Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề

19/01/2016 07:52
Nguyễn Cao
(GDVN) - Thực tế hiện nay cho thấy rằng, những sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường ngày nay rất khó xin việc.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Cao khi nhìn nhận về con số báo động “cử nhân thất nghiệp” hiện nay và câu chuyện xoay quanh việc nghịch lý khi chọn ngành nghề của các bạn trẻ. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Ngày 24/12/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo về kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2015. 

Tại cuộc hội thảo này, đã đưa ra một số liệu đáng cho chúng ta suy ngẫm. Chỉ có khoảng 10 % học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đăng kí học nghề.

Số học sinh còn lại đều tham gia thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp.

Hiện nay, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và 1000 cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp khác tham gia dạy nghề. 

Các tỉnh thành gần như đã có các trường đào tạo nghề. Nhiều trường nghề mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay.

Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề ảnh 1
Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề (Ảnh minh họa trên baotintuc.vn)

Tuy nhiên, hàng năm đa số các trường rất khó tuyển sinh được học viên bởi các em cũng như gia đình đều hướng con em mình vào các trường đại học, cao đẳng, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ”.

Chúng ta đều biết, từ  xưa đến nay dân tộc ta có truyền thống hiếu học, dù khó khăn đến đâu thì những bậc làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con mình được đỗ đạt thành tài. 

Tư tưởng đó, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Nên, con đường để bước vào học nghề để sau này làm thợ chỉ là phương án lựa chọn thứ yếu của các bậc phụ huynh và các em học sinh trong những năm qua. 

Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề ảnh 2

Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học

(GDVN) - Không ai có thể cấm quyền được học nhưng khó ở chỗ ai đi học cũng mong sau này “ngồi mát ăn bát vàng” chứ không phải vì “học học nữa học mãi”!

Chỉ khi nào các em thi trượt đại học, hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn và một bộ phận ít học sinh có học lực trung bình mới đủ “can đảm” thi và đăng kí vào các trường, các trung tâm dạy nghề. 

Bởi vào đây nó không “oai”, sợ bị bạn bè, người thân dị nghị, coi thường. Chính từ những suy nghĩ ấy mà mới tạo ra những nghịch lý. 

Số lượng cử nhân ra trường không xin được việc làm, hoặc không muốn làm những việc không “xứng tầm” với tấm bằng của mình đã lên đến con số hàng trăm ngàn. 

Trong đó, các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài lại đang rất “khát” các lao động có tay nghề cao. Nhất là khi chúng ta mở cửa thị trường lao động ASEAN thì rất cần những lao động lành nghề để hội nhập. 

Một nghịch lý tréo ngoe nữa là nhiều cử nhân ra trường không xin được việc làm phải “giấu bằng” để quay lại đi học nghề thì mới được làm công nhân như phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập trong thời gian qua. Đây quả là sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy rằng, những  sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường ngày nay rất khó xin việc. 

Chính vì thế mà từ lâu dư luận đã đề cập muốn vào một cơ quan nhà nước, thậm chí là công chức cấp xã, hay một cơ sở mầm non công lập cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn mới có thể vào được một xuất biên chế hay hợp đồng dài hạn để hưởng lương hưởng theo hệ số nhà nước. 

Hoặc muốn được tuyển dụng vào các doanh nghiệp tư nhân cũng phải trải qua rất nhiều vòng thử thách: sơ tuyển, phỏng vấn, sát hạch… mới có thể được nhận vào làm, thậm chí là thử việc không lương. 

Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề ảnh 3

Một nửa giảng viên sẽ thất nghiệp, 342.800 thạc sỹ, cử nhân chưa có việc

(GDVN) - Đào tạo nhiều nhưng không được sử dụng, sử dụng không hết hoặc không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội.

Nhưng, đối với các trường nghề, nhiều ngành khi các em đang còn học trong nhà trường đã có doanh nghiệp đến “đặt hàng” trước. 

Hoặc, khi các em ra trường cũng rất dễ xin việc và không cần phải mất nhiều “thủ tục” nhiêu khoản như các lao động có bằng thạc sĩ, cử nhân.

Trong khi đó, lại hưởng lương theo năng lực tay nghề nên nhiều lao động lành nghề có lương cao hơn nhiều các cử nhân, thạc sĩ… 

Từ những nghịch lí như đã phân tích ở trên cho ta thấy rằng việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình là rất quan trọng cho tương lai các em. 

Trong thời đại hiện nay để có một tấm bằng cử nhân, thạc sĩ cũng mất rất nhiều thời gian và công của mới có được. Những gia đình khá giả thì không nói làm gì nhưng những gia đình khó khăn mà phải vay mượn nhưng khi ra trường không có việc làm sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. 

Điều này cho ta thấy cần phải thay đổi quan niệm không phù hợp với thực tại, bởi không có việc gì “xấu”, không có việc gì “hèn” nếu chúng ta không làm chuyện phi pháp và thất đức. Nhưng, không có việc làm dễ khiến con người ta chán nản mà tiêu cực, buông xuôi.

Nguyễn Cao