ/năm thì chương trình trung cấp của thầy là quá thừa để làm, mà lấy hệ trung cấp chỉ trả lương 3 triệu, còn lấy đại học phải trả 4-5 triệu” GS. Trần Phương nhớ lại.

Nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương còn khẳng định, rõ ràng trung cấp kế toàn đã quá đủ, chúng ta có 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân thì cũng phải đi thuê cả cử nhân kế toán về làm. Với 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân thì chủ yếu trình độ trung cấp là đủ.

“Nhưng có thực trạng chúng ta phát triển nhiều đại học và buộc doanh nghiệp phải mượn cử nhân của chúng tôi, ít ra phải trả 5 triệu/tháng. Như thế là thừa kiến thức, thừa thời gian đào tạo. Cho nên tư tưởng đào tạo phải đa dạng, hiệu quả, vậy thế nào là hiệu quả?. Ví dụ, chỉ cần trung cấp kế toán thì đủ đáp ứng nhu cầu của 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, không cần cử nhân. Cho nên hiện nay chúng ta đào tạo quá thừa”, ông phân tích.

Ở bậc đại học, GS. Trần Phương còn khẳng định, nếu còn đào tạo theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT sẽ dẫn đến quá thừa và không thích hợp, bởi hiện chương trình đại học của chúng ta có nhiều môn mà đại học nghiên cứu mới cần đến. 

“Chúng ta đang theo khung cứng nhắc, tôi cho đó là lãng phí thời gian của thanh niên, lãng phí thời gian của thầy giáo. Cho nên phải tính tới phát triển đa dạng loại hình” GS. Trần Phương khăng định lại quan điểm.

Những ý kiến trên của GS. Trần Phương được ông đúc rút từ quá trình thực tế, và ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải đề ra nguyên tắc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn. 

“Hiện chúng ta đào tạo quá thừa, các loại trường cũng quá thừa nếu xét theo nhu cầu của nền kinh tế. Nhu cầu của nền kinh tế hiện nay chủ yếu đào tạo trung hoc nhề, trung cấp nghề. Ở các địa phương không cần phải đào tạo lắm cử nhân vì không cần thiết. Do đó, cơ cấu các loại trường cũng phải xem lại”.
Người làm nhiều hưởng ít

Trao đổi thêm về việc tìm hướng đi cho phân luồng hệ thống giáo dục, GS. Trần Phương đồng ý với quan điểm của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng khi cho rằng phân luồng từ cấp THCS là hợp lý. Vì sao nên phân từ cấp THCS? Theo lý giải của GS. Phương bởi nhiều học trò của chúng ta không đủ trình độ lên tới THPT, do đó phải khẳng định một nguyên tắc phân luồng từ THCS.

Cũng từ việc có định hướng phân luồng hợp lý như trên tất sẽ có cơ cấu ngành nghề được hợp lý hơn trong những năm tiếp theo. Bởi, xét về thực trạng cơ cấu ngành nghề hiện nay, GS. Phương cho biết, nhà nước phải thay đổi chính sách thì mới hấp dẫn được học trò vào những nghề khác nhau.

“Trường tôi đào tạo cả ngề kỹ thuật và kinh tế, tôi vẫn bảo các em được tự chọn nghề, và có 80% học trò chọn nghề Quản trị kinh doanh, thương mại, tài chính, kế toán. Tại vì học những nghề này luôn luôn ngồi ở văn phòng (không phải xuống xí nghiệp, ra công trường, làm việc máy lạnh, lương khá cao. 

Trong khi ngành điện, cơ điện tử do các TS, GSKH dạy tận tâm, đầu tư rất vất vả nhưng các em không vào, mỗi năm chỉ 50 em vào học, lý do được tìm hiểu là vì những ngành này học nặng hơn, ra trường lương như người học cử nhân kế toán, cử nhân tài chính ngân hàng (học 4 năm) và làm việc phải xuống nhà máy, công trường.

Do đó, phải trả lương cho người học kỹ thuật công nghệ gấp đôi những người ngồi văn phòng thì may ra  mới có người học”, GS. Phương bày tỏ.

GS. Phương cũng cho rằng muốn phân luồng và đào tạo nghề nhiều thì chính sách đãi ngộ phải khác. Bởi một người học trung cấp nghề ra sẽ kém xa so với cử nhân. Theo quan điểm của GS. Trần Phương, nếu nhà nước còn đãi ngộ với những người làm kỹ thuật như vậy thì không ai dám làm. Và mãi mãi, cơ cấu đào tạo ra không thích hợp với nền kinh tế. Cho nên, phải cải tạo lại hệ thống giáo dục đại học theo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu kinh tế.
Xuân Trung