Có trường chẻ ngành, đặt tên khoa cho nổi bật chỉ để thu hút sinh viên

01/04/2017 07:15
Diệu Thuần
(GDVN) - Nhiều trường đại học đã dự kiến mở thêm các ngành mới cho kỳ tuyển sinh sắp tới. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là chẻ ngành, đổi tên để thu hút sinh viên.

Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam xoay quanh vấn đề mở ngành mới của các trường đại học.

Các trường cùng nhau mở ngành mới

Trước thềm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, bên cạch các ngành truyền thống, các trường đại học đã mở thêm một số ngành mới để thu hút thí sinh.

Theo đó, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh ba ngành mới: quản trị khởi nghiệp, quản trị bệnh viện và ngành thương mại điện tử.

Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) sẽ xét tuyển ba ngành mới: kỹ thuật y sinh, an toàn thông tin, hệ thống thông tin và quản lý.

Năm nay, các trường đại học đồng loạt mở ngành mới. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhắc các thí sinh phải xem xét thật kỹ khi chọn ngành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Năm nay, các trường đại học đồng loạt mở ngành mới. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhắc các thí sinh phải xem xét thật kỹ khi chọn ngành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Và theo dự kiến, Trường đại học Nguyễn Tất Thành sẽ mở 11 ngành mới: đạo diễn điện ảnh - truyền hình, quay phim, diễn viên kịch - điện ảnh, truyền thông đa phương tiên, thiết kế thời trang, y học sự phòng, marketing, quản trị du lịch lữ hành, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hệ thống công nghiệp, thương mại điện tử và vật lý y khoa, thú y.

Còn trường đại học FPT dự kiến xét tuyển 2.600 chỉ tiêu cho tất cả các ngành và xét tuyển thành nhiều đợt (sớm nhất là vào tháng 5/2017) với hai phương thức: xét tuyển, tự tổ chức thi tuyển đầu vào.

Trường dự kiến tuyển sinh 5 ngành mới gồm công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ Hàn Quốc, truyền thông đa phương tiện, toán học.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Mình cho biết, trường mới bổ sung một ngành học mới và lạ là kỹ thuật không gian, tuyển sinh 40 chỉ tiêu.

Học là một chuyện, đi làm là chuyện khác

Theo thạc sĩ Hường, trước khi mở ngành kỹ thuật không gian, Trường đại học Quốc tế đã khảo sát sơ bộ, trong giai đoạn 2015 - 2020, lĩnh vực này cùng các ứng dụng liên quan như viễn thám, thông tin liên lạc, khai thác hình ảnh vệ tinh để dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên... cần khoảng 2.000 lao động trình độ cao. 

Riêng Trung tâm vệ tinh quốc gia cần ít nhất 350 kỹ sư, trong khi trường chỉ đáp ứng được 150 kỹ sư. Năm bắt được điều đó, trường đã tiến hành mở ngành mới là kỹ thuật không gian.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng đào tạo Trường đại học Kinh tế thông tin, ''đất nước đang khuyến khích bạn trẻ khởi nghiệp, nhu cầu bạn trẻ muốn làm ông chủ cao. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công bạn trẻ phải có kiến thức và kỹ năng nhất định về vấn đề đang theo đuổi.

Sinh viên theo học các ngành trên sẽ được cung cấp các kiến thức lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực quản trị điều trị và chăm sóc sức khỏe. 

Ra trường, các em có thể làm các lĩnh vực tài chính, nhân sự, quan hệ công chúng, quản trị cung ứng, chất lượng dịch vụ và vận hành hệ thống điều trị, chăm sóc sức khỏe ở các bệnh viện, phòng khám và các tổ chức y tế''.

Giải thích vì sao năm nay, Trường Đại học Nguyễn Tắt Thành lại mở nhiều ngành (11 ngành) thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Trưởng phòng Tổng hợp của trường cho biết, trường mở ngành mới là để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thị trường việc làm hiện nay.

Hơn nữa, trường mở ngành mới là đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Có nghĩa rằng, một số ngành trường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo. Các sinh viên học xong, đến doanh nghiệp trường hợp tác để thực tập, nếu đạt yêu cầu sẽ ở lại làm việc.

Trả lời câu hỏi, liệu những sinh viên theo học những ngành mà trường không liên kết với doanh nghiệp thì sao, thạc sĩ Bá Anh giải thích: ''Học là một chuyện, đi làm là chuyện khác. 

Khi học ở trường, sinh viên sẽ được tào tạo các kỹ năng, kiến thức cơ bản. Còn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên phải tự trang bị thêm các kiến thức như: tiếng anh, vi tính và các kỹ năng: thuyết trình, giao tiếp...''.

Anh cũng thông tin thêm, có những ngành trường dự kiến mở là đáp ứng nhu cầu của sinh viên, khi các em rợt ở trường nguyện vọng một mà không biết nộp hồ sơ vào trường nào. 

Hiện trường đã chuẩn bị xong công tác chọn giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như nội dung đào tạo và giáo trình cho các ngành mới.

Chẻ ngành, đặt tên cho nổi bật để thu hút sinh viên

Bàn về vấn đề trên, ông Tuấn nhận định, các ngành mới mà một số trường đại học mở năm nay là theo hướng chẻ ngành, đặt tên cho nổi bật để thu hút sinh viên chứ không quan tâm đến chất lượng đào tạo, thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp hiện nay đang cần.

''Chúng ta phải hiểu đó là ngành chuyên sâu chứ không phải là ngành mới. Vì thế, các sinh viên cần phải tỉnh táo khi chọn ngành. Phải biết mình đang đứng ở đâu, phù hợp với ngành nào, chứ đừng có thấy tên ngành mới, ngành hót mà chọn bừa rồi thất vọng'' ông nói.

Trong một buổi hướng nghiệp cho sinh viên, ông có hỏi một số bạn, tại sao lại chọn ngành đang theo học rồi lại đi thắc mắc, học xong làm gì, ngành học phù hợp với ngành nào. Bạn sinh viên kia nói: ''Thấy ngành mới và nhà trưởng quảng cáo là đang hót thì mới chọn''.

"Thế đó, các trường cứ đua nhau mở ngành mới mà không chịu xác định thị phần. Cứ mở ngành ra, làm thế nào để sinh viên theo học, chứ không cần biết các em ra trường sẽ làm gì, có kiếm được việc làm không, ngành các em học có phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp không. Làm như thế là không đúng với chủ trương của ngành giáo dục.

Có một số ngành, sinh viên cứ hiểu là quản lý. Đó là nhà trường đánh vào tâm lý sinh viên, ra trường là muốn làm quản lý chứ không muốn làm thuê.
Mà sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm đâu ra mà làm quản lý. Phải làm công, có kinh nghiệm, chịu cực chịu khổ, chịu thất bại rồi mới thành công được chứ'', ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, ngành mới bây giờ là phải kết hợp giữa kỹ thuật và khoa học xã hội, kỹ thuật với pháp lý và phải mới thật sự chứ không phải chẻ ngành, đổi tên rồi nói là ngành mới...

''Tôi thấy ngành mới của một số trường là ngành con của ngành mẹ. Vì thế, sinh viên phải làm sao chọn ngành cho phù hợp với mình, chứ đừng chọn theo cảm hứng, theo lời quảng cáo.

Thị trường lao động bây giờ khác rồi. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước luôn đón nhận người có kiến thức nghề nghiệp, có kỹ năng công việc, có kỹ năng giao tiếp, đạo đức, sự nghiêm túc trong công việc, sự tương tác, hài hòa, có năng lực ngoại ngữ... chứ không phải anh cầm cái bằng đại học ra là có việc làm.

Các bạn sinh viên cũng cần phải hiểu rằng, các cơ quan nhà nước đang cần công nghệ thông tin, cần kỹ thuật, cần khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, người có kỹ năng công việc tốt... chứ không phải đơn thuần là học hành chính, văn phòng... rồi chạy chọt là có việc. 

Nhiều chỗ giờ chưa tuyển được người đâu. Các sinh viên phải tự lập, phải biết vươn lên chứ đừng ỉ lại, đừng nghĩ học đại học ra là phải làm quam, làm công việc lương phải cao. Suy nghĩ như vậy thì có mà thất nghiệp dài dài. 

Nhiều doanh nghiệp bây giờ thà chấp nhận thiếu người chứ không chịu tuyển người thêm, vì họ cho rằng, người mới vào không phù hợp. Vì thế đào thừa nhưng lại thiếu. Các trường trước khi mở ngành mới thì hãy nghĩ đến việc cân đối giữa đại học và đào tạo, giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Diệu Thuần