Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học

17/01/2016 04:18
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Không ai có thể cấm quyền được học nhưng khó ở chỗ ai đi học cũng mong sau này “ngồi mát ăn bát vàng” chứ không phải vì “học học nữa học mãi”!

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của Ths.Trương Khắc Trà, tác giả cho rằng số lượng Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ của nước ta hiện nay đã quá đủ cho nên giờ cần phải nâng cao chất lượng chứ đừng nên đào tạo ồ ạt. 

Trong bài viết này tác giả nêu lên hai vấn đề lớn cần thực hiện nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Có thể nhận thấy rằng, đổi mới giáo dục đại học ngày càng trở nên bức bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh hội nhập đã cận kề, cộng đồng kinh tế ASEAN đã ra đời cánh cửa cuối cùng của hội nhập đã được mở…Vậy đâu sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hội nhập? 

Ai cũng nhìn thấy được vấn đề là phải nhanh chóng làm liền làm ngay cải cách giáo dục đại học nhưng liệu có thể làm ngay được trong một sớm một chiều khi giáo dục đại học vẫn còn đó quá nhiều vấn đề muôn thuở?

Lỗ hổng nghiên cứu khoa học

Các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu nhưng qua mấy chục năm vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể, số lượng sáng chế và ứng dụng thực tiễn của các trường đại học ở Việt Nam là quá hạn chế, rất buồn khi phải so sánh những phát minh “tay ngang”, những nhà khoa học “chân đất” với đội ngũ giáo sư tiến sỹ trong các trường đại học.

Các trường đại phải coi nông dân là những người được hưởng thụ công trình khoa học của mình chứ không nên để những người nông dân trở thành những người “đồng nghiệp”, đối tượng để xã hội so sánh mỗi khi nói về lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Theo báo điện tử VietnamNet, GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia từng thống kê, trong thời gian 1998 - 2008, Việt Nam chỉ công bố được 5070 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế, bằng 2% của Úc (238.076), 10% so với Singapore (51.762), 22% so với Thái lan, và 34% so với Malaysia (1.431).

Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học ảnh 1
Không ai có thể cấm quyền được học nhưng khó ở chỗ ai đi học cũng mong sau này “ngồi mát ăn bát vàng” (Ảnh: baodatviet.vn)

Ông cho biết: “Trong thời gian 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế. 

Có năm chẳng có bằng nào.Trong cùng thời gian đó, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3.644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!


Những con số này thực sự chỉ ra sự hạn chế của sáng tạo Việt. Rất nhiều các nghiên cứu hiện tại trong nước, kể cả cấp độ Nhà nước, chỉ là các công trình nghiên cứu theo kiểu tổng kết, hay lặp lại, chứ không có đóng góp cho khoa học.

Trên thế giới nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp hạng đại học trong khi đó ở Việt Nam dường như đã phớt lờ tiêu chí và cũng là nhiệm vụ này, nếu các trường đại học không gánh vác trọng trách này thì ai sẽ là người đứng ra gánh vác? 

Thực tế cho thấy những nhà khoa học ở Việt Nam sống được bằng công trình nghiên cứu chỉ đếm trên đầu ngón tay, hơn nữa nghiên cứu khoa học cơ bản là ngành mang lại rủi ro cao, chu kỳ thu hồi vốn khá dài nên để “xã hội hóa” là rất khó, trong khi đó “quy trình” để phân bổ nguồn tiền cho mỗi công trình phải đi qua nhiều khâu làm hao hụt khiến động lực sáng tạo giảm sút.

Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học ảnh 2

5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

(GDVN) - Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học không nên hướng tới mục đích giảm quy mô đào tạo mà là đào tạo một cách hợp lý, có tầm nhìn tối thiểu đến năm 2030.


Thực tế trên thế giới cho thấy, việc nghiên cứu khoa học không chỉ dành riêng cho giảng viên mà dành cho tất cả những sinh viên có năng lực và đam mê. 

Trên giảng đường sinh viên với giảng viên là thầy – trò, còn trong phòng thí nghiệm họ là những người đồng nghiệp, trong đó sinh viên đóng vai trò là những người phụ tá.

Điều đó đủ để thấy rằng tính dân chủ và tư duy tự do ở các đại học lớn trên thế giới phát huy tác dụng như thế nào.

Ngược lại môi trường học thuật trong các đại học Việt Nam quá “kín cổng cao tường” các giảng viên thường chỉ xem sinh viên là đối tượng để truyền thụ, giáo huấn chứ không thể coi sinh viên là những đối tác trong nghiên cứu khoa học, nếu không muốn nói rằng nhiều giảng viên chỉ coi sinh viên là trẻ con, chưa đủ khả năng để làm việc và ngồi ngang hàng với những người thầy!

Dù không ai nói nhưng ai cũng biết được một điều hiển nhiên rằng rất hiếm giảng viên có thể chấp nhận rằng sinh viên có những đề tài vượt trội hơn so với mình, khi ấy các giảng viên là người duyệt đề tài liệu rằng có thể bỏ qua cái tôi vị kỷ là Giáo sư, Tiến sỹ lại để cho sinh viên “qua mặt”!

Hơn nữa, hiện nay nhiều giảng viên đang “khát” đề tài khoa học thì đến khi nào sinh viên mới được giao nhiệm vụ này?

Biết rằng nghiên cứu khoa học cần sự sáng tạo và chủ động nhưng sự sáng tạo và chủ động ấy có được duyệt kinh phí không khi nó không nằm trong danh mục và vận hành bởi cơ chế xin – cho!?

Một trong những rào cản lớn khiến giảng viên và sinh viên Việt Nam tụt hậu trong nghiên cứu khoa học là vốn ngoại ngữ hạn chế, vì hạn chế ngoại ngữ nên khó có thể tham khảo những học liệu uy tín trên thế giới. 

Khi đó những trích dẫn hoặc sáng tạo không thể vượt ra khỏi biên giới quốc gia, không hiếm những công trình khoa học đạo văn, hoặc trích dẫn sai do không thể tiếp cận được bản gốc bằng ngoại ngữ.

Bài toán chất lượng “nguyên liệu” đầu vào

Hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp có phải xã hội này không còn việc gì cho họ làm? Câu trả lời là không! Vậy lỗi tại ai? 

Mọi sự vật sự việc sẽ ở trạng thái lý tưởng nếu “lượng” phù hợp với “chất” và ở đây, rõ ràng giáo dục đại học đang có độ “vênh” không nhỏ giữa hai phạm trù này. Đại học Việt Nam đã từng có thời kỳ hoàng kim cách đây mấy thập kỷ, khi đó tấm bằng cử nhân là của hiếm.

Nhiều người hay nhầm tưởng Việt Nam đang thừa cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ…thực tế không phải thừa do số lượng lớn mà do không đáp ứng được yêu cầu công việc, tất cả các lĩnh vực đều thiếu chuyên gia, hàng năm nhà nước tốn không ít tiền bạc mời chuyên gia nước ngoài để quy hoạch hay làm dự án, công trình…

Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học ảnh 3

Sự khác biệt Đại học xưa và nay

(GDVN) - Thế giới chọn thành tích nghiên cứu khoa học làm tiêu chí đánh giá Đại học thì ở Việt Nam lại quan tâm mở thật nhiều ngành, càng đông sinh viên càng tốt.

Một thời gian dài “lượng” đã không còn thống nhất biện chứng với “chất” điều này thấy rất rõ, hàng năm con số tuyển sinh rất lớn nhưng việc tạo ra những chuyên gia, khoa học gia còn quá khiêm tốn. 

Thậm chí hệ thống đại học quốc dân hiện nay không thể đào tạo ra nhân tài, bằng chứng là hầu hết những nhà khoa học lớn của Việt Nam đều là sản phẩm của các đại học ngoại quốc.

Rõ ràng ở đây chất lượng đầu vào của hầu hết các đại học Việt Nam chưa đạt yêu cầu nếu không muốn nói bất cứ ai cũng có thể học đại học và Thạc sỹ, thậm chí Tiến sỹ, miễn là có thời gian và có tiền! 

Không thể có sản phẩm tốt nếu nguồn nguyên liệu ban đầu kém chất lượng cho dù dây chuyền sản xuất có hiện đại đến đâu chăng nữa.

Nếu trước đây đại học chỉ dành cho những học sinh giỏi, xuất sắc thì nay cánh cửa đó đã mở toang cho tất cả mọi người, học sinh học lực yếu, trung bình cũng có thể học đại học dễ dàng, không học được chính quy thì học tại chức, không học trường công thì học trường tư…vàng thau lẫn lộn. 

Hai vấn đề lớn khi nâng “chất” giáo dục đại học ảnh 4

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Cảnh báo thừa cử nhân từ năm 2004, nhưng không ai nghe

(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết đã từng cảnh báo tình trạng thừa cử nhân đại học tại nghị trường Quốc hội từ năm 2004, nhưng chẳng mấy người chú ý.

Không ai có thể cấm quyền được học nhưng khó ở chỗ ai đi học cũng mong sau này “ngồi mát ăn bát vàng” chứ không phải vì “học học nữa học mãi”!

Thiếu sự phân luồng ngay từ đầu cho nên sau khi hết phổ thông tất cả đổ xô đi theo một con đường duy nhất là vào đại học, ít nhất cũng cao đẳng, trung cấp, còn học nghề, làm kinh doanh tự do được cho là thất bại!? 

Hệ quả của quan niệm này làm mất chất lượng giáo dục đại học còn hệ thống các trường dạy nghề teo tóp dần, gây lãng phí rất lớn.

Không đâu ngoài hệ thống đại học là nơi cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho xã hội, theo ý kiến cá nhân của người viết bài này số lượng Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, cử nhân như vậy là quá đủ, đã đến lúc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. 


Ths Trương Khắc Trà