LTS: Một trong những điểm bất cập trong dạy liên kết ngoai ngữ chính nội dung chương trình giảng dạy.
Với việc quy định chung chung là rèn luyện kỹ năng nghe nói cho học sinh nên mỗi doanh nghiệp áp dụng một kiểu.
Có doanh nghiệp dạy giáo trình của nước ngoài nhưng có doanh nghiệp dùng hẳn phần mềm tiếng Anh rồi cài đặt vào máy tính để học sinh tự tương tác với máy...
Với cách tổ chức dạy học mỗi nơi mỗi kiểu như vậy nên rất khó để hình dung dạy liên kết ngoại ngữ là dạy cái gì?
Tồn tại gần 10 năm nay, nhưng chưa ai trả lời được câu hỏi hình thức liên kết ngoại ngữ nào ưu việt hơn?
Bố trí giờ học vì lợi ích của doanh nghiệp
Qua quá trình tìm hiểu việc dạy liên kết ngoại ngữ ở tại các trường học ở bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên, học sinh về những bất cập trong dạy và học.
Trước hết, đó là những bất cập liên quan đến bố trí giờ học tiếng Anh liên kết.
Việc bố trí giờ dạy học liên kết ngoại ngữ đang có lợi cho doanh nghiệp (ảnh minh họa - Trinh Phúc nguồn giaoduc.net.vn). |
Chị Lê Thu Phương ở Long Biên cho rằng:
“Nhiều phụ huynh không muốn cho con mình học ngoại ngữ liên kết nhưng đành phải tham gia vì giờ học nhà trường bố trí đan xem vào giữa các tiết học chính thức.
Nếu con họ không tham gia học, trong giờ tiếng Anh liên kết cả lớp ngồi học thì con mình đi lang thang ngoài sân trường.
Vì không muốn con lang thang, vật vờ ngoài sân trường nên nhiều phụ huynh đành chấp nhận đăng ký cho con học.
Với cách sắp xếp lịch học như vậy, bảo là tự nguyện nhưng thực tế chả khác nào ép buộc”.
Qua quá trình làm việc với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thấy, việc bố trí việc dạy liên kết ngoại ngữ đan xen với các tiết học chính khóa tương đối phổ biến.
Trước những thắc mắc của phụ huynh học sinh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có hỏi lãnh đạo một số trường và nhận được trả lời rằng:
“Việc sắp xếp thời khóa biểu đan xen với các môn học chính thức là để kích thích hứng thú học tập cho học sinh”.
Tuy nhiên, từ những ghi nhận thực tế của phóng viên đã cho kết quả trái ngược.
Cụ thể, để tiết kiệm chi phí thuê giáo viên người bản ngữ các trung tâm ngoại ngữ thường bố trí một giáo viên dạy cho toàn trường.
Vì, một giáo viên phải dạy nhiều lớp nên bắt buộc phải bố trí thời khóa biểu đan xen để tránh trùng lặp tiết học.
Cách bố trí thời khóa biểu như trên đang tạo điều kiện cho giáo viên người nước ngoài khai thác hết công suất dạy học và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí.
Tuy nhiên, với cách bố trí thời khóa biểu xem liên kết ngoại ngữ như một môn học chính khóa đang gây khó khăn cho những em học sinh không tham gia học liên kết ngoại ngữ.
Thậm chí, với việc tạo điều kiện cho giáo viên người bản ngữ dạy học nhiều tiết trên ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Chị Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên ở quân Tây Hồ cho rằng:
“Một giáo viên bản ngữ ôm đến gần 15 lớp. Tức là giáo viên dạy gần 30 Tiết một tuần.
Thử hỏi, việc giáo viên giao lưu ngôn ngữ với gần 500 học sinh trong một tuần thì ông ta lấy đâu ra sức mà uốn nắm phát âm cho các em.
Với cách cày ải như trên nên phụ huynh đặt nghi vấn về chất lượng liên kết ngoại ngữ là hoàn toàn có cơ sở”.
Mỗi doanh nghiệp một kiểu dạy
Câu hỏi “dạy liên kết ngoại ngữ là dạy cái gì” tưởng đơn giản nhưng thực ra là rất khó để trả lời rành mạch.
Nói nôm na như ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Nếu tiếng Anh của Bộ là cái cây thì liên kết ngoại ngữ là hoa, lá cành thêm vào”.
Ý của ông Phạm Xuân Tiến có thể hiểu, liên kết ngoại ngữ chỉ bổ trợ cho chương trình chính khóa.
Chủ doanh nghiệp liên kết ngoại ngữ kể góc khuất phải quan hệ từ Trường đến Sở |
Theo một số chuyên gia, do điểm hạn chế của chương trình tiếng Anh chính khóa là khả năng nghe nói của học sinh.
Từ đó, mới phát sinh ra tiếng Anh liên kết để đưa giáo viên người bản ngữ vào trường phổ thông để rèn luyện kỹ năng nghe nói của học sinh.
Lý thuyết như vậy, nhưng khi doanh nghiệp áp dụng vào giảng dạy thì mỗi nơi một kiểu.
Cụ thể, tại Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên, có những lớp học chương trình DynEd không có giáo viên người bản ngữ giảng dạy.
Học sinh được học theo phần mềm cài đặt trên máy, giáo viên ngoại ngữ trong trường trực tiếp hướng dẫn các em.
Trung tâm ngoại ngữ Dream House lại được tổ chức theo kiểu “ngẫu hứng” hơn.
Tìm hiểu của phóng viên tại trường Trung học Cơ sở Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội thì Trung tâm ngoại ngữ Dream House không sử dụng giáo trình riêng.
Giáo viên của trung tâm Dream House cử đến dạy học sẽ soạn giáo án dựa trên chương trình sách giáo khoa tiếng Anh chính khóa của Bộ.
Tiết học liên kết ngoại ngữ là việc ôn luyện nội dung đã học trước đó của bài học chính khóa.
Tờ trình chương trình Dream House của Trường Trung học Cơ sở Đông Thái (ảnh Trinh Phúc). |
Cô giáo Lê Thủy Trang, Hiệu phó Trường Trung học cơ sở Đông Thái, Tây Hồ, Hà Nội cho biết:
“Trường đang liên kết với Trung tâm ngoại ngữ Dream House cho khối 6, 7 và khối 8.
Trong đó, khối 6 và 7 học hai tiết/tuần. Một tiết có giáo viên bản ngữ và một tiết do giáo viên người Việt giảng dạy.
Mức học phí cho khối 6 và 7 là 240.000 đồng/học sinh/tháng.
Học sinh khối 8, học một tiết/tuần do giáo viên người bản ngữ giảng dạy. Học phí 160.000 đồng/học sinh/tháng.
Nội dung các tiết học được soạn theo chương trình sách giáo khoa của Bộ và do giáo viên người nước ngoài soạn giảng.
Mục đích nhằm tăng cường khả năng nghe, nói của các em học sinh.
Ngoài ra, trung tâm Dream House còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em có điều kiện sử dụng tốt tiếng Anh”.
Trong khi đó, tiếng Anh Language Link hay Washington lại sử dụng giáo trình.
Mỗi chương trình, các doanh nghiệp chủ động chọn lựa giáo trình để tổ chức dạy học.
Vấn đề đặt ra, giữa các cách dạy học trên đây thì đâu là cách dạy học tối ưu, phù hợp với tình hình hiện nay?
Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá về chất lượng đầu ra của học sinh nên gần như không thể có câu trả lời.